18:39 03/12/2014

Sức khỏe doanh nghiệp tại Việt Nam: Hai nửa sáng tối

Nguyên Hà

Hoạt động của doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước tiếp tục trong tình trạng khá tương phản

Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài dường như không phải chịu quá nhiều áp lực của hệ thống quản lý trong nước, và hiện vẫn là nguồn tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế Việt Nam - Minh họa: Khều.<br>
Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài dường như không phải chịu quá nhiều áp lực của hệ thống quản lý trong nước, và hiện vẫn là nguồn tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế Việt Nam - Minh họa: Khều.<br>
Công bố báo cáo về tình hình kinh tế Việt Nam sáng 3/12, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (World Bank) dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ tăng nhẹ từ mức 5,4% năm 2013 lên 5,6% năm 2014.

Đáng chú ý là theo World Bank, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và doanh nghiệp trong nước vẫn tiếp tục trong tình trạng khá tương phản, trong quá trình phục hồi kinh tế.

Cụ thể, số lượng doanh nghiệp trong nước đóng cửa hoặc tạm ngừng hoạt động đang ngày càng tăng. Năm 2013, tổng số doanh nghiệp trong diện này là 61 nghìn  so với con số 47 nghìn năm 2010.

Trong 10 tháng đầu năm 2014, có thêm 54 nghìn doanh nghiệp rơi vào tình trạng này, tăng khoảng 9% so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời, số lượng doanh nghiệp mới thành lập lại giảm 6,5% .

Doanh nghiệp tư nhân trong nước dường như chịu tác động bởi các yếu tố: tiếp cận nguồn vốn hạn chế, nhu cầu tiêu dùng trong nước thấp và sân chơi bất bình đẳng so với khu vực doanh nghiệp nhà nước, World Bank nhận định.

Ngược lại, bản báo cáo cho rằng, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài dường như không phải chịu quá nhiều áp lực của hệ thống quản lý trong nước, và hiện vẫn là nguồn tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế Việt Nam.

Khu vực này đóng góp gần 20% GDP, 22% tổng vốn đầu tư, 2/3 kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và tạo ra 1/4 việc làm cho khu vực doanh nghiệp chính thức. Ngành chế tạo, chế biến của Việt Nam vẫn là ngành chính thu hút nhà đầu tư nước ngoài: hiện ngành này chiếm khoảng 70% tổng số vốn FDI đăng ký.

Những yếu tố thu hút các nhà đầu tư quốc tế bao gồm giá nhân công cạnh tranh, lực lượng lao động tương đối có tay nghề (đối với hoạt động sản xuất cần nhiều nhân công) và kỷ luật, tình hình chính trị ổn định và vị trí liền kề chuỗi cung ứng của Trung Quốc, báo cáo viết.

Vẫn theo World Bank, tâm lý kinh doanh của khu vực FDI đã cải thiện trong vòng một năm qua. Phản ánh thái độ tương đối lạc quan của các nhà đầu tư nước ngoài, Chỉ số Quản trị Mua hàng (PMI) (được điều chỉnh theo mùa vụ) của khu vực sản xuất đã đạt mức 51 điểm vào tháng 10, một tín hiệu cho thấy khu vực này sẽ tiếp tục mở rộng.

Trước khi được World Bank nhấn mạnh tại báo cáo, sự tương phản giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước cũng đã từng được đề cập ở không ít diễn đàn kinh tế của Việt Nam.

Vào cuối tháng 9/2013, TS. Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright cho rằng cỗ máy tăng trưởng của kinh tế Việt Nam có bốn động cơ, thì chỉ có một đang hoạt động.

Theo đánh giá của ông Thành, ba động cơ là khu vực doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân và nông nghiệp đều trục trặc.

Chỉ còn khu vực FDI là tiếp tục có kết quả tốt chủ yếu nhờ các doanh nghiệp FDI thuộc nhóm ngành thâm dụng lao động và không bị tác động nhiều bởi những khó khăn kinh tế nội địa và yếu kém của thể chế kinh tế Việt Nam.