20:01 01/06/2021

Sớm đầu tư 24,5 km còn lại trên “trục đường tâm linh” nối Hà Nội- Tam Chúc-Bái Đính

Anh Tú

Tỉnh Hà Nam vừa có đề xuất gửi Bộ Giao thông vận tải sớm đầu tư, hoàn thiện 24,5 km còn lại trên "trục đường tâm linh" Mỹ Đình - Tam Chúc - Bái Đính, bảo đảm thông toàn tuyến...

Đây là tuyến đường kết nối trung tâm Hà Nội tới vùng du lịch tâm linh nổi tiếng như khu du lịch Tam Chúc, chùa Bái Đính.
Đây là tuyến đường kết nối trung tâm Hà Nội tới vùng du lịch tâm linh nổi tiếng như khu du lịch Tam Chúc, chùa Bái Đính.

Bộ Giao thông vận tải vừa có công văn số 4951/BGTVT-KHĐT gửi đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam về việc thúc đẩy thực hiện các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là tuyến đường bộ kết nối Mỹ Đình (Hà Nội) - Tam Chúc - Bái Đính.

Theo Bộ Giao thông vận tải, tuyến đường bộ kết nối Mỹ Đình - Tam Chúc - Bái Đính là công trình giao thông do thành phố Hà Nội và 3 tỉnh Hòa Bình, Hà Nam, Ninh Bình quản lý, đầu tư.

Với tổng chiều dài 91,5 km, trong đó, 67 km đã được đầu tư đạt quy mô tối thiểu 2 làn xe. Còn lại 24,5 km chưa được đầu tư, bao gồm khoảng 12 km thuộc giai đoạn 2 dự án đường trục kinh tế phía Nam và khoảng 12,5km từ đường trục phía Nam kết nối với đường Hương Sơn - Tam Chúc trên địa bàn thành phố Hà Nội.

 
"Đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội để nghiên cứu, sớm triển khai xây dựng đoạn tuyến, phát huy hiệu quả đầu tư toàn tuyến đường bộ kết nối Mỹ Đình - Tam Chúc - Bái Đính và thông báo về tiến độ thực hiện", Bộ Giao thông vận tải nêu rõ.

Để bảo đảm thông tuyến Mỹ Đình - Tam Chúc - Bái Đính, Bộ Giao thông vận tải thống nhất với kiến nghị của cử tri, cần sớm thực hiện đầu tư đưa vào khai thác 24,5 km đoạn qua địa phận thành phố Hà Nội.

Về cơ chế thúc đẩy việc thực hiện các dự án, theo Bộ Giao thông vận tải, hạ tầng giao thông đóng vai trò quan trọng trong kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, được xác định là một trong ba khâu đột phá trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021 - 2030.

Vì vậy, hạ tầng giao thông cần được ưu tiên đầu tư đồng bộ, hiện đại, tạo tiền đề cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. 

Để thúc đẩy việc thực hiện các dự án phát triển hạ tầng giao thông, Bộ Giao thông vận tải đang tiếp tục nghiên cứu, triển khai một số cơ chế về phân cấp cho các địa phương thực hiện đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đi qua địa bàn, để tạo tính chủ động cho địa phương sử dụng ngân sách địa phương và huy động các nguồn lực khác để đầu tư.

Từ đó, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện đầu tư như công tác giải phóng mặt bằng, xử lý nguồn vật liệu xây dựng cung cấp cho dự án,… Đồng thời, rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, các cơ chế chính sách, nhất là các cơ chế về đầu tư để kịp thời tháo gỡ các vướng mắc.

Bộ Giao thông vận tải cũng đang tổng kết đánh giá các mô hình đầu tư phát triển giao thông vận tải của một số địa phương đã thành công trong thời gian qua để nghiên cứu, rút kinh nghiệm và nhân rộng. Đồng thời, thay đổi phương pháp về phân bổ và huy động nguồn lực đầu tư, trong đó vốn đầu tư công thực hiện hỗ trợ, mang tính định hướng để thu hút vốn đầu tư tư nhân, huy động tối đa mọi nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng.