09:16 05/06/2021

Sử dụng drone trong sản xuất nông nghiệp: Người nông dân mới chỉ thấy cái lợi trước mắt

Chu Khôi

Cần thiết phải xây dựng hành lang pháp lý để quản lý Thiết bị bay không người lái (drone) trong hoạt động sản xuất nông nghiệp...

Sử dụng thiết bị bay để phun thuốc trừ sâu ngày càng nở rộ
Sử dụng thiết bị bay để phun thuốc trừ sâu ngày càng nở rộ

Việc sử dụng thiết bị bay không người lái (drone) để phun thuốc bảo vệ thực vật hiện nay đang được nông dân sử dụng ngày càng nở rộ. Nếu thiết bị này không được quản lý, để nông dân tự do sử dụng sẽ gây ra những tác hại đối với sức khỏe và môi trường.

CƠ  QUAN QUẢN LÝ LÚNG TÚNG

Tại cuộc họp bàn giải pháp quản lý thiết bị bay không người lái (drone) trong sản xuất nông nghiệp giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với một số cơ quan liên quan của Bộ diễn ra ngày 3/6/2021, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, cho biết Cục đã nhận được văn bản của nhiều địa phương liên quan tới các quy định, hướng dẫn đối với việc áp dụng, sử dụng drone trong phun thuốc bảo vệ thực vật.

Tuy nhiên, do chưa có những nghiên cứu sâu đủ cơ sở khoa học, nên Cục Bảo vệ thực vật chưa có cơ sở để trả lời các địa phương.

Theo ông Hoàng Trung, hiện nay, không chỉ có các doanh nghiệp lớn, tổ dịch vụ phun thuốc bảo vệ thực vật, mà rất nhiều hộ nông dân cũng đang đầu tư mua drone để sử dụng. Bởi nông dân thấy cái lợi là công suất phun lớn, giảm chi phí công lao động, giảm tiếp xúc với thuốc bảo vệ thực vật khi sử dụng.

Tuy nhiên, việc sử dụng drone trong phun thuốc bảo vệ thực vật cần phải có những căn cứ, hướng dẫn, quy trình kỹ thuật trên cơ sở khoa học, chứ không vì những cái lợi nhìn thấy trước mắt mà khuyến khích mở rộng ồ ạt. "Không nên để người dân đua nhau mua thiết bị này rồi đua nhau phun, như vậy là bỏ tiền đầu tư rất tốn kém và sẽ rất nguy hiểm”, ông Trung nhấn mạnh.

 
Các loại thiết bị bay bán trên thị trường hiện rất đa dạng, với nhiều hãng sản xuất, cấu hình khác nhau. Vì vậy, cần phải có những khảo nghiệm, đánh giá có cơ sở khoa học về phương pháp sử dụng, quy trình phun trừ đối với từng dạng thuốc, loại thuốc, trên từng đối tượng sinh vật gây hại, từng đối tượng cây trồng, từng điều kiện thời tiết, địa hình… để có hướng dẫn.

GS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, cho biết các loại thiết bị bay phun thuốc trừ sâu trên thị trường hiện nay có bép phun, công suất phun, thông số kỹ thuật, cấu hình khác nhau.

Chẳng hạn sử dụng drone để phun cho rầy trên lúa ẩn sâu dưới gốc lúa thì sẽ khác với phun đối với các loại sâu trên lá; phun cho cây ăn quả thì khác hoàn toàn với phun cho lúa; hay như một số bệnh, bào tử ẩn nấp rất kín, rất khó phun trừ thì quy trình sử dụng sẽ khác hoàn toàn so với phun cho sâu trên lá…

Theo GS.TS Sơn, một số thông tin quảng cáo rằng việc sử dụng drone có thể tiết kiệm được thuốc bảo vệ thực vật. Ví dụ có thông tin nói trước đây phun thuốc bảo vệ thực vật bằng phương pháp truyền thống, pha loãng, trong khoảng thời gian 35 phút chỉ phun được 30 lít, bây giờ sử dụng drone, trong 35 phút mà phun được những 50 lít thì suy ra lượng thuốc bảo vệ thực vật giảm được 1/3?

“Cách nói này là không hề có cơ sở. Bởi dù phun bằng phương tiện gì, tốc độ nào thì mục tiêu cuối cùng vẫn phải là cần một lượng thuốc bao nhiêu thì mới có thể tiêu diệt được quần thể sinh vật gây hại, đây là con số cần thiết không thể thay đổi", GS.TS Sơn lưu ý.

Việc sử dụng drone với lượng nước pha ít, đậm đặc hơn có thể giảm được lượng nước phun, đồng thời nó có thể vẫn đảm bảo được việc tiếp xúc với sinh vật gây hại để tiêu diệt chúng, nhưng lượng thuốc bảo vệ thực vật cần thiết để tiêu diệt được quần thể sinh vật gây hại trên mỗi đơn vị diện tích cây trồng thì không thể thay đổi.

"Vì vậy, nói rằng sử dụng drone có thể tiết kiệm được thuốc bảo vệ thực vật là hoàn toàn không chính xác”, GS,TS  Sơn khẳng định.

NGHIÊN CỨU XÂY DỰNG QUY CHUẨN KỸ THUẬT

Theo Điều 60, khoản 3 của Luật Trồng trọt năm 2018 đã quy định các trang thiết bị phục vụ cho nông nghiệp phải được quản lý bằng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. Bởi vậy, GS.TS  Sơn cho rằng cần có những đánh giá về rủi ro, nguy cơ ảnh hưởng tới môi trường khi sử dụng drone để phun thuốc bảo thực vật.

Sử dụng drone phun thuốc bảo vệ thực vật có thể phù hợp với những khu sản xuất nông nghiệp xa khu dân cư, hoặc trên các đối tượng cây trồng khó phun trừ bằng phương pháp truyền thống như cây lâm nghiệp, cây công nghiệp, các loại cây ăn quả thân cao trồng tập trung quy mô lớn…

 
Cần phải nghiên cứu xác định cho thiết bị bay ở độ cao bao nhiêu để phun, ở điều kiện thời tiết, nhiệt độ, gió, đặc điểm địa hình nào, và thuốc bảo vệ thực vật sẽ phát tán ra bao xa… để tránh được các rủi ro tới sức khỏe con người và môi trường.

Tuy nhiên, nó có thể gây ra những rủi ro, ảnh hưởng nếu sử dụng trong các khu vực sản xuất nông nghiệp gần khu dân cư, xen kẽ khu dân cư, hoặc khu vực chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản… "Những khu sản xuất nông nghiệp xen kẽ với khu dân cư thì cần phải cấm, không được cho phép sử dụng drone để phun thuốc bảo vệ thực vật", GS.TS  Sơn cảnh báo.

Đồng ý với quan điểm của Cục Bảo vệ thực vật và các nhà khoa học, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh nhấn mạnh cần thiết phải xây dựng hành lang pháp lý để quản lý drone trong hoạt động sản xuất nông nghiệp. 

Theo đó, Thứ trưởng giao Cục Bảo vệ thực vật sớm triển khai các khảo nghiệm chính quy, tập trung nghiên cứu, đánh giá để hoàn thiện quy trình kỹ thuật sử dụng drone trong phun thuốc bảo vệ thực vật, trong đó xác định những cây trồng cần ưu tiên sử dụng.

Bên cạnh đó, tập trung nghiên cứu đánh giá sử dụng drone đối với từng loại thiết bị, từng cầu hình máy khi sử dụng cho từng loại thuốc, từng đối tượng cây trồng, trên từng đối tượng sinh vật gây hại nhằm có quy trình phòng trừ thống nhất một cách hiệu quả, an toàn, có cơ sở khoa học và phù hợp với các quy định pháp luật để thống nhất hướng dẫn cho các địa phương.

Trên cơ sở đó, tham mưu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành các văn bản để quản lý loại trang thiết bị nông nghiệp đặc thù này, từ đó có hướng dẫn và khuyến cáo các địa phương.