10:29 05/07/2025

GDP 6 tháng đầu năm 2025: Tăng trưởng ngoạn mục ngược dòng thách thức toàn cầu

Anh Nhi

Trong bối cảnh kinh tế thế giới đối mặt với vô vàn bất ổn và có xu hướng suy giảm, kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2025 đã đạt được những kết quả tích cực với tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng đạt 7,52%, mức cao nhất trong giai đoạn 2011-2025…

Theo Báo cáo Tình hình kinh tế - xã hội quý 2 và 6 tháng đầu năm 2025 được Cục Thống kê (Bộ Tài chính) công bố ngày 5/7, sáu tháng đầu năm 2025 chứng kiến một bức tranh kinh tế toàn cầu phức tạp và khó lường. Căng thẳng địa chính trị, xung đột quân sự lan rộng, cùng với những chính sách khó đoán từ các nền kinh tế lớn đã tạo ra sự bất ổn sâu sắc. Nguy cơ chiến tranh thương mại và sự gián đoạn chuỗi cung ứng đã tác động tiêu cực đến tăng trưởng toàn cầu…

Trước tình hình đó, hàng loạt tổ chức quốc tế đã phải điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2025. Ngân hàng Thế giới (WB) và Liên hợp quốc (UN) lần lượt dự báo mức tăng 2,3% và 2,4%, giảm 0,4 điểm phần trăm so với đầu năm. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) dự báo mức tăng 2,9%, giảm 0,2 điểm phần trăm. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra dự báo 2,8%, giảm 0,5 điểm phần trăm.

Trong khu vực, xu hướng tăng trưởng chậm lại cũng được ghi nhận ở nhiều quốc gia. Cả WB, IMF và OECD đều dự báo tăng trưởng năm 2025 của các nước như Philippines, Indonesia, Thái Lan và Malaysia đều thấp hơn so với năm 2024.

Đối mặt với khó khăn từ bên ngoài, Việt Nam đã thể hiện quyết tâm chính trị cao độ, tập trung khơi thông mọi nguồn lực cho phát triển. Hàng loạt cải cách lớn về tổ chức bộ máy Chính phủ, sắp xếp đơn vị hành chính, hoàn thiện thể chế pháp luật, phân cấp phân quyền đã được triển khai quyết liệt. Các nghị quyết lớn của Trung ương về đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, hội nhập quốc tế và phát triển kinh tế tư nhân… được thực thi mạnh mẽ.

Nhờ sự chỉ đạo sát sao và nỗ lực của cả hệ thống chính trị, kinh tế - xã hội Việt Nam đã gặt hái những thành quả đáng khích lệ.

GDP 6 tháng đầu năm 2025: Tăng trưởng ngoạn mục ngược dòng thách thức toàn cầu - Ảnh 1

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 2/2025 ước tăng 7,96% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung sáu tháng đầu năm 2025, GDP tăng 7,52%, mức tăng cao nhất của sáu tháng đầu năm trong suốt giai đoạn 14 năm qua (2011-2025).

Trong đó, sự tăng trưởng vượt bậc của nền kinh tế đến từ sự đóng góp đồng đều của cả ba khu vực.

Khu vực dịch vụ tiếp tục xu hướng tăng cao với mức tăng 8,14% trong 6 tháng đầu năm, cao nhất trong giai đoạn 2011-2025 và đóng góp tới 52,21% vào mức tăng chung. Các hoạt động ngoại thương, vận tải, du lịch phục hồi mạnh mẽ: Bán buôn và bán lẻ: tăng 7,03%; Vận tải, kho bãi: tăng 9,82%; Dịch vụ lưu trú và ăn uống: tăng trưởng bùng nổ 10,46%.

Đặc biệt, các hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ tăng tới 14,58%, phản ánh hiệu quả từ cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy nhà nước.

Khu vực công nghiệp và xây dựng tiếp tục khẳng định là động lực tăng trưởng vững chắc với mức tăng 8,33%, đóng góp 42,20% vào tăng trưởng chung.

Công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực cốt lõi với tốc độ tăng 10,11%, đóng góp 2,55 điểm phần trăm vào mức tăng chung.

Ngành xây dựng ghi nhận mức tăng kỷ lục 9,62%, cao nhất trong giai đoạn 2011-2025, cho thấy sự sôi động của hoạt động đầu tư và xây dựng cơ sở hạ tầng.

Điểm trừ duy nhất là ngành khai khoáng giảm 4,25%, làm giảm tốc độ tăng chung của toàn nền kinh tế.

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục là bệ đỡ ổn định cho nền kinh tế với mức tăng 3,84%, đóng góp 5,59% vào mức tăng chung. Ngành nông nghiệp không chỉ đảm bảo an ninh lương thực trong nước mà còn đẩy mạnh xuất khẩu, khẳng định vai trò là trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế.

Đáng chú ý, theo bà Nguyễn Thị Hương, Cục trưởng Cục Thống kê, cơ cấu nền kinh tế 6 tháng đầu năm 2025 tiếp tục dịch chuyển theo hướng tích cực, với tỷ trọng khu vực dịch vụ tăng lên 43,40% (trước đó là 42,98%), trong khi khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản và công nghiệp, xây dựng giảm nhẹ.

Về sử dụng GDP, cả tiêu dùng cuối cùng (tăng 7,95%) và tích lũy tài sản (tăng 7,98%) đều có mức tăng trưởng cao, và có đóng góp quan trọng vào tăng trưởng GDP.