14:33 19/01/2012

Tái cơ cấu đầu tư công: Không “sốc”, không thành!

Đoàn Trần

“Không có gì phải nghi ngờ về quyết tâm tái đầu tư công của Chính phủ”. Nhưng

Khi tái cơ cấu đầu tư công được nhắc đến ngày một nhiều hơn, với mức độ ngày một nóng hơn, đông đảo dư luận đều phấn chấn vì phong trào “tái” đã không trở thành thoái trào mà trở thành cao trào.
Khi tái cơ cấu đầu tư công được nhắc đến ngày một nhiều hơn, với mức độ ngày một nóng hơn, đông đảo dư luận đều phấn chấn vì phong trào “tái” đã không trở thành thoái trào mà trở thành cao trào.
“Khi triển khai chỉ thị này, sẽ có nhiều địa phương “sốc”!”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nói về Chỉ thị 1792, được Chính phủ ban hành hồi trung tuần tháng 10/2011 - một chỉ thị được ông xem là “cú hích” cho quá trình tái cơ cấu đầu tư công.

Nhưng, ông Vinh cũng đồng thời khẳng định quan điểm của mình: “Dù “sốc”, nhưng các địa phương phải chấp nhận, vì đó là cách tốt nhất để hạn chế việc đầu tư dàn trải đã và đang tồn tại nhiều năm qua, có làm được như vậy, thì mới có thể thực hiện được mục tiêu đề ra”.

Dư luận đồng tình cùng ông, khi mà bước đi đầu tiên của tái cơ cấu đầu tư công, thể hiện qua chủ trương cắt giảm đầu tư công trong Nghị quyết 11 của Chính phủ, được triển khai gần 10 tháng qua, theo tinh thần quyết liệt là thế nhưng kết quả thu lại không được bao nhiêu, cũng vì thiếu “sốc”, bởi, như cách nói của chính ông Vinh trước diễn đàn Quốc hội: “Không thể nói cắt, là cắt ngay, thì quá khó cho các địa phương”.

Tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó nổi lên vấn đề tái cơ cấu đầu tư công đã từng được soạn thành một tài liệu cỡ gần 200 trang gửi đến các đại biểu Quốc hội trong Kỳ họp giữa năm 2009, nhưng khi đó, tài liệu này được lưu ý là chỉ để cho đại biểu tham khảo, không trích dẫn. Trong khoảng 200 trang đó, nội dung phần nhiều là mổ xẻ về thực trạng đầy bất cập của mô hình tăng trưởng và liệt kê về vô số “tội” của đầu tư công.

Còn hình hài của việc tái cơ cấu thế nào thì chưa rõ. Bẵng đi suốt hơn hai năm qua, đến lúc này, vấn đề tái cơ cấu đầu tư công mới được xới xáo lên, vì đã đến thời điểm mà như nhận xét của TS. Nguyễn Đình Cung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) - một trong những người “thai nghén” cho đề án tái cơ cấu này: “Không làm không được!”.

Từ phong trào, đến cao trào

Thực tế thì “tái” thế nào, trong hơn hai năm qua tuy chưa được định hình rõ, nhưng việc tái cơ cấu đầu tư công đã trở thành “phong trào” mà người đồng cấp của TS. Cung, TS. Võ Trí Thành gọi đó là “mốt”. “Mốt” tái cơ cấu đầu tư công với nhiều hội thảo lớn nhỏ đã diễn ra bàn tới bàn lui về vấn đề này.

Ông Thành cũng từng nói vui rằng: “Từ quản lý đến chuyên gia, nói gì cũng phải có thêm tí “tái”, không sẽ thành lạc hậu với thời cuộc ngay!”.

Khi tái cơ cấu đầu tư công được nhắc đến ngày một nhiều hơn, với mức độ ngày một nóng hơn, đông đảo dư luận đều phấn chấn vì phong trào “tái” đã không trở thành thoái trào mà trở thành cao trào, là một tín hiệu rất tích cực cho nền kinh tế.

Một trong những người đợi chờ tín hiệu này từ rất lâu, TS. Trần Du Lịch nói ông luôn thấy sốt ruột khi năm nào Chính phủ cũng nói đến tái cơ cấu đầu tư công, nhưng năm nào cũng mới chỉ dừng ở mức ra đầu bài. Giờ ông cũng vẫn chưa thể yên tâm, dẫu đã nghe sự trấn an từ Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: “Từ giờ sẽ làm thật, làm ngay!”.

Dẫn lại những chỉ đạo từ “cú hích” Chỉ thị 1792, người đứng đầu ngành kế hoạch và đầu tư nói về lộ trình của “làm thật, làm ngay” sẽ đi từ việc dần loại bỏ được tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí. Đến việc triệt tiêu được cơ chế “xin - cho” và những tiêu cực trong vấn đề xây dựng cơ bản. Tổng mức vốn đầu tư từ trung ương rót cho địa phương, bộ ngành sẽ được cụ thể rõ trong 3 năm tới hoặc 5 năm là bao nhiêu, chia ra từng năm là bao nhiêu...

Còn quyền lựa chọn dự án thì vẫn do các bộ, ngành, địa phương quyết định. Tuy nhiên, từ nay, việc này sẽ có hai bộ là Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Tài chính cùng kiểm soát, rà soát trước khi các địa phương ký quyết định phê duyệt mỗi dự án...

Chữ ký nặng “ngàn cân”

Một trong những lý do chính, khiến cho đầu tư công rơi vào tình trạng tồi tệ, chính là việc không quy được trách nhiệm cho ai trong việc ra quyết định đầu tư.

Ôn lại quá khứ xa xưa của thời kỳ bao cấp, lúc đó, Liên Xô có nói tặng Việt Nam hẳn một nhà máy sản xuất phim rất hiện đại, nhưng ta phải bỏ tiền xây dựng nhà máy. Mà muốn xây dựng nhà máy này phải san phẳng vài quả đồi với diện tích hàng chục hécta. Khi nhà máy xây xong phải tự bỏ tiền mua phim về tráng... Chúng ta đã từ chối, dù là quà tặng, vì không hiệu quả.

TS. Bùi Kiến Thành thở dài: “Nhưng mấy năm trở lại đây, tôi không thấy có nước nào như Việt Nam, ồ ạt đầu tư hàng loạt khu cảng biển, khu kinh tế cửa khẩu, khu kinh tế ven biên giới... Đầu tư mà không cần biết hiệu quả ra sao”.

Dẫn giải ra một loạt dẫn chứng về việc nhiều địa phương có những dự án đầu tư không xét theo tổng thể quyền lợi, lợi ích quốc gia mà chỉ nghĩ đến quyền lợi của địa phương đó. Nhiều địa phương khác thì đầu tư “vô bổ” kiểu như xây một nhà máy đường giữa cánh đồng nhưng không có vùng mía nguyên liệu đi kèm. Các nhà máy xi măng xây xong không có nguyên liệu để sản xuất...

Rồi mới đây thôi, ta vừa cấp phép hai dự án sân bay mới: một ở Thanh Hóa và một ở An Giang. Sân bay An Giang chỉ cách hai sân bay Cần Thơ và Rạch Giá khoảng 60km, trong khi đó, sân bay Cần Thơ hiện chỉ hoạt động chưa tới 20% công suất và đang...lỗ nặng, vị chuyên gia già này trăn trở: “Đến khi nhìn lại thấy việc đầu tư không hiệu quả thì cũng không có ai phải chịu trách nhiệm gì!”.

Tương tự tâm trạng này, TS. Vũ Thành Tự Anh cho rằng hiện tượng đầu tư quá nhiều sân bay, cảng biển ở một số địa phương có phần trách nhiệm rất lớn từ trung ương.

Câu chuyện trách nhiệm này, sẽ được giải quyết rốt ráo, một khi, trách nhiệm này được buộc cùng chữ ký ngàn cân, như nhấn mạnh của Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: “Chỉ thị 1792 đã nêu rõ nếu ai đã đặt bút ký quyết định đầu tư mà không có trách nhiệm với dự án, để dự án bị kéo dài, chậm tiến độ, gây lãng phí, sẽ bị xử lý!”.

Dù vậy, vẫn không mấy lạc quan, nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan cũng lại thở dài như TS. Bùi Kiến Thành, và nói: “Như thế cũng là chưa đủ. Nếu chuyện xin - cho không thực sự thay đổi, chúng ta sẽ chứng kiến kế hoạch mà Chính phủ sắp tới trình Quốc hội sẽ chỉ là trên giấy thôi! Không có tái cấu trúc đâu!”.

“Còn điều chi nữa mà... ngờ”

Cơ chế xin - cho, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đang kỳ vọng sẽ được triệt tiêu, nhưng ngay ở hành lang Quốc hội, có đại biểu đã níu tay ông than phiền “dự án đó địa phương kia được làm, sao chúng tôi lại không?”.

Bộ trưởng, với 35 năm công tác ở địa phương, đã từng tâm sự: “Tôi đã có nhiều năm công tác ở địa phương, nên hiểu được địa phương cần gì”. Bởi vậy, quả thật rất khó cho ông, khi buộc phải gây “sốc” cho họ.

Lại nhắc về cú hích là Chỉ thị 1792, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói: “Không có gì phải nghi ngờ về quyết tâm tái đầu tư công của Chính phủ”. Nhưng, người đứng đầu ngành kế hoạch và đầu tư bâng khuâng: “Điều cần nghi ngờ là chỉ thị có được thực hiện nghiêm túc hay không?”.

Vẫn còn chưa rõ ràng việc tái cơ cấu đầu tư công sẽ có một lộ trình cụ thể thế nào. Tháng 5/2012, Chính phủ mới trình lên Quốc hội...