10:15 11/03/2009

SCIC chuẩn bị gì cho mùa đại hội cổ đông?

Hoàng Xuân

Với việc nắm giữ vốn ở 755 công ty cổ phần, SCIC sẽ “xoay” thế nào trong việc cử người họp đại hội cổ đông?

Ông Trần Văn Tá, Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước.
Ông Trần Văn Tá, Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước.
Đối với các công ty có sự tham gia góp vốn của Nhà nước, nhiều cổ đông quan tâm đến việc tham gia của các đại diện chủ sở hữu nhà nước vì tiếng nói của họ tại các đại hội này là quan trọng, thậm chí có ý nghĩa quyết định.

Ông Trần Văn Tá, Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đã có cuộc trao đổi với chúng tôi về những công việc chuẩn bị mà SCIC đang làm cho đại hội cổ đông của 755 doanh nghiệp.

Thưa ông, đến thời điểm này SCIC đang quản lý bao nhiêu doanh nghiệp?

Tính đến 28/2/2009, số lượng các doanh nghiệp còn lại trong danh mục quản lý của SCIC là 776 doanh nghiệp trong đó có 755 công ty cổ phần.

Đối với những doanh nghiệp này, SCIC đã và đang thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của cổ đông, trong đó có việc cử người đại diện tham gia quản trị, điều hành doanh nghiệp và tích cực, chủ động tham gia vào quá trình chuẩn bị và diễn ra các đại hội cổ đông.

Là một trong những cơ quan được Chính phủ giao thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp, SCIC đã có những chuẩn bị gì cho mùa đại hội cổ đông năm nay, thưa ông?

Nhận thức được tầm quan trọng của đại hội cổ đông, cơ quan quyết định cao nhất của công ty cổ phần, SCIC luôn coi việc tham gia các đại hội cổ đông hàng năm của doanh nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của mình với phương châm “cổ đông năng động và có trách nhiệm” đối với doanh nghiệp.

Để làm được điều này, trên cơ sở rút kinh nghiệm những mùa đại hội cổ đông trước, năm nay, thông qua người đại diện tại các doanh nghiệp, ngay từ rất sớm, chúng tôi đã chủ động đôn đốc các doanh nghiệp làm tốt khâu chuẩn bị để đảm bảo thành công cho các đại hội cổ đông.
 
Trong công văn gửi đến Hội đồng quản trị và người đại diện tại tất cả các doanh nghiệp, SCIC đã đề nghị các doanh nghiệp khẩn trương hoàn thành quyết toán và kiểm toán báo cáo tài chính năm 2008 và gửi báo cáo tài chính cho các cơ quan quản lý theo thời hạn quy định.

Bên cạnh đó chuẩn bị các nội dung, tài liệu cần thiết cho đại hội cổ đông như: chương trình và nội dung họp, báo cáo tài chính, báo cáo của hội đồng quản trị và ban kiểm soát, phương án phân phối lợi nhuận, chia cổ tức năm 2008, kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2009, phương án nhân sự...

Đồng thời, SCIC cũng giao các đơn vị chuyên môn thường xuyên theo dõi kế hoạch và tiến độ tổ chức đại hội cổ đông của các doanh nghiệp.

Rõ ràng, với số lượng doanh nghiệp lớn như vậy, SCIC tham gia các đại hội cổ đông bằng cách nào?

Để chuẩn bị tốt cho việc tham gia ý kiến về các nội dung dự kiến biểu quyết tại đại hội cổ đông của các doanh nghiệp, chúng tôi cũng yêu cầu doanh nghiệp gửi tất cả các tài liệu có liên quan đến đại hội cổ đông cho SCIC đúng thời gian quy định của điều lệ tổ chức hoạt động của doanh nghiệp.

Trên cơ sở nghiên cứu, phân tích các tài liệu này, chúng tôi sẽ đưa ra các ý kiến và tham gia biểu quyết tại đại hội cổ đông của doanh nghiệp theo hai hình thức.

Một là, gửi ý kiến chỉ đạo của SCIC đến người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp và yêu cầu người đại diện biểu quyết theo chỉ đạo của SCIC.

Hai là, SCIC cử cán bộ của mình trực tiếp tham gia và biểu quyết tại đại hội.  

Vậy sẽ có bao nhiêu doanh nghiệp mà SCIC sẽ cử người tham gia trực tiếp đại hội cổ đông, thưa ông?

Việc lựa chọn cách thức tham dự cụ thể phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: mức độ quan trọng của doanh nghiệp trong danh mục đầu tư của SCIC, tình hình thực tế, kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, năng lực quản trị của ban điều hành...

Với số lượng doanh nghiệp lớn, phân tán ở nhiều tỉnh thành trong cả nước, làm thế nào mà SCIC có thể tham gia một cách có hiệu quả vào đại hội cổ đông của các doanh nghiệp như ông nói?

Tôi xin khẳng định: đó là nhiệm vụ trọng tâm của SCIC và SCIC phải thực hiện được nhiệm vụ này. SCIC sẽ tham gia tất cả các đại hội nhưng có thể trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua người đại diện.

Cho dù lựa chọn tham gia trực tiếp hay gián tiếp thì trước đó, chúng tôi cũng đều phải nghiên cứu kỹ tình hình doanh nghiệp, các báo cáo của doanh nghiệp, của người đại diện và cả các yếu tố bên ngoài liên quan đến doanh nghiệp như thị trường, biến động tỷ giá... để bảo đảm các ý kiến và quyết định mà SCIC tham gia tại đại hội sẽ đóng góp cho sự phát triển của doanh nghiệp.

Mặt khác, chúng tôi cũng kết nối chặt chẽ với người đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp, chủ động liên hệ, tham vấn địa phương hoặc cơ quan chủ quản trước đây của doanh nghiệp để đảm bảo ý kiến tham gia phù hợp với thực tế và đặc thù của doanh nghiệp.

Liệu có trường hợp ở những doanh nghiệp mà SCIC không cử người tham gia trực tiếp, việc giám sát thực hiện sẽ lỏng lẻo hơn, thưa ông?

Tại các công ty cổ phần có vốn nhà nước, Nhà nước cũng là một cổ đông như các cổ đông khác. Được giao nhiệm vụ đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp, SCIC muốn thực sự trở thành cổ đông tích cực và có trách nhiệm của doanh nghiệp.

Điều này có nghĩa là SCIC không chỉ đặt ra mục tiêu bảo toàn, phát triển phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp, mà còn hỗ trợ, tư vấn cho doanh nghiệp, đem lại các giá trị gia tăng cho doanh nghiệp thông qua việc đào tạo cán bộ quản lý, nâng cao năng lực quản trị, giới thiệu các nhà đầu tư chiến lược, giới thiệu các đối tác làm ăn, giới thiệu nhân sự lãnh đạo phù hợp với doanh nghiệp...

Mục đích của SCIC là tìm mọi cách hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động hiệu quả vì xét cho đến cùng, doanh nghiệp hoạt động hiệu quả sẽ làm gia tăng hiệu quả đồng vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Đối với các đại hội cổ đông, chúng tôi luôn coi đây là dịp để SCIC với tư cách cổ đông lớn trong doanh nghiệp đóng góp nhiều ý kiến xây dựng cho doanh nghiệp, cùng các cổ đông khác đưa ra các chiến lược, giải pháp, quyết định thúc đẩy doanh nghiệp phát triển.

Ngay từ đầu năm, chúng tôi đã yêu cầu người đại diện phần vốn nhà nước của SCIC tại tất cả các doanh nghiệp chủ động đánh giá tình hình doanh nghiệp và nội dung các tài liệu đại hội cổ đông, nêu các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp và đề xuất phương án xử lý, gửi trước cho SCIC để kịp thời tham gia ý kiến tại đại hội theo quy định.

Chúng tôi hiểu rằng năm 2009 và một vài năm tới có thể sẽ là giai đoạn có nhiều thách thức đối với nhiều doanh nghiệp.

Vì vậy, qua kỳ đại hội cổ đông lần này, SCIC mong muốn phát huy hơn nữa vai trò cổ đông năng động của mình, đồng hành cùng doanh nghiệp.