11:10 16/11/2020

RCEP được ký cho thấy vị thế ngày càng cao của Việt Nam

Quỳnh Nguyễn

Việc ký kết hiệp định trực tuyến bất kể đại dịch COVID-19 kéo dài đã cho thấy quyết tâm của Chính phủ 15 nước thành viên đối với hợp tác, kết nối và trong việc xây dựng một nền kinh tế thịnh vượng chung

Theo CEO Ngân hàng HSBC Việt Nam, mặc dù thương mại quốc tế còn nhiều bất ổn tiềm tàng, việc ký kết hiệp định RCEP thể hiện niềm tin vào mở cửa thị trường sẽ dẫn tới tăng trưởng kinh tế cao hơn, xa hơn.

RCEP -  ĐỐI TRỌNG VỚI CÁC XUNG LỰC BẢO HỘ ĐANG GIA TĂNG

Sau một chặng đường dài 8 năm, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) đã được ký kết ngày 15/11/2020, bao gồm 15 quốc gia trong đó 10 nước thuộc khối ASEAN và năm quốc gia mà ASEAN có hiệp định tự do thương mại gồm Úc, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand.

Hiệp định RCEP, với thị trường 2,2 tỷ người tiêu dùng và tổng GDP 26,2 ngàn tỷ USD, chiếm hơn 30% GDP toàn cầu, tạo nên một khối tự do thương mại lớn nhất mà thế giới từng chứng kiến. Các quốc gia thành viên sẽ tham gia vào một thị trường mở về hàng hóa, dịch vụ, cơ hội đầu tư, thương mại trong đó các thủ tục hải quan được đơn giản hóa.

Hiệp RCEP được ký cho thấy vị thế ngày càng cao của Việt Nam - Ảnh 1.

Các nước ASEAN và năm đối tác - Trung Quốc đại lục, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc và New Zealand - đã cố gắng đưa ra một thỏa thuận từ năm cuối năm 2012. Mặc dù thời gian đầu các cuộc đàm phán diễn ra khá chậm chạp, nhưng kể từ năm 2017 đã có một động lực mới để giúp các nước đạt được thỏa thuận này, ít nhất như là một đối trọng so với các xung lực bảo hộ đang gia tăng ở những khu vực khác trong nền kinh tế toàn cầu. Với một thỏa thuận đã có, các bước tiếp sẽ là các phê chuẩn của mỗi quốc gia, sau đó hiệp định RCEP sẽ có hiệu lực vào giữa năm tới.

Mặc dù các thông tin chi tiết vẫn chưa được công bố, tuy nhiên, theo tuyên bố của ASEAN, thỏa thuận sẽ loại bỏ thuế quan và hạn ngạch đối với 65% hàng hóa giao dịch trong khu vực. Trong khi đó, các thuế quan và hạn chế khác sẽ được tự do hóa trong vòng 20 năm tới, bao gồm trên 90% thương mại trong khối (mặc dù vẫn duy trì một số loại thuế đối với các sản phẩm nhạy cảm, ví dụ như thịt bò và gạo nhập khẩu vào Nhật Bản).

Hơn nữa, hiệp định RCEP thiết lập một khuôn khổ quy tắc xuất xứ chung, cho phép những nhà xuất khẩu trong các nền kinh tế RCEP sử dụng đầu vào có nguồn gốc từ các thành viên khác để đủ điều kiện tiếp cận ưu đãi khi giao dịch trong khối. Quan trọng là, điều này sẽ cung cấp một nền tảng cho tự do hóa hơn nữa trong thời gian sắp tới.

NIỀM TIN VÀO MỞ CỬA THỊ TRƯỜNG BẤT CHẤP BẤT ỔN TIỀM TÀNG

Ông Tim Evans, Tổng Giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam nhận định: "Việc ký kết hiệp định trực tuyến bất kể đại dịch COVID-19 kéo dài đã cho thấy quyết tâm của Chính phủ 15 nước thành viên đối với hợp tác, kết nối và trong việc xây dựng một nền kinh tế thịnh vượng chung."

Theo CEO Ngân hàng HSBC Việt Nam, mặc dù thương mại quốc tế còn nhiều bất ổn tiềm tàng, việc ký kết hiệp định RCEP thể hiện niềm tin vào mở cửa thị trường sẽ dẫn tới tăng trưởng kinh tế cao hơn, xa hơn. Tầm quan trọng của hiệp định RCEP còn được nhấn mạnh hơn trong việc hồi phục kinh tế hậu COVID-19. Hiệp định sẽ thúc đẩy mạnh mẽ chuỗi cung ứng của vùng và giúp nền kinh tế Việt Nam và ASEAN phát triển thịnh vượng. Thương mại nội khối của châu Á vốn đã lớn hơn thương mại giữa châu Á với Bắc Mỹ và châu Âu cộng lại, sẽ tiếp tục đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu và kéo trọng lực trung tâm kinh tế ngày càng gần lại châu Á.

"Chúng ta có thể thấy vị thế ngày càng cao của Việt Nam, trong vai trò chủ tịch ASEAN năm nay và một phần thông qua quyết định áp dụng một cách tiếp cận phi truyền thống để thúc đẩy hiệp định được ký kết (hình thức trực tuyến)" - ông Tim Evans nhận mạnh.

Với những lợi ích vô cùng to lớn được kỳ vọng từ hiệp định, RCEP là một trong những ưu tiên hàng đầu của Việt Nam trong chiến lược hội nhập. Quốc gia đã và đang rất trung thành với nguyên tắc mở cửa và đã có trong tay 12 hiệp định tự do thương mại, cả song phương và đa phương. Hiệp định gần nhất với nhiều lợi ích là EVFTA được phê chuẩn vào tháng Sáu năm nay. Riêng hiệp định RCEP có thể giúp các công ty Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu, tham gia vào chuỗi cung ứng vùng và thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Hiệp RCEP được ký cho thấy vị thế ngày càng cao của Việt Nam - Ảnh 2.

Các doanh nghiệp Việt Nam đang mong chờ tới thời điểm hiệp định có hiệu lực để giảm thuế quan và đơn giản hóa các thủ tục hải quan cũng như có cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu. Không những vậy, các công ty Việt Nam có thể tiếp cận nguồn nguyên vật liệu từ các quốc gia khác nhau phục vụ nhu cầu xuất khẩu của mình trong khi đáp ứng nguyên tắc xuất xứ nội khối để có thể tận dụng biểu thuế quan ưu đãi.

"Chúng tôi kỳ vọng hiệp định có hiệu lực vào năm 2021 để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh COVID-19 vẫn còn ảnh hưởng. Chúng tôi cũng hy vọng các thành viên của RCEP sẽ phát huy những tiến bộ họ đã đạt được và thúc đẩy hơn nữa tự do hóa thương mại và đầu tư trong khu vực" - Tổng giám đốc HSBC Việt Nam.