Tận dụng sự căng thẳng trong thương mại Mỹ - Trung, dưới góc nhìn AmCham
Việc các công ty và các nhà cung cấp di chuyển một số hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc, và Việt Nam đang có được lợi ích từ một số doanh nghiệp đó
Việc các công ty và các nhà cung cấp di chuyển một số hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc, và Việt Nam đang có được lợi ích từ một số doanh nghiệp đó.
Đó là thông tin từ phát biểu của đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) diễn ra sáng 4/12 tại Hà Nội.
Theo AmCham, căng thằng đang diễn ra trong thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc đã làm nổi bật rủi ro của các cơ sở sản xuất tập trung ở một quốc gia đơn lẻ và kích hoạt việc tái tổ chức chuỗi cung ứng.
Đại diện AmCham cho biết, một cuộc khảo sát gần đây của Amcham tới các doanh nghiệp Mỹ ở Trung Quốc cho thấy một phần ba đã di dời hoặc đang cân nhắc di chuyển một số cơ sở sản xuất của họ ra nước ngoài trong bối cảnh căng thẳng trong thương mại. Một cuộc khảo sát riêng biệt của các công ty nước ngoài từ các quốc gia khác cho thấy một nửa đang cân nhắc việc di dời và Đông Nam Á là lựa chọn hàng đầu của họ.
"Trung Quốc vẫn sẽ là một thành viên quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, chúng tôi thấy rằng việc các công ty và các nhà cung cấp di chuyển một số hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc và Việt Nam đang có được lợi ích từ một số doanh nghiệp đó. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để Việt Nam có thể tận dụng triệt để cơ hội này để tiếp tục giữ vững tốc độ kinh tế tăng trưởng kinh tế nhanh chóng", đại diện Amcham nêu vấn đề.
Thực tế cho thấy Việt Nam thu hút được nhiều vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, một số nhà chức trách đang đặt câu hỏi rằng liệu việc có nhiều doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam là thật sự tốt cho nền kinh tế Việt Nam hay không. Ví dụ, một đại biểu Quốc hội gần đây đã nói: "Với các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chiếm hơn 70% tổng xuất khẩu, Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng khi những doanh nghiệp này rút khỏi Việt Nam", đại diện AmCham nói tiếp.
Vị này cũng nhấn mạnh, "tất cả chúng ta ở đây đều muốn đảm bảo rằng không có lý do gì mà các công ty nên rời khỏi Việt Nam. Đó là lý do tại sao chúng ta cần thấy được sự tiến bộ liên tục và hữu hình về các vấn đề được thảo luận tại các phiên trong Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam. Quan trọng hơn, các thủ tục hành chính ràng buộc phi hiệu quả phải được kiểm soát, và khung pháp lý và thuế của quốc gia phải được ổn định và có thể dự đoán được".
Tại VBF giữa kỳ vào tháng 7 năm nay, các doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam cũng đã bày tỏ quan ngại về sự thay đổi chính sách của Việt Nam với sự nhấn mạnh là vấn đề sống còn chính là việc luật pháp phải được thiết kế để đảm bảo thực thi công bằng và bình đẳng.
Lần này, AmCham vẫn tiếp tục bày tỏ, các nhà đầu tư nước ngoài cần một sân chơi bình đẳng, không chỉ để thu hút vốn đầu tư nhiều hơn trong tương lai mà còn để duy trì vốn đầu tư đã có tại đây. Những thay đổi thường xuyên và hồi tố của các đạo luật và quy định - bao gồm thuế suất và chính sách - là những rủi ro đáng kể đối với các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Những thay đổi này ảnh hưởng đến kế hoạch đầu tư và kinh doanh của các dự án đã được cấp phép.
AmCham khuyến cáo rằng Chính phủ nên xem xét việc hướng dẫn về bảo vệ đầu tư để ngăn chặn các hiệu ứng ràng buộc tiêu cực và hồi tố của các điều luật và quy định mới đối với các dự án hiện nay.
Cục bộ hoá dữ liệu có thể gây thiệt hại nghiêm trọng
Một trong những vấn đề cụ thể được AmCham đề cập sâu trong báo cáo là khai phá hoàn toàn tiềm năng của nền kinh tế số tại Việt Nam.
Chúng tôi nhận được sự khuyến khích nhiệt tình của Ngài Thủ tướng Chính phủ để giúp xây dựng nền kinh tế số của Việt Nam vì trong thế giới ngày nay, nền kinh tế số không thể tách khỏi nền kinh tế thực, đại diện Amcham cho biết.
Vị này phân tích, trong nền kinh tế số, các dịch vụ toàn cầu được củng cố bởi luồng dữ liệu tự do. Tất cả mọi hoạt động từ thanh toán đến email vận chuyển đều dựa trên dữ liệu được phép tự do xuyên biên giới.
"Chúng tôi lo ngại rằng Luật An ninh mạng và triển khai dự thảo nghị định sẽ buộc cục bộ hoá dữ liệu có thể gây ra thiệt hại kinh tế cho nền kinh tế Việt Nam qua việc cản trở luồng dữ liệu tự do mà nền kinh tế số toàn cầu xây dựng. Một báo cáo về Cộng đồng Kinh tế ASEAN của Deloitte năm ngoái đã chỉ ra rằng hơn 2/3 nhà đầu tư không thoải mái khi đầu tư vào các quốc gia mà họ bắt buộc phải lưu trữ dữ liệu cục bộ", AmCham bày tỏ quan điểm.
Theo các doanh nghiệp Mỹ thì việc ngăn chặn luồng dữ liệu tự do khiến cho sự kết nối trở nên tốn kém hơn cho người dân và doanh nghiệp, tại thời điểm mà việc giảm thiểu chi phí kết nối được coi là thiết yếu để mở rộng cơ hội kinh tế, thúc đẩy nền kinh tế số và tạo thêm phúc lợi ở Việt Nam. Sự ngăn chặn này cũng làm suy yếu khả năng tồn tại và sự tin cậy của các dịch vụ dựa trên các "đám mây" trong một loạt các lĩnh vực kinh doanh cần thiết cho nền kinh tế số hiện đại.
AmCham cũng bày tỏ mong muốn được làm việc với các lãnh đạo của Việt Nam về các chính sách phòng ngừa hiệu quả và tăng cường an ninh mạng thông qua các tiêu chuẩn đặc trưng của ngành, các thông lệ và khung quy chuẩn xác định rủi ro.
"Chung tay góp sức sẽ giúp chúng ta đạt được một môi trường trực tuyến cởi mở, sáng tạo và an toàn, thúc đẩy thương mại. Việc đảm bảo luồng chảy tự do của dữ liệu là rất quan trọng và chúng tôi hi vọng được làm việc với các lãnh đạo Việt Nam về các tiếp cận chính sách nhằm thúc đẩy các mục tiêu cơ bản của Luật an ninh mạng đồng thời giảm thiểu sự gián đoạn cho các doanh nghiệp, nền kinh tế và sự phát triển của Việt Nam", đại diện AmCham nói.