Số người dùng lựa chọn thanh toán di động khu vực tăng lên 58%
Thanh toán di động toàn cầu tăng từ 33% lên 50% và "mua sắm không xếp hàng" đã tăng gấp đôi từ 14% lên 30%. Tại châu Á- Thái Bình Dương, tỷ lệ người mua sắm ưu tiên tính tiền/thanh toán ở bất cứ đâu tăng từ 16% lên 28%, lựa chọn thanh toán di động tăng từ 46% lên 58%...
Con số tăng trưởng này được chỉ ra trong Nghiên cứu thường niên về mua sắm toàn cầu lần thứ 16 được Zebra Technologies Corporation công bố ngày 21/5/2024.
Theo nghiên cứu này, trên toàn cầu, 8 trong số 10 nhà bán lẻ đồng ý rằng giảm thiểu gian lận/thất thoát là một thách thức đáng kể (82%) và doanh nghiệp cần khả năng dự báo nhu cầu (86%). Tại khu vực Châu Á- Thái Bình Dương, các ý kiến trên có tỷ lệ tương ứng là 74% và 89%.
Theo Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia Hoa Kỳ, năm 2022, các nhà bán lẻ đã mất 112 tỷ USD do thất thoát, tăng từ gần 94 tỷ USD vào năm 2021. Nghiên cứu cho thấy 36% các nhà bán lẻ toàn cầu (40% ở châu Á- Thái Bình Dương) tin rằng khả năng phân tích thất thoát chính xác hơn có thể giúp tăng lợi nhuận. Nhiều nhà bán lẻ dự kiến sẽ triển khai phân tích ngăn ngừa tổn thất (49% trên toàn cầu, 55% ở châu Á- Thái Bình Dương) và lập kế hoạch và dự báo nhu cầu (54% trên toàn cầu, 61% ở châu Á- Thái Bình Dương) vào năm 2026.
Mặc dù mua sắm đa kênh tạo ra khó khăn thách thức cho các nhà bán lẻ, hầu hết người mua mong muốn có nhiều lựa chọn khi mua sắm. Gần 8 trong số 10 người mua sắm toàn cầu và khu vực châu Á- Thái Bình Dương ủng hộ kết hợp giữa mua sắm trực tuyến và mua sắm tại cửa hàng, trong khi 75% người mua sắm toàn cầu và 72% người mua tại châu Á- Thái Bình Dương lựa chọn mua sắm trực tuyến với các nhà bán lẻ trực tuyến có cửa hàng ngoại mạng.
Khi mua sắm đa kênh tiếp tục phát triển, lượng hàng hóa đổi trả cũng tăng theo. Khoảng 7 trong số 10 nhà bán lẻ toàn cầu và châu Á- Thái Bình Dương cho biết đang chịu áp lực ngày càng gia tăng trong cải thiện hiệu quả và chi phí quản lý các đơn hàng, đổi trả hàng và quy trình thực hiện đơn hàng trực tuyến.
Cũng theo nghiên cứu, có 6 trong số 10 nhà bán lẻ cho biết sẽ nâng cấp công nghệ quản lý hàng đổi trả vào năm 2026. Tại khu vực châu Á- Thái Bình Dương, tỷ lệ nhà bán lẻ đang trong quá trình nâng cấp là 74%, cao hơn 12% so với tỷ lệ của các nhà bán lẻ toàn cầu tham gia khảo sát.
Về lựa chọn phương thức thanh toán số, nghiên cứ chỉ rõ, từ năm 2020, lượng người mua sắm ủng hộ các ứng dụng thanh toán kỹ thuật số đã tăng lên đáng kể. Lượng khách hàng ưu tiên thanh toán/tính tiền ở mọi nơi trong cửa hàng đã tăng gần gấp đôi từ 15% lên 26%, thanh toán di động tăng từ 33% lên 50% và "mua sắm không xếp hàng" đã tăng gấp đôi từ 14% lên 30%.
Tại khu vực, tỷ lệ người mua sắm ưu tiên tính tiền/thanh toán ở bất cứ đâu đã tăng từ 16% lên 28%, lựa chọn thanh toán di động tăng từ 46% lên 58% và không mua sắm do không muốn xếp hàng tăng từ 17% lên 33%. Trong khi đó, 48% người tiêu dùng trên toàn cầu lựa chọn tự tính tiền, 75% trên toàn cầu nói rằng điều này giúp cải thiện trải nghiệm. Tỷ lệ này tại khu vực châu Á- Thái Bình Dương lần lượt là 45% và 74%.
Theo chuyên gia nghiên cứu, những tín hiệu này cho thấy người tiêu dùng muốn mua sắm nhanh chóng và sẽ sử dụng mọi biện pháp để tránh xếp hàng. Vì thế, hầu hết các nhà bán lẻ đều đồng ý với giá trị của máy thanh toán tự động.
Trên thực tế, 8 trong số 10 nhà bán lẻ đồng ý rằng đầu tư vào máy thanh toán tự động đang mang lại giá trị cao (87% trên toàn cầu, 88% ở CA-TBD), vì công nghệ này cho phép nhân viên cửa hàng làm các công việc có giá trị hơn và cải thiện trải nghiệm của khách hàng.
Tuy nhiên, khoảng 8 trong số 10 các nhà quản lý và nhân viên trong ngành bán lẻ đồng ý rằng thất thoát và trộm cắp tại cửa hàng là một vấn đề lớn đối với việc tự tính tiền. Tương tự, 85% nhà quản lý và 79% nhân viên bán lẻ trong khu vực đồng tình với quan điểm này.