11:01 26/01/2012

“Siêu tổng công ty” tính chuyện đầu tư…

Vũ Ca

Năm 2011, nhiều tổ chức sa lầy trong đầu tư tài chính, càng “cựa quậy” càng dễ lún sâu. Nhưng năm 2012 có thể xem xét để trở lại

Hơn 4.000 tỷ đồng là quy mô đầu tư dự kiến trong năm 2012 của SCIC.
Hơn 4.000 tỷ đồng là quy mô đầu tư dự kiến trong năm 2012 của SCIC.
Năm 2011, nhiều tổ chức sa lầy trong đầu tư tài chính, càng “cựa quậy” càng dễ lún sâu. Nhưng năm 2012 có thể xem xét để trở lại.

Tại một cuộc gặp cuối năm 2011, lãnh đạo một ngân hàng thương mại nói rằng: “Đầu năm 2011, tôi nói với bạn bè của mình là nên nằm im, càng cựa quậy trong đầu tư tài chính thì càng dễ lún, tốt nhất là tạm đem tiền gửi ngân hàng. Không phải là giờ nhìn lại để nói, mà thực tế anh nào nằm im thì sống, tiền lãi ngân hàng cũng đáng kể chứ”.

Trên thị trường chứng khoán, phần lớn thời gian của năm 2011 giới đầu tư cũng bàn luận nhiều đến “cục tiền” Công ty Chứng khoán Kim Long (KLS) cất kho ở ngân hàng. Thị trường khó khăn kéo dài và chưa hé mở cơ hội phục hồi, KLS chọn giải pháp bảo toàn…

Tại cuộc gặp báo chí mới đây, lãnh đạo Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) cũng tiết lộ một thông tin rằng, trong năm 2011 “siêu tổng công ty” này gần như không mua vào một cổ phiếu nào… Lý giải cho điều này là nhìn nhận thị trường vẫn chưa cho thấy triển vọng khả quan, thậm chí còn khó khăn hơn những trước.

Với SCIC, không chỉ trong đầu tư, sự thận trọng còn thể hiện rõ trong quyết định gây “sốc” với các công ty chứng khoán ở hoạt động thoái vốn. Trước đây, lượng tiền thanh toán đấu giá cổ phần doanh nghiệp mà SCIC chào bán được lưu lại các công ty chứng khoán đại lý ít lâu, có giá trị nhất định với họ. Nhưng trong năm 2011, nhận thấy có yếu tố rủi ro, tổng công ty này đã quyết định thay đổi quy trình, chuyển thẳng nguồn tiền đó về tài khoản của mình; bảo toàn vốn được ưu tiên hàng đầu.

Tính chung cả năm 2011, SCIC đã thực hiện đầu tư tổng số tiền 586 tỷ đồng, nhưng chủ yếu là đầu tư dài hạn vào doanh nghiệp và mua trái phiếu. So với kế hoạch giải ngân ban đầu là 2.629 tỷ đồng thì số vốn đầu tư thực tế đó chỉ đạt 22,28% kế hoạch.

Lũy kế đến 31/12/2011, tổng số vốn công ty này đã đầu tư là hơn 6.500 tỷ đồng, trong đó đầu tư hiện hữu hơn 3.000 tỷ đồng (tại các doanh nghiệp đang có sở hữu trước đó), đầu tư góp vốn/mua cổ phiếu doanh nghiệp khoảng 2.700 tỷ đồng, đầu tư trái phiếu là 800 tỷ đồng. Trong đó, phần góp vốn và mua cổ phiếu doanh nghiệp thì chủ yếu là các khoản đầu tư vào Thủy điện Vĩnh Sơn Sông Hinh, Thủy điện Thác Bà, Nhiệt điện Hải Phòng… (những khoản đầu tư dài hạn) những năm trước; phần đầu tư trên sàn niêm yết coi như không đáng kể.

Nhưng năm 2012, “siêu tổng công ty” sẽ xem xét để có thể nhập cuộc thực sự.

Theo lãnh đạo tổng công ty này, điểm kích thích họ quay lại xem xét đầu tư là sự hấp dẫn của giá cổ phiếu trên sàn. “Có những ngân hàng làm ăn vẫn tốt mà thị giá nằm dưới mệnh giá, giá cổ phiếu đang rẻ”, đại diện SCIC nhìn nhận.

Tất nhiên, quyết định lựa chọn đầu tư ngoài yếu tố giá còn tùy thuộc vào bối cảnh thị trường và triển vọng phục hồi, triển vọng hoạt động doanh nghiệp... Nhưng có thể thấy trong năm 2012 SCIC đang có dự tính lớn ở hướng trở lại và mở rộng đó.

Cụ thể, trong năm 2012, SCIC đã lên kế hoạch dự kiến với quy mô hơn 4.000 tỷ đồng, cao hơn nhiều dự tính trong năm 2011. Nguồn vốn này tập trung vào 4 nhóm đầu tư chính.

Trước hết, là công cụ của nhà nước, SCIC sẽ thực hiện đầu tư theo chỉ định của Chính phủ. Nhóm thứ hai là đầu tư hiện hữu, lựa chọn một số doanh nghiệp mà Tổng công ty đang sở hữu vốn nhằm tránh pha loãng phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp hiệu quả, bảo toàn và gia tăng phần vốn nhà nước.

Nhóm trọng tâm khác là đầu tư hiệu quả và linh hoạt, đầu tư vào các dự án, cổ phiếu và trái phiếu.

Và có một nhóm đáng chú ý mà SCIC đang hoạch định là đầu tư hợp tác với các tập đoàn và tổng công ty vào các dự án trọng điểm; mua lại các khoản đầu tư của họ khi phải thoái vốn do đầu tư ngoài ngành…

Lãnh đạo SCIC nói rằng, thực ra đó là một ý tưởng, dự tính cho năm 2012; có thể xem đó là một cơ hội. Cụ thể, theo định hướng mà Chính phủ đã đề ra, từ nay đến năm 2015, các tập đoàn và tổng công ty nhà nước phải thực hiện thoái vốn đầu tư ngoài ngành, SCIC xác định mình là một đầu mối để “đón nhận” nguồn hàng này.

“Thực tế chúng tôi là một tổ chức đầu tư, không bị giới hạn trong đầu tư tài chính hay yếu tố ngoài ngành như các tập đoàn và tổng công ty khác nên có điều kiện để tham gia vào quá trình thoái vốn đó. Như riêng lĩnh vực ngân hàng, hiện nay nhiều tập đoàn và tổng công ty đang có phần vốn góp tại các ngân hàng thương mại, chúng tôi sẽ hợp tác với họ để có thể xem xét mua lại…”, đại diện SCIC nói.

Hơn 4.000 tỷ đồng là quy mô chung cho năm 2012, với định hướng mới và các kênh đầu tư quen thuộc, có thể tỷ lệ giải ngân thực tế của “siêu tổng công ty” sẽ cao hơn nhiều so với sự thận trọng chỉ 22,28% trong năm 2011.

Đẩy mạnh đầu tư theo đó sẽ tạo hoạt động của SCIC sôi động hơn trong năm 2012 và có thể tạo hiệu quả sử dụng vốn cao hơn.

Năm 2011, lợi nhuận trước thuế của SCIC đạt 3.207 tỷ đồng, vượt 10,2% so với kế hoạch và tăng 28,2% so với năm 2010; tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu đạt 11,8% và tỷ suất lợi nhuận trên vốn nhà nước đạt 16,4%.