Trung Quốc sẵn sàng ký kết RCEP trong vài ngày tới
Trợ lý Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Li Chenggang kỳ vọng RCEP sẽ được ký kết trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN 37 và các hội nghị liên quan tuần này
Tờ South China Morning Post dẫn nguồn tin từ các quan chức Trung Quốc ngày 11/11 cho biết Bắc Kinh dự kiến sẽ ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) với 14 quốc gia trong khu vực châu Á Thái Bình Dương trong tuần này, trước thời điểm chính quyền mới của Mỹ bắt đầu.
Các nhà lãnh đạo của 10 nước thành viên ASEAN cùng Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn quốc, Australia, New Zealand dự kiến ký kết hiệp định này vào ngày 15/11 trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN được tổ chức theo hình thức trực tuyến tại Hà Nội.
"Tới thời điểm này, tất cả các cuộc đàm phán đã hoàn tất. Chúng tôi đang rà soát lại tất cả văn bản trong hiệp định và kỳ vọng có thể ký kết tại hội nghị các nhà lãnh đạo ASEAN", Li Chenggang, Trợ lý Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc, cho biết trong một cuộc họp báo ngày 11/11.
Ông Li Chenggang cho biết việc ký kết thỏa thuận là một phần trong các hoạt động của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tại chuỗi sự kiện Hội nghị Cấp cao ASEAN 37 và các hội nghị liên quan được tổ chức trực tuyến tại Hà Nội từ ngày 12-15/11.
Khi được ký kết và đi vào thực thi, RCEP sẽ là hiệp định thương mại lớn nhất thế giới với 15 nước tham gia chiếm hơn 32% tổng GDP toàn cầu và hơn 30% dân số thế giới, vượt xa các khối thương mại khu vực khác như Liên minh châu Âu (EU), Hiệp định thương mại Mỹ - Mexico - Canada (USMCA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Theo giới quan sát, việc Mỹ vắng mặt trong cả RCEP và CPTPP thúc đẩy các quốc gia trong khu vực châu Á Thái Bình Dương tìm kiếm một đối tác lớn khác. Và Trung Quốc sẽ xem RCEP là cơ hội để thiết lập các quy tắc thương mại trong khu vực, đồng thời đa dạng hóa thương mại trong bối cảnh quan hệ kinh tế với Mỹ suy yếu.
Theo một cố vấn thương mại của chính phủ Trung Quốc, Bắc Kinh cần phải ký kết RCEP trước khi chính quyền mới của Mỹ nhậm chức.
"RCEP mang lại lợi ích chiến lược dài hạn và củng cố quan hệ với các nước láng giềng của Trung Quốc. Chính quyền Mỹ dưới sự lãnh đạo của ông Joe Biden có thể sẽ đưa Mỹ tái gia nhập CPTPP. Nếu Mỹ quay trở lại CPTPP và các cuộc đàm phán RCEP không diễn ra tốt đẹp, điều này có thể sẽ khiến nhiều quốc gia quay sang CPTPP", cố vấn giấu tên cho biết.
Các cuộc đàm phán RCEP được khởi động vào năm 2012 và kéo dài nhiều năm. Năm ngoái, Ấn Độ, nền kinh tế lớn thứ ba châu Á, đã rút khởi hiệp định này bởi quan ngại thâm hụt thương mại với Trung Quốc. Động thái này cũng làm dấy lên hoài nghi về việc các cuộc đàm phán có thể không hoàn tất đúng hạn. Ngoài ra, cũng có ý kiến cho rằng căng thẳng ngoại giao giữa Trung Quốc và Australia có thể ảnh hưởng tới tiến trình ký kết hiệp định thương mại đa phương này.
Tuy nhiên, theo Wang Yong, Giám đốc Trung tâm Kinh tế Chính trị Quốc tế tại Đại học Bắc Kinh, RCEP có thể là một nền tảng mới cho hợp tác kinh tế giữa Trung Quốc và Australia bất chấp bất đồng ngoại giao của hai nước.
"Trong bối cảnh Trung Quốc và các quốc gia châu Á đang ở vị thế thuận lợi để khôi phục kinh tế sau khi kiểm soát được dịch bệnh, quan hệ giữa Trung Quốc và các nước láng giềng sẽ càng phát triển hơn". "Trục kinh tế thế giới giờ đây đã chuyển từ hợp tác xuyên Đại Tây Dương sang hợp tác xuyên Thái Bình Dương".