12:00 27/12/2012

Sửa Hiến pháp và yêu cầu kiểm soát quyền lực

Nguyên Thảo

Kiểm soát quyền lực và đảm bảo quyền tự do dân chủ của công dân và quyền con người là yêu cầu bức xúc khi sửa Hiến pháp

Hội thảo "Mô hình tổng thể bộ máy nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa 
Việt Nam theo dự thảo Hiến pháp (sửa đổi)" ghi nhận nhiều ý kiến về kiểm soát quyền lực - Ảnh: N.M.<br>
Hội thảo "Mô hình tổng thể bộ máy nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo dự thảo Hiến pháp (sửa đổi)" ghi nhận nhiều ý kiến về kiểm soát quyền lực - Ảnh: N.M.<br>
Kiểm soát quyền lực, chỉ bốn chữ đó thôi, nhưng làm được trong cơ chế một Đảng lãnh đạo và trong bối cảnh kinh tế xã hội cũng như hệ thống pháp luật của Việt Nam là điều không dễ chút nào.

Đây là điều được TS. Lê Hồng Hạnh, Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp) nhấn mạnh tại hội thảo "Mô hình tổng thể bộ máy nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo dự thảo Hiến pháp (sửa đổi)", diễn ra sáng 27/12.

Theo TS. Hạnh, yêu cầu về kiểm soát quyền lực và đảm bảo quyền tự do dân chủ của công dân và quyền con người là yêu cầu bức xúc mà khi sửa Hiến pháp năm 1992 cần phải tháo gỡ. Bởi vậy dự thảo Hiến pháp sửa đổi phải được thể hiện theo hướng bộ máy nhà nước có thể kiểm soát quyền lực lẫn nhau.

Ông kể, cựu Bộ trưởng Bộ Tư pháp Thụy Điển, khi trả lời câu hỏi tại sao nước này không có nhiều tài nguyên mà phát tiển mạnh mẽ  như vậy đã nói rằng, Thụy Điển có nguồn tài nguyên vô cùng lớn là nền dân chủ. "Mà dân chủ có được đảm bảo hay không chính là ở việc tổ chức bộ máy nhà nước", ông Hạnh nhấn mạnh.

Một số điểm mới về phân công và kiểm soát quyền lực, theo dự thảo mới nhất của Hiến pháp sửa đổi cũng được TS. Dương Thị Thanh Mai bình luận ngay sau phát biểu của Viện trưởng Hạnh.

Bà Mai cho biết, ở bản dự thảo được đưa ra lấy ý kiến nhân dân tất cả các điều chỉ có một phương án, thay vì một số phương án như các dự thảo trước đó.

Đáng chú ý về sự phối hợp thực hiện các quyền đó là, lần này quyền lập hiến đã được chia sẻ giữa Quốc hội và nhân dân, nhân dân sẽ biểu quyết về Hiến pháp sau khi Quốc hội thông qua với 2/3 số phiếu tán thành.

Điểm mới được bà Mai nhấn mạnh trong kiểm soát quyền hành pháp là việc lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm với các chức danh Quốc hội bầu và phê chuẩn vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ tư vừa qua. Và cơ chế này đã được quy định tại dự thảo Hiến pháp sửa đổi.

Dự thảo cũng đặc biệt chú trọng đến dân chủ trực tiếp, quyền giám sát và phản biện xã hội lần đầu tiên được đưa vào và bỏ phiếu khi trưng cầu dân ý được thiết kế thành một điều riêng, bà Mai lưu ý.

Vẫn liên quan đến kiểm soát quyền lực, TS. Nguyễn Minh Đoan (Đại học Luật Hà Nội) cho rằng dự thảo quy định Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, Chính phủ là cơ quan chấp hành của Quốc hội thì sẽ “làm cho cơ chế kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp khó được thực hiện”.

Muốn thực hiện được nguyên tắc tất cả các cơ quan nhà nước, kể cả Quốc hội, đều phải bị giám sát, kiểm soát việc thực hiện quyền lực Nhà nước thì đòi hỏi trong Hiến pháp phải xác định lại vị trí, tính chất của Quốc hội, Chính phủ và Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân để các cơ quan nói trên có thể kiểm soát lẫn nhau trong việc thực hiện quyền lực Nhà nước.

Kiến nghị của vị diễn giả này là Hiến pháp nên xác định Quốc hội là cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân, thực hiện quyền lập pháp; Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, thực hiện quyền hành pháp; Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp. Các cơ quan nhà nước kiểm soát lẫn nhau và chịu sự kiểm soát của nhân dân trong việc thực hiện quyền lực Nhà nước.

Nhà nước, các cơ quan nhà nước, công chức, viên chức nhà nước chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép, tức nhân dân cho phép.

Ở tham luận sau đó, TS. Luật sư Lưu Tiến Dũng (Công ty Luật YKVN) nhận xét, dự thảo Hiến pháp sửa đổi được trình lên kỳ họp Quốc hội vừa qua “dường như vẫn còn lúng túng trong việc giải quyết bài toán cơ bản của kỳ sửa đổi Hiến pháp lần này, đó là vấn đề cân bằng và kiểm soát quyền lực Nhà nước”.

Cần quy định Quốc hội có thẩm quyền bổ nhiệm, lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm và bãi nhiệm, miễn nhiệm các thành viên Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao - cơ quan cao nhất thực hiện quyền tư pháp là quan điểm của ông Dũng.

Vị luật sư này cũng đề nghị cần quy định Chủ tịch nước có thẩm quyền bổ nhiêm, miễn nhiệm và bãi nhiệm thẩm phán của tất cả tòa án các cấp chứ không nên để Chánh án Tòa án nhân dân tối cao bổ nhiệm thẩm phán toà án địa phương như hiện nay.

Quy định này nhằm bảo đảm Chủ tịch nước với tư cách người đứng đầu Nhà nước trao quyền tư pháp cho thẩm phán - những người sẽ nhân danh Nhà nước thực thi công lý; đồng thời, bảo đảm việc nâng cao vị thế của thẩm phán, bảo đảm việc kiểm soát quyền lực của tư pháp bởi hành pháp và tránh sự khép kín trong công tác bổ nhiệm thẩm phán tòa án địa phương bởi Chánh án Tòa án nhân dân tối cao - điều gây quan ngại cho sự độc lập xét xử của tòa án địa phương, ông Dũng giải thích.