17:21 22/06/2015

Sửa Luật Hàng hải “nóng” trong bối cảnh biển Đông

Anh Minh

Bộ luật Hàng hải được xem là rất quan trọng đối với việc bảo vệ chủ quyền biển đảo

Đại biểu Thân Đức Nam nêu vấn đề biển Đông khi phát biểu về dự thảo luật.<br>
Đại biểu Thân Đức Nam nêu vấn đề biển Đông khi phát biểu về dự thảo luật.<br>
Phiên thảo luận tại Quốc hội về dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hàng hải sáng 22/6 đã trở nên nóng hơn thông lệ, vì văn bản này đề cập đến nhiều nội dung liên quan quản lý biển và chủ quyền biển Đông.

Đại biểu Thân Đức Nam cho rằng hiện nay, bộ luật quốc tế về an ninh tàu và cảng biển (bộ luật ISPS) chỉ quy định về an ninh tàu và cảng biển nhằm phát hiện đánh giá một mối đe dọa an ninh và có biện pháp ngăn ngừa đối với sự cố an ninh ảnh hưởng đến tàu, bến cảng được sử dụng trong quốc tế nhưng chưa có quy định cụ thể về an ninh hàng hải nói chung.

Chính vì vậy, trong giai đoạn hiện nay, khi tình hình an ninh biển Đông diễn biến phức tạp, các quốc gia liên quan đều tăng cường và chú trọng đến an ninh hàng hải.

Do đó, để có cơ sở phát triển vững chắc kinh tế biển, đóng góp vai trò to lớn về an ninh hải hải trong khu vực, ông Nam cho rằng, cần xây dựng một chương riêng quy định về an ninh hàng hải.

Bên cạnh đó, ông cũng cho rằng cần bổ sung quy định để hỗ trợ công tác nghiên cứu thị trường, hội nhập quốc tế, xúc tiến đầu tư hoặc có cơ sở pháp lý để tiến hành đại diện hàng hải tại một số quốc gia phát triển về ngành hàng hải trên thế giới.

Trong khi đó, theo đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, thực tế gần đây cho thấy các tranh chấp trên biển Đông đã và sẽ diễn ra ngày càng căng thẳng, phức tạp, trong đó Trung Quốc luôn là nước bất chấp luật pháp quốc tế.

Nhiều nước, trong đó có Trung Quốc đã công khai tuyên bố sẽ sản xuất các loại tàu, thuyền lưỡng dụng không chỉ phục vụ mục đích dân sự, kinh tế mà còn cả mục đích quân sự khi cần thiết.

Chính vì vậy, theo bà Khánh, bộ luật hàng hải cần quy định về hoạt động hàng hải bao gồm các loại tàu, thuyền, các thiết bị nổi, chìm khác trên biển cũng như hàng loạt vấn đề khác.

Theo Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, về các chính sách phát triển hàng hải, các đại biểu Quốc hội đều tán thành việc phải xây dựng ngành hàng hải Việt Nam trở thành một ngành kinh tế phát triển nhanh, bền vững để đóng góp tích cực vào yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo đảm chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia và hội nhập quốc tế.

“Luật sẽ tạo ra một khâu đột phá trong phát triển ngành hàng hải Việt Nam trong thời gian tới đây để thực hiện chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 và sau đó với tinh thần để Việt Nam chúng ta trở thành một quốc gia mạnh về biển và giàu lên vì biển”, ông Lưu nhấn mạnh.