09:48 21/10/2015

“Quy trình cán bộ hiện nay vẫn khó chọn người tài”

Nguyên Thảo

Hiện nay bổ nhiệm cán bộ chủ yếu là sự đồng thuận từ dưới lên trên, cho rằng đó là người tài

Phó bí thư Tỉnh ủy Hải Dương, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân.<b><br></b>
Phó bí thư Tỉnh ủy Hải Dương, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân.<b><br></b>
Quan trọng là quy trình làm sao phải đảm bảo tính minh bạch, khách quan. Minh bạch là rõ ràng về tiêu chí, người tài không thuần túy chỉ là sự tín nhiệm, bởi nếu tập thể xuôi chiều, thì có thể rủi ro rất cao trong việc chọn người tài”, Phó bí thư Tỉnh ủy Hải Dương, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân bình luận về quy trình đánh giá, bổ nhiệm cán bộ hiện nay.

Ông Vân nhắc câu chuyện một học trò của Khổng Tử hỏi rằng một người cả làng nói là tốt thì có phải người tốt không, Khổng Tử bảo chưa chắc. Học trò lại hỏi thế người mà cả làng bảo là xấu thì có phải người xấu không, Khổng Tử vẫn bảo chưa chắc.

Người học trò lại hỏi là thế làm sao biết được ai đó là người tốt hay người xấu, Khổng Tử mới nói là vậy phải xem cái làng đó như thế nào.

Chưa định lượng được tiêu chí


Ông từng đề xuất Quốc hội xây dựng luật trọng dụng nhân tài, ông cũng từng nói chỉ người tài mới có thể xoay chuyển tình thế, và đất nước đang cần những người như vậy. Phải chăng việc lựa chọn nhân sự cho đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ mới chính là cơ hội để trọng dụng người tài?

Xưa kia khi mà Lê Lợi lên ngôi đã xuống ngay chiếu cầu hiền, trong đó ông ấy yêu cầu từ quan lại đến thường dân có trách nhiệm tiến cử hiền tài và phải chịu trách nhiệm trước nhà vua. Tiến cử đúng thì được trọng thưởng còn sai phải chịu phạt tội.

Vậy bây giờ tư tưởng đó mình tiếp thu như thế nào? Rõ ràng đây là trách nhiệm của cơ quan tổ chức, của người đề cử nhân sự với người thay thế mình.

Ở cương vị phó bí thư tỉnh ủy ông thấy quy trình hiện nay đã cho phép đề cử và bầu chọn được những người thực sự xuất sắc chưa?

Khó lắm.

Chúng ta vẫn hay nghe nói đúng quy trình, nhưng quy trình do con người đặt ra, nó mang tính chủ quan, mà chủ quan thì bao giờ cũng phản ánh ý chí, mà ý chí thì thường xuất phát từ lợi ích. Vấn đề là anh xuất phát từ lợi ích chung hay là lợi ích riêng thôi, nên làm sao tiếp cận được với cái khách quan mới là vấn đề.

Theo quy trình hiện nay thì vẫn tuần tự cấp dưới giới thiệu lên, tất nhiên có sự chuẩn bị của cơ quan tham mưu, đề xuất rồi cấp ủy xem xét sau đó đưa ra tập thể rồi bỏ phiếu. Nhưng cái quan trọng nhất là định lượng được tiêu chí xác định người tài, thì vẫn chưa làm được, đặc biệt là đánh giá chính xác năng lực của cán bộ là rất khó.

Hiện nay bổ nhiệm cán bộ chủ yếu là sự đồng thuận từ dưới lên trên, cho rằng đó là người tài, nhưng chắc gì, lửa thử vàng gian nan thử sức mới biết được.

Theo tôi thì quy trình đó phải tiếp tục hoàn thiện, trước hết là phải có tiêu chí để định nghĩa được thế nào là người tài.

Ví dụ nếu xếp người tài theo thang điểm là 100 thì điểm về sáng tạo trong công việc có thể chiếm 30 - 40 điểm, quyết liệt trong điều hành có thể 20 điểm chẳng hạn, rồi điểm về chuẩn mực đạo đức, ứng xử, tín nhiệm là bao nhiêu thì có thể đong đếm được.

Trước mắt thì cứ mừng đã

Thưa ông, vừa qua dư luận đặc biệt quan tâm đến giám đốc tuổi 30, rồi bí thư tỉnh, thành ủy chưa đến 40 tuổi. Ông có cho rằng đây là tín hiệu mừng trong công tác cán bộ hay nói rộng hơn là việc trọng dụng nhân tài?

Có tiến hiệu tích cực là chỗ cá nhân còn trẻ xuất hiện nhiều nhưng vừa rồi báo chí, dư luận cho rằng có những vị quá trẻ để đảm đương công việc mà phải có thời gian rèn luyện. Tôi thấy mình không nên câu nệ thành phần xuất thân, nhưng quan trọng là người đó có xứng đáng không, thì cái đó phải có tiêu chí, như tôi đã nói ở trên.

Thế nên, thực tế bạn nêu ở câu hỏi rất đáng mừng nếu họ có thực tài, còn đáng báo động nếu họ không có thực tài mà cứ nhét quyền vào tay họ. Đó là đáng lo chứ không phải đáng mừng. Nhưng trước mắt thì cứ mừng đã.

Ông có còn “lưu luyến” ý tưởng xây dựng luật trọng dụng nhân tài không?

Tôi vẫn chờ đợi Quốc hội làm Luật Trọng dụng nhân tài, vì kỳ họp thứ 3 Quốc hội đã giao Chính phủ nghiên cứu để trình rồi, nhưng đến nay chưa trình.

Lý do tôi đề xuất là từ cổ chí kim đến nay, các triều đại thịnh trị, các vị thánh đế minh vương khi lên ngôi bao giờ cũng ban chiếu cầu hiền. Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1946 cũng có thư gửi cho ủy ban hành chính các cấp về việc tiến cử nhân tài cho chính phủ.

Hơn bao giờ hết lúc này khi mà nguồn lực về thiên nhiên, nguồn lực có tính vật chất đang cạn kiệt thì nguồn tài nguyên về con người càng phải khai thác, không có tài nguyên nào quý giá hơn con người - người tài.

Nhìn ra các quốc gia phát triển, chính là do sử dụng nhân lực tốt nên họ có thể đi lên từ tay không, như Hàn Quốc với Nhật Bản, tài nguyên có gì đâu, nhưng họ lại mạnh như  vậy.