“Remisier” hay chỉ là nhân viên phát triển thị trường?
Gần đây, một số công ty chứng khoán thông báo tuyển dụng đến hàng chục, hàng trăm nhân viên môi giới với tên gọi khác là “remisier”
Gần đây, một số công ty chứng khoán thông báo tuyển dụng đến hàng chục, hàng trăm nhân viên môi giới với tên gọi khác là “remisier”. Điều này đã gây một số thắc mắc về công việc của đội ngũ nhân viên này.
Với phần tuyển dụng “Cần 750 môi giới chuyên nghiệp”, Công ty Chứng khoán Đại Việt đã thu hút được sự chú ý của đông đảo bạn trẻ. Tương tự như vậy, Chứng khoán Beta cũng quảng cáo rất hấp dẫn: “Cơ hội trở thành remisier với thu nhập đầy ấn tượng”. Và một số công ty khác cũng đang dự định tìm kiếm và mở rộng đội ngũ nhân viên của mình theo hình thức này.
Ông Đăng Anh, Giám đốc khu vực phía Bắc của Công ty Chứng khoán Đại Việt, cho biết: “Trước mắt, chúng tôi đang tuyển 750 nhân viên phát triển kinh doanh, họ sẽ là cầu nối những khách hàng tiềm năng với công ty chúng tôi. Mục tiêu của chúng tôi là sẽ đào tạo, phát triển họ thành nhân viên môi giới chuyên nghiệp sau khi họ đáp ứng đủ những yêu cầu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước để được cấp chứng chỉ hành nghề”.
Ưu điểm của việc phát triển mạng lưới nhân viên phát triển thị trường theo hình thức này rất dễ nhận ra vì thông qua hình thức này, các công ty chứng khoán không phải tốn kém nhiều mà hiệu quả có thể là rất lớn xét về thương hiệu và mạng lưới khách hàng. Vì thế, việc tuyển dụng gần một nghìn hoặc vài nghìn nhân viên thậm chí có thể không giới hạn là điều dễ hiểu. Và các công ty chứng khoán đang dùng tỷ lệ hoa hồng để cạnh tranh trên phân khúc này của thị trường lao động.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết công việc thực chất của những nhân viên đang được tuyển dụng với khối lượng lớn này chỉ đơn thuần là khai thác nguồn khách hàng mới cho công ty. Sự ràng buộc giữa đội ngũ nhân viên này và công ty chứng khoán chỉ là hợp đồng đối tác với thu nhập là hoa hồng trên từng giao dịch của khách hàng, không có lương “cứng” và không phải đến công ty thường xuyên.
Chính vì vậy, nhiều người nhận định đây là công việc của “nhân viên môi giới tự do” hay là hình thức “stockbroker” hoặc “remisier” của các thị trường đã phát triển như Mỹ hoặc Singapore. Tại những thị trường này, bên cạnh các nhiệm vụ như nhân viên phát triển thị trường mà các công ty chứng khoán Việt Nam đang tuyển dụng, các “remisier” còn cung cấp kiến thức cho những nhà đầu tư nhỏ lẻ, cung cấp thông tin chung về thị trường và thông tin cổ phiếu theo nhóm ngành.
Một nhân viên môi giới đúng nghĩa là người hỗ trợ cho nhà đầu tư rất nhiều, giúp cho nhà đầu tư có những thông tin phân tích về định hướng thị trường, giúp họ tìm kiếm những dịch vụ tài chính tốt nhất nhằm hỗ trợ họ trong việc ra quyết định đầu tư. Tuy nhiên, nhân viên môi giới thực thụ chỉ đưa ra những tư vấn về các số liệu và thông tin của cổ phiếu và cấm kỵ những lời khuyên “nên” hoặc “không nên” mua cổ phiếu nào.
Ông Dương Song Hà, Phó giám đốc, Công ty chứng khoán APEC nhận xét: “Đến cả chuyên viên môi giới chuyên nghiệp hiện nay cũng chưa chuyên nghiệp xét về mặt kỹ năng nghề nghiệp, nghiệp vụ chuyên môn. Các nhân viên môi giới đang làm việc trực tiếp tại công ty cũng chỉ có chức năng chủ yếu là mở tài khoản cho khách hàng, cung cấp những thông tin thị trường. Hiện tại, nhân viên môi giới tại APEC dùng 80% thời gian cho việc giao dịch”.
“Các bạn ấy không được phép khuyên khách hàng nên mua hay nên bán loại chứng khoán nào, công việc của họ chỉ dừng ở việc tư vấn cho khách hàng về chất lượng dịch vụ của công ty chúng tôi”. Đó là chia sẻ của ông Đăng Anh về quy định trách nhiệm của đội ngũ 750 nhân viên đang được Chứng khoán Đại Việt tuyển dụng.
Tuy nhiên, nếu chỉ đem được khách hàng về mà không khuyến khích hoặc thuyết phục được họ giao dịch thì những nhân viên này không có thu nhập và như vậy, “để khách hàng giao dịch, rất có thể xảy ra trường hợp những nhân viên môi giới này tư vấn, chào mời khách hàng mua bán, mua mã gì, bán mã gì” như chia sẻ của giám đốc một công ty chứng khoán với báo chí gần đây.
Chính vì vậy, trong khi pháp luật chưa cho phép hình thức “môi giới tự do” thì ranh giới trách nhiệm và công việc giữa nhân viên phát triển thị trường và nhân viên môi giới tự do là rất mong manh, bởi vì tư vấn cho khách hàng để có giao dịch là một phần thúc đẩy doanh số thu nhập nhưng tư vấn như thế nào, kiến thức của họ ở mức độ nào thì các công ty chứng khoán khó mà kiểm soát được.
Có ý kiến cho rằng, nhà đầu tư bây giờ đã khôn ngoan hơn nhiều, họ rất biết chọn lọc và kiểm chứng thông tin bằng nhiều nguồn khác nhau. Tuy nhiên, đối tượng khách hàng mà đội ngũ nhân viên này hướng đến là những nhà đầu tư mới, chưa tham gia thị trường vì con số 300.000 tài khoản hiện tại là khá ít ỏi so với dân số 80 triệu của Việt Nam. Hơn nữa, đến những thị trường lớn như Mỹ mà vẫn có nhiều vụ nhân viên môi giới tự do vô tình hoặc cố ý làm ảnh hưởng không tốt đến quyền lợi của nhà đầu tư.
“Việc nhân viên môi giới có thể tác động đến nhà đầu tư, tác động đến quyết định của nhà đầu tư để trục lợi cho riêng mình là một rủi ro chung của thị trường. Các nhà quản lý cần lường trước những rủi ro này nhằm đào tạo, định hướng và có những quy định cam kết phù hợp”, ông Song Hà chia sẻ.
Bà Bùi Thị Thanh Hương, Trưởng ban Quản lý kinh doanh chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, khẳng định: “Trong trường hợp công ty chứng khoán tuyển dụng đội ngũ phát triển kinh doanh, hợp đồng phải ghi rõ quyền hạn và trách nhiệm của những lao động đó đến đâu, nếu có vi phạm xảy ra mà hợp đồng không quy định rõ thì công ty chứng khoán phải liên đới chịu trách nhiệm”.