11:22 31/10/2011

“Tâm bão” giao thông và bản lĩnh nghị trường

Nguyên Hà

Giao thông có lẽ là câu chuyện nhiều cung bậc nhất của cả cảm xúc và trách nhiệm tại nghị trường tuần qua

Hành động và phát ngôn của vị “tư lệnh” ngành giao thông đang thu hút nhiều sự chú ý của dư luận - Ảnh: Reuters.
Hành động và phát ngôn của vị “tư lệnh” ngành giao thông đang thu hút nhiều sự chú ý của dư luận - Ảnh: Reuters.
Chứa đựng cả bức xúc của cử tri từ rẻo cao đến các thành phố lớn, cả tâm tư cùng bản lĩnh của đại biểu lẫn bộ trưởng, giao thông có lẽ là câu chuyện nhiều cung bậc nhất của cả cảm xúc và trách nhiệm tại nghị trường tuần qua.

Dù liên tục được đặt lên bàn nghị sự với 500 vị đại biểu của dân song những con đường “đau khổ” vẫn đều đặn gây ấn tượng mạnh khi từ một chị bán rau ở Hà Nội đến em bé ở Quảng Bình đu dây qua sông đi học đều mơ đến một “phép màu” có thể làm thay đổi tình hình mà theo so sánh của đại biểu Quốc hội Lê Thị Nga thì ngang với tiêu chí của “tình trạng khẩn cấp”.

Và, nếu vị đại biểu nào chưa có vinh hạnh trải qua “cảm giác mạnh” của vấn nạn giao thông thì đều có thể cảm nhận rõ ràng hơn “độ nóng” của sự ùn tắc, lộn xộn trong chặng di chuyển chỉ từ một đến vài km hàng ngày từ nơi ở đến nơi họp, dù có cảnh sát giao thông trực tiếp dẫn đường đi nữa.

Thực tế đã rất nóng. Nhưng “lửa” còn được thổi bùng lên bởi những hành động và phát ngôn của vị tân Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải mới nhậm chức chừng ba tháng.

Từ chỗ “đòi” được toàn quyền như tướng ra trận, đến “trảm tướng” giữa trận tiền, rồi chủ trương hạn chế phương tiện cá nhân, đổi giờ học giờ làm… đều là tâm điểm của dư luận, ngay trước thềm khai mạc của kỳ họp Quốc hội thứ hai.

Là một đại biểu, đương nhiên, Bộ trưởng Đinh La Thăng có mặt đều đặn trong hội trường. Tất nhiên, ông cũng có điều kiện lắng nghe đầy đủ các khen chê cả trong và ngoài các phiên họp.

Hôm trước, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị nói với báo chí rằng, mật độ người và phương tiện tham gia giao thông của Hà Nội so với Thái Lan, Singapore, Hồng Kông còn kém, nhưng Thủ đô luôn tắc đường là do ý thức tham gia giao thông không tốt, chen lấn, vượt đèn đỏ, leo vỉa hè, chạy không đúng tốc độ…

Hôm sau, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phân tích, cũng người dân Việt Nam đi ra nước khác thì chấp hành nghiêm. Vì ở Việt Nam một bộ phận không nhỏ người thực thi công vụ lại nhận tiền mãi lộ hoặc thiếu trách nhiệm bỏ qua vi phạm.

Vì, “khi bản thân người đại diện cho nhà nước thực hiện luật không nghiêm thì người dân nhờn pháp luật là hệ quả tất yếu”.

Điều đáng suy ngẫm hơn là, sự không nghiêm này, theo đại biểu Nga thì không chỉ ở một bộ phận cảnh sát hay thanh tra giao thông.

Mà, “ba khóa Quốc hội gần đây có khoảng trên 150 nghìn người chết vì tai nạn giao thông, nhưng hầu như chưa có lãnh đạo nào từ Trung ương đến cơ sở bị kỷ luật vì để xảy ra nhiều tai nạn, và Quốc hội cũng chưa miễn nhiệm một bộ trưởng nào vì lý do này”.

Vì thế, “tình trạng khẩn cấp” của tai nạn và ùn tắc giao thông khó mà trở thành “tình trạng bình thường” nếu trách nhiệm cá nhân không nghiêm và quy định Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm bộ trưởng không được thực hiện.

Như vậy, xem ra trách nhiệm của Quốc hội về vấn nạn giao thông không hề nhỏ. Nhưng, cơ hội để cơ quan quyền lực cao nhất tăng cường trách nhiệm cũng rất lớn.

Bởi thế nên mặc dù phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2012 đã được Chính phủ trình Quốc hội ngay trong ngày làm việc thứ nhất, một tuần sau, tại phiên thảo luận về ngân sách, Bộ trưởng Đinh La Thăng vẫn đứng lên đề nghị dành tổng số thu có thể tăng thêm từ dầu khí của hai năm 2011 và 2012 khoảng 40.000 tỷ đồng để giải quyết các công trình trọng yếu cấp thiết của giao thông.

Đề xuất này ngay lập tức đã nhận được sự ủng hộ công khai ngay tại nghị trường của đại biểu Trần Du Lịch, ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, người kiên trì quan điểm phải có thay đổi mang tính đột phá trong phân bổ nguồn lực.

Chỉ có điều, sự ủng hộ này của ông Lịch đi kèm ba điều kiện. Đầu tiên là, ngành giao thông phải chống cho được tiêu cực trong xây dựng, đừng để xảy ra vụ việc như PMU, PCI..., sẽ gây mất niềm tin.

Điều kiện thứ hai là phải nâng cao năng lực quản trị dự án nguồn nhân lực, nếu chậm trễ, lôi thôi thì “trảm tướng” như Bộ trưởng Thăng đã làm.

Điều kiện thứ ba, trong xây dựng giao thông, nên đặt mục tiêu thời gian quan trọng hơn tiền, chậm tiến độ, chậm thời gian còn nguy hại hơn là mất tiền, nếu cần thiết thay đổi quy chế tiêu chuẩn đấu thầu.

Nhìn vào hành động và phát ngôn của vị “tư lệnh” ngành giao thông kể từ khi nhậm chức thì có vẻ như ông đã và đang quan tâm đến điều kiện thứ hai và thứ ba.

Nhưng còn điều kiện đầu tiên, cũng là điều kiện vô cùng quan trọng để đại biểu Quốc hội có thể yên tâm hơn khi trao tiền của dân vào tay ngành giao thông…

Sau phát biểu của đại biểu Lịch, chắc hẳn không chỉ có người viết bài này mong Bộ trưởng Thăng thêm một lần đứng dậy cam kết sẽ thực hiện được điều kiện số một đó, để ít nhất có thêm không chỉ một mà nhiều nhiều phiếu thuận cho đề nghị của mình, khi Quốc hội thông qua phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm sau vào cuối kỳ họp này.

Để con số hơn 10 nghìn người chết mỗi năm, để những hình ảnh em bé đu dây qua sông và nỗi bức xúc  của cử tri vì quá nhiều công trình dang dở không còn tiếp tục quay lại nghị trường ở những phiên thảo luận sau của Quốc hội.

Nhưng, ngẫm lại, cũng thấy thông cảm cho Bộ trưởng Thăng. Vì cũng tại nghị trường, ngay tại kỳ họp này, ông đã nghe Chính phủ báo cáo Quốc hội là tình trạng tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp; xảy ra ở nhiều lĩnh vực, địa phương; công tác phòng chống tham nhũng vẫn còn nhiều hạn chế và chưa thực hiện được mục tiêu là ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tham nhũng.

Trong khi, hầu như chưa có cơ quan nào tự phát hiện được tham nhũng.

Trong khi, việc phát hiện và trừng trị cán bộ tham nhũng, xem ra còn gian nan hơn nhiều việc “trảm” một viên “tiểu tướng” vì để chậm tiến độ thi công, như ông từng làm.