07:20 22/10/2013

“Sự kiện Đại tướng qua đời làm sáng tỏ rất nhiều giá trị”

Minh Thúy

Nhà sử học Dương Trung Quốc được hỏi ý kiến về việc thiếu vắng phút tưởng niệm Đại tướng ở Quốc hội

Đại biểu Quốc hội - nhà sử học Dương Trung Quốc.
Đại biểu Quốc hội - nhà sử học Dương Trung Quốc.
“Vấn đề không phải là Nhà nước có làm hay không, mà cơ bản là người dân có tưởng niệm Đại tướng hay không”, đại biểu Quốc hội - nhà sử học Dương Trung Quốc trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, chiều 21/10, khi được hỏi ý kiến về việc thiếu vắng phút tưởng niệm Đại tướng ở Quốc hội, trong phiên khai mạc kỳ họp thứ 6 sáng 21/10.

“Sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là sự kiện rất lớn, gợi rất nhiều suy nghĩ. Chúng ta nhận ra rất nhiều vấn đề không chỉ về tình cảm mà về cả ý thức, không chỉ đối với cá nhân Đại tướng mà với cả di sản của một thế hệ để lại”, ông Quốc nói.

Sau khi Đại tướng yên nghỉ, đã có rất nhiều ý kiến đề xuất nên phong tặng một danh hiệu đặc biệt dành cho Đại tướng như “nguyên soái” hay gắn danh xưng “anh hùng dân tộc” khi nói về Đại tướng như nói về nhiều bậc tiền nhân kiệt xuất khác trong lịch sử dân tộc. Ông nghĩ sao về điều này?

Theo tôi, “anh hùng dân tộc” không phải chức danh do ai phong cả, mà do chính nhân dân. Nếu để Nhà nước phong thậm chí có thể xảy ra tiêu cực cũng nên. Vậy nên tôi cho rằng vấn đề đó thì nên để người dân thể hiện. Còn chức “nguyên soái” có lẽ để thể hiện tấm lòng của người dân với Đại tướng, nhất là sau khi ông qua đời, người ta càng thấy rõ vấn đề ấy. Nhưng thứ nhất là luật chưa quy định vấn đề này, muốn có thì phải chờ làm luật. Và sau nữa, như Đại tướng cũng từng nói, việc quan trọng nhất, vinh dự nhất đối với ông là danh hiệu Đại tướng do Bác Hồ phong.

Dẫu sao ai cũng biết ông là vị khai quốc công thần, vị Tổng tư lệnh duy nhất. Và có thể thấy người Pháp khi viết về ông đã rất tế nhị khi nói khái niệm “Đại tướng 4 sao” tương đương cấp vị cao nhất trong hệ thống quân đội của họ.

Hội Cựu chiến binh vừa qua đã kiến nghị Chính phủ giữ ngôi nhà 30 Hoàng Diệu để làm bảo tàng, làm một nơi tưởng niệm về Đại tướng Võ Nguyên Giáp...

Ý kiến đó đã có khá lâu, từ khi đặt vấn đề làm lại Nhà Quốc hội cũng đã có nhiều người đặt vấn đề quy hoạch lại các khu vực lân cận, trong đó có nhà 30 Hoàng Diệu này. Điều quan trọng là chúng ta có làm hay không thôi.

Mà có thể nói bảo tàng xây dựng ở đó không chỉ là bảo tàng riêng cho cá nhân Đại tướng, mà không gian nơi ông sống nhiều năm cũng đồng thời là nơi ông gặp gỡ rất nhiều vị tướng, các cấp lãnh đạo nhà nước và đặc biệt là các tầng lớp quần chúng nhân dân trong quá trình chỉ đạo trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước cũng như sau này.

Tôi cho là nên tổ chức lại nơi đó làm một không gian lịch sử. Đại tướng là người đã tập hợp được rất nhiều con người đóng góp cho sự nghiệp chung ở đây. Tôi hình dung nếu có được một vườn tượng các tướng sĩ Việt Nam ở đấy cùng với thời đại của Đại tướng, cũng giống như Trần Hưng Đạo thì phải có Yết Kiêu, Dã Tượng… thì đó sẽ là một không gian hết sức đáng để tôn trọng, nhất là để tôn vinh một vị anh hùng dân tộc.

Hội Sử học Việt Nam đã có kiến nghị với UBND Hà Nội về việc chọn con đường mang tên Đại tướng. Kiến nghị của Hội hiện nhận được phản hồi như thế nào, thưa ông?

Có thể nói ngay, đó chính là mối quan tâm của lãnh đạo thành phố Hà Nội. Vấn đề còn lại có thể nói chỉ là nặng về vấn đề kỹ thuật thôi để lựa chọn một con đường cho hợp lý.

Tính hợp lý ở đây rõ ràng là rất cần thiết. Có người đặt vấn đề, đổi tên những con đường đã có tên thành tên Đại tướng. Điều đó trong việc đặt tên đường phố nên hết sức tránh, nhất là việc những tên phố cũ cũng hết sức ý nghĩa, đáng lưu danh. Còn nếu là con đường mới thì con đường đó cũng phải xứng tầm với Đại tướng thì cũng là bài toán không dễ vì trên thực tế chúng ta chưa chuẩn bị gì cả. Vấn đề đó sẽ khó cho các nhà hoạch định, sau đó còn phải thông qua Hội đồng Nhân dân.

Chúng tôi thấy có một ý kiến rất hay, tương xứng với Đại tướng mà thuận lợi trong bối cảnh quỹ đường phố của Hà Nội không nhiều, đã quy củ. Đó là gắn tên Đại tướng và đường Điện Biên Phủ là một. Vì không gian đường này rất đẹp, đi thẳng ra Ba Đình, trong khu vực lân cận các đường phố mang tên các vị tướng yêu nước trong lịch sử.

Còn con đường ra sân bay Nội Bài, chúng tôi cũng có kiến nghị nên đặt tên là đường Cách mạng Tháng Tám - con đường từ chiến khu về. Thủ đô Hà Nội đến giờ vẫn chưa có con đường nào mang tên Cách mạng Tháng Tám, trong khi ở Huế, Tp.HCM đều có đường mang tên này rồi.

Phương án này nếu tạo được sự đồng thuận của mọi người thì rất hay, nhưng tất nhiên cũng phải lắng nghe ý kiến của nhiều người khác. Như người ta cho rằng bản thân đường Điện Biên Phủ đi qua một công viên, công viên đó có thể đặt tên Đại tướng, hoặc đặt tượng Đại tướng ở đó được. Chỉ là một giải pháp, nhưng tôi cũng thấy ý kiến này không phải là không đáng suy nghĩ.

Lúc này nên tin tưởng vào lãnh đạo Hà Nội cũng như những sáng kiến, đề xuất của người dân để tìm ra phương án tốt nhất trong điều kiện hiện nay.

Vừa qua, có khảo sát cho thấy nhiều học sinh phổ thông chưa biết nhiều thông tin về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cho dù đã học về chiến thắng Điện Biên Phủ. Ông nghĩ sao về điều này?

Phải nói thật là có một tâm thế của người Việt Nam là khi làm lịch sử hiện đại Việt Nam rất ít nói về cá nhân. Đây là một phạm trù, quan điểm mà tôi cho rằng cũng nên thay đổi. Vấn đề cá nhân cần đặt đúng tầm, cần được tôn vinh trong lịch sử để thấy vai trò cá nhân đóng góp trong nền tảng của một dân tộc, một thế hệ. Tôi thấy rất nhiều vị tướng lừng danh mà bây giờ không có tượng đài.

Lịch sử đương đại là vấn đề rất phức tạp nên chính thời gian sẽ là thứ thuốc hiện hình rõ nhất. Dịp vừa rồi, sự kiện Đại tướng qua đời đã làm sáng tỏ rất nhiều giá trị và tôi tin nó sẽ tác động nhiều trong đời sống xã hội, và in dấu trong lịch sử.

Vậy nên đây là cơ hội giúp các nhà sư phạm, người viết sách giáo khoa xem xét lại. Ngay các vấn đề lịch sử như trong quan hệ với Trung Quốc, lâu nay chúng ta cũng né tránh. Chúng tôi cũng có nêu rõ ràng, chúng ta cần tôn trọng lịch sử, học về chiến tranh để tôn trọng hơn nữa hòa bình.