18:59 19/02/2013

Sửa chuẩn an toàn nhà băng: Hết thời “liệu pháp sốc”?

Minh Đức

Đã sáu năm trôi qua, nhiều người vẫn chưa quên cú sốc mang tên Chỉ thị số 03

Nhìn ở lộ trình, dường như Ngân hàng Nhà nước đã “rút kinh nghiệm” khi 
tính điều chỉnh lại quy định về các tỷ lệ an toàn trong hoạt động của 
các ngân hàng thương mại.
Nhìn ở lộ trình, dường như Ngân hàng Nhà nước đã “rút kinh nghiệm” khi tính điều chỉnh lại quy định về các tỷ lệ an toàn trong hoạt động của các ngân hàng thương mại.
Dường như Ngân hàng Nhà nước đã “rút kinh nghiệm”, tránh đắp đập be bờ vào mùa nước nổi, khi tính điều chỉnh lại các tiêu chuẩn an toàn trong hoạt động của các ngân hàng thương mại.

Đã sáu năm trôi qua, nhiều người vẫn chưa quên cú sốc mang tên Chỉ thị số 03 của Ngân hàng Nhà nước trên thị trường chứng khoán. Cú phanh gấp giới hạn tỷ lệ cho vay đầu tư chứng khoán, tại thời điểm đó, được xem là một nguyên nhân chính khiến thị trường chao đảo với dư chấn (và cả dư luận) lâu dài.

Hơn hai năm trước, hệ thống các ngân hàng thương mại cũng “nổi sóng” với Thông tư số 13 của Ngân hàng Nhà nước; 14 thành viên thị trường đồng loạt phản ứng về quy định các tỷ lệ an toàn trong hoạt động. Dư chấn sự kiện này cũng lâu dài, mà sau đó nhà điều hành phải liên tiếp sửa đổi.

Ngoài các vấn đề kỹ thuật, điểm chung của hai dữ kiện trên là thời điểm ra chính sách. Chỉ thị số 03 ra đời đúng thời điểm thị trường chứng khoán bùng nổ. Thông tư 13 ban hành khi hệ thống ngân hàng thường trong trạng thái căng thẳng thanh khoản, nhiều thành viên chật vật với chỉ số an toàn vốn, lãi suất trên thị trường khởi động các đợt tăng nóng…

Trước những dòng chảy mạnh, mực nước dâng cao như vậy, nhà điều hành đột ngột đắp đập be bờ, không những dễ uổng phí hiệu quả chính sách mà còn tạo phản ứng ngược ngoài mong muốn từ thị trường. Thực tế phản ứng từ Chỉ thị 03 và Thông tư 13 đến nay vẫn còn tươi mới.

Nay, nhìn ở lộ trình, dường như Ngân hàng Nhà nước đã “rút kinh nghiệm” khi tính điều chỉnh lại quy định về các tỷ lệ an toàn trong hoạt động của các ngân hàng thương mại. Có một số điểm sửa đổi lớn, mà thời điểm ban hành và áp dụng chắc chắn đã được tính toán.

Đó là việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 13. Lẽ ra, theo lộ trình ban đầu nó đã được ban hành trong năm 2012. Tuy nhiên, nếu ban hành trong năm qua thì nhiều khả năng nó lặp lại vết xe của hai dữ kiện trên, bởi bối cảnh chưa phù hợp.

Một nội dung quan trọng của bản dự thảo là Ngân hàng Nhà nước dự tính sẽ áp trở lại giới hạn tỷ lệ cho vay so với huy động (LDR), từng nổi cộm trước đó trong Thông tư 13, được sửa đổi sau đó bằng Thông tư 19 và cuối cùng là gỡ bỏ cho đến nay. Hiện chưa rõ giới hạn LDR sẽ là bao nhiêu, có thể là 80/85% (theo ngân hàng thương mại và công ty tài chính) như trước đây, hoặc 90/95% để tránh siết quá chặt. Song, qua những cuộc thảo luận trong năm 2012, tinh thần chung là cần áp trở lại quy định này, xem đó như một “lá chắn” đối với an toàn thanh khoản hệ thống.

Dù 80/85% hay 90/95% thì trong năm 2012 việc ban hành là chưa khả thi. Như đề cập ở trên, Ngân hàng Nhà nước dường như đã tránh thời điểm nhạy cảm.

Thực tế là, đầu năm 2012, LDR bình quân toàn hệ thống đang ở mức cao, trên 100%; LDR riêng của nhóm ngân hàng thương mại nhà nước cao nhất, trên dưới 110%. Dù chính sách thường có lộ trình 3 - 6 tháng để áp dụng, song việc tái áp giới hạn này sẽ tạo áp lực và cả những xáo trộn trong hệ thống.

Thứ nhất, tới giữa năm 2012, tăng trưởng tín dụng vẫn trầy trật để dương, nếu áp giới hạn LDR sẽ càng chất thêm khó khăn cho tín dụng; các ngân hàng càng phải hạn chế cho vay, nhất là khối quốc doanh.

Thứ hai, nếu áp giới hạn LDR sẽ tạo nên trở ngại lớn đối với chủ trương hạ lãi suất được đặt ra quyết liệt trong năm qua. Cùng với hạn chế cho vay, các ngân hàng thương mại sẽ phải đẩy mạnh huy động để mở rộng mẫu số, giúp co LDR về giới hạn; cách đẩy mạnh huy động vẫn là nâng lãi suất.

Có lẽ, đó là những lý do chính góp phần giải thích vì sao cả năm qua dự thảo trên vẫn chưa được chốt lại và ban hành.

Còn nay, nước đã rút, Ngân hàng Nhà nước chính thức đặt vấn đề sẽ ban hành trong quý 1 này, như một cơ hội của thời điểm.

Nước đã rút, thể hiện ở chủ trương hạ lãi suất đã được thực hiện đáng kể trong năm qua, thanh khoản hệ thống đã bớt căng thẳng và tương đối ổn định. Tỷ lệ LDR bình quân hệ thống cũng như ở các khối ngân hàng, đặc biệt là khối cổ phần đã giảm khá mạnh. Tính đến 31/12/2012, LDR chung đã giảm về 89,35%; của khối quốc doanh đã xuống 96,77%; khối cổ phần là 79,01%.

Bên cạnh khả năng áp trở lại giới hạn trên, việc xác định LDR dự kiến cũng sẽ có một số thay đổi kỹ thuật so với trước đây, liên quan đến việc định nghĩa các khoản tiền gửi và vốn huy động gắn với thị trường 1…

Ngoài ra, trong văn bản sửa đổi và bổ sung sắp tới có thể cũng sẽ có những điều chỉnh có ảnh hưởng đến tỷ lệ an toàn vốn (CAR).

Trước đây, thời điểm áp dụng Thông tư 13, một số ngân hàng thương mại lớn gặp khó khăn với yêu cầu đảm bảo CAR tối thiểu là 9%. Còn nay, phần lớn các thành viên đã đảm bảo cao hơn nhiều so với quy định. Tính đến 31/12/2012, CAR bình quân của hệ thống đạt tới 13,75%; khối ngân hàng thương mại nhà nước đạt 10,28%; khối cổ phần cao hơn với 14%.

Theo thông tin mà Ngân hàng Nhà nước gợi mở thời gian qua, nhiều khả năng việc điều chỉnh hệ số CAR sẽ “dễ chịu” hơn cho các ngân hàng thương mại, bởi mẫu số sẽ giảm trọng số. Đó là tình huống chuyển nhóm tài sản có hệ số rủi ro từ 250% xuống nhóm 150%, hiện là nhóm tài sản thuộc cho vay đầu tư chứng khoán và bất động sản.

Như đề cập ở trên, những nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung trên nếu ban hành thì sẽ có lộ trình từ 3 - 6 tháng để các nhà băng chuẩn bị. Thông tin cũng đã gợi mở trong khoảng một năm qua. Như vậy sẽ tránh lặp lại trường hợp của Chỉ thị 03 và Thông tư 13 trước đây; tránh tình huống có những ngân hàng, doanh nghiệp, nhà đầu tư đang say sưa trèo cao bỗng giật mình mà có thể trượt tay…