Quốc hội thông qua kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025
Sáng 28/7, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết Nghị quyết về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 với đa số đại biểu tham biểu quyết tán thành...
Cụ thể, 474/476 đại biểu Quốc hội (chiếm 95,38% tổng số đại biểu Quốc hội) tham gia biểu quyết tán thành thông qua Nghị quyết về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Như vậy, với đa số đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết này.
Theo Nghị quyết, mục tiêu tổng quát của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 5 năm tới là tiếp tục thực hiện cơ cấu lại đầu tư công và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, giảm tỷ trọng vốn đầu tư công trong tổng số vốn đầu tư toàn xã hội, phát huy vai trò dẫn dắt của đầu tư công, tăng cường thu hút các nguồn vốn đầu tư từ các khu vực kinh tế ngoài nhà nước.
Từ đó, tạo chuyển biến rõ nét trong đột phá chiến lược về phát triển hạ tầng, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm an sinh xã hội; góp phần quan trọng để thực hiện các mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.
Nghị quyết nêu rõ định hướng đầu tư là tập trung cho các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm, có sức lan tỏa cao, có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, tạo đột phá thu hút vốn đầu tư theo phương thức đối tác công tư; đầu tư công phải bám sát và phục vụ cho việc thực hiện tốt các mục tiêu, định hướng phát triển tại Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025 của quốc gia, ngành, lĩnh vực, địa phương, quy hoạch quốc gia, vùng, ngành, tỉnh được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Đồng thời, phải bảo đảm cơ cấu đầu tư hợp lý, hiệu quả giữa các vùng, miền, lĩnh vực, trong đó ưu tiên vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước cho các vùng động lực, miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khu vực chịu ảnh hưởng lớn bởi dịch bệnh, thiên tai, bão lũ và các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; tăng cường năng lực hệ thống hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu…
Về nguyên tắc phân bổ kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025, Nghị quyết nêu rõ việc phân bổ phải tuân thủ Hiến pháp, các quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước, Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 và các văn bản pháp luật liên quan.
Việc phân bổ vốn phải phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư công, phù hợp với khả năng tài chính; bảo đảm cân đối vĩ mô, giữ vững an toàn nợ công; tuân thủ thứ tự bố trí vốn theo quy định của pháp luật, bảo đảm công khai, minh bạch trong việc phân bổ vốn đầu tư công, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Nghị quyết quyết nghị giao Chính phủ, các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương theo chức năng của mình triển khai thực hiện Nghị quyết; Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban khác của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội giám sát việc thực hiện Nghị quyết; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận và các tổ chức xã hội được thành lập theo quy định của pháp luật giám sát và động viên mọi tầng lớp nhân dân thực hiện Nghị quyết.
Trước đó, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng, trong giai đoạn 2016-2020, việc tuân thủ các nguyên tắc "Bố trí vốn đầu tư tập trung để khắc phục tình trạng phân tán, dàn trải, dở dang" chưa triệt để. Vẫn còn tình trạng bố trí vốn dàn trải, manh mún, hiệu quả thấp, chậm hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án, giao kế hoạch vốn trung hạn và dự toán chi đầu tư hằng năm, giao nhiều lần.
Để khắc phục những hạn chế này, kế hoạch giai đoạn 2021-2025, tổng số dự án chỉ còn dưới 5.000 dự án, giảm hơn một nửa so với giai đoạn 2016-2020, trong đó thu hồi dứt điểm số vốn ứng trước kế hoạch, hoàn thành các dự án chuyển tiếp, khởi công mới khoảng 2.236 dự án. Mức vốn bố trí bình quân cho 1 dự án là 210,4 tỷ đồng, cao gấp 2,4 lần so với giai đoạn 2016-2020 (88 tỷ đồng/dự án).
Bên cạnh đó, cũng có một số ý kiến đại biểu cho rằng việc thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn trước vẫn còn tình trạng chậm giải ngân. Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, tại Điều 6 của Nghị quyết đã quy định các giải pháp cụ thể nhằm khắc phục triệt để hạn chế này.