Tạo sức mạnh "bó đũa" vùng kinh tế trục cao tốc phía Đông
Sáng kiến kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông hướng tới việc xây dựng một mô hình liên kết kinh tế tiểu vùng, tạo không gian phát triển mới, phát huy tối đa lợi thế của các địa phương...
Ngày 28/7, tại thành phố Hạ Long, Chủ tịch UBND 4 tỉnh, thành phố Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã chính thức ký kết Thoả thuận kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông.
Lễ ký kết được thực hiện trong khuôn khổ Diễn đàn kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông do VCCI cùng 4 tỉnh, thành phối hợp tổ chức. Sự kiện được tổ chức đồng thời với Kỳ họp 3 Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC (Kỳ họp ABAC 3) do VCCI đăng cai tổ chức tại thành phố Hạ Long, Quảng Ninh từ ngày 26-29/7/2022.
CÙNG KHAI THÁC SỨC MẠNH 4 TỈNH
Đây là một sáng kiến trong thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về đẩy mạnh liên kết vùng, nhằm tăng cường phối hợp khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế của 4 địa phương dọc theo trục đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng – Móng Cái.
Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII cũng như Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 của nước ta đều đưa ra định hướng "tăng cường tính liên kết nội vùng và liên vùng để tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu, tạo không gian phát triển mới”.
Sáng kiến kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông hướng tới việc xây dựng một mô hình liên kết kinh tế tiểu vùng, tạo không gian phát triển mới, phát huy tối đa lợi thế của các địa phương, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, tăng trưởng kinh tế cao và có cộng đồng doanh nghiệp phát triển mạnh, tạo ra cực tăng trưởng trong vùng đồng bằng sông Hồng và khu vực phía Bắc.
Việc liên kết 4 địa phương sẽ tạo ra một vùng có tổng diện tích tự nhiên gấp 3 lần thủ đô Hà Nội, 5 lần TP.HCM và 8 lần so với Đà Nẵng. Quy mô dân số gấp gần 6 lần Đà Nẵng, bằng khoảng gần 80% dân số Hà Nội và bằng gần 70% dân số TP.HCM.
Bốn địa phương có lợi thế lớn về kết nối về hạ tầng giao thông tốt nhất cả nước, có trục cao tốc phía Đông nối một đầu là thủ đô Hà Nội, một đầu là cửa khẩu Móng Cái thông với thị trường Trung Quốc khổng lồ.
Các doanh nghiệp trong vùng có thể sử dụng 3 sân bay quốc tế (Nội Bài, Cát Bi, Vân Đồn) và hệ thống các cảng biển quốc tế.
Tham gia liên kết kinh tế, mỗi địa phương đều có các thế mạnh riêng để phát huy, khai thác. Cụ thể, Quảng Ninh với thế mạnh về tài nguyên du lịch, dịch vụ, chuỗi sản xuất – thương mại gắn với thị trường Trung Quốc. Hải Phòng có lợi thế đặc biệt về hệ thống cảng biển và logistics.
Hải Dương có tiềm năng nổi trội về nguồn nhân lực, quỹ đất và vị trí trung tâm vùng, thế mạnh về công nghiệp cơ khí, chế tạo. Hưng Yên có lợi thế đặc biệt do tiếp giáp thủ đô Hà Nội, tiềm năng lớn trong phát triển công nghiệp cũng như nông nghiệp công nghệ cao, đang có tốc độ đô thị hoá rất nhanh.
THÀNH LẬP HỘI ĐỒNG DOANH NGHIỆP VÙNG
Các bên tham gia liên kết cùng thống nhất thành lập Hội đồng kết nối vùng và giao VCCI giữ vai trò thường trực công tác điều phối hoạt động kết nối kinh tế 4 tỉnh, thành, Ban thư ký của vùng sẽ đặt tại VCCI.
VCCI sẽ phát huy đội ngũ chuyên gia và các thế mạnh của VCCI trong kết nối với cộng đồng doanh nghiệp, các ngành và các đối tác quốc tế để cùng 4 tỉnh, thành tạo ra một mô hình kết nối kinh tế vùng thành công, với các hoạt động thực chất, cụ thể, đem lại hiệu quả tốt nhất cho quá trình phát triển kinh tế bền vững của cả 4 địa phương.
Một chủ thể rất quan trọng của kết nối kinh tế là các doanh nghiệp, nên trong khuôn khổ Sáng kiến, VCCI sẽ hỗ trợ thành lập và triển khai hoạt động Hội đồng doanh nghiệp vùng.
Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI chia sẻ, nếu trong lịch sử xa xưa, dòng sông luôn là trục phát triển và kết nối các trung tâm kinh tế, văn hoá của con người, thì ngày nay các con đường cao tốc đóng vai trò như dòng sông khi xưa tạo ra và kết nối các trung tâm kinh tế, đô thị mới. Do đó trục cao tốc phía Đông chính là tiền đề cho sự kết nối kinh tế 4 tỉnh, thành.
“Bốn địa phương khi liên kết lại sẽ tạo lên một không gian và tầm nhìn mới về phát triển kinh tế, có quy mô lớn, có nhiều tiềm năng, lợi thế, tạo thuận lợi thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển các doanh nghiệp, thu hút nhiều hơn nữa các dự án đầu tư có chất lượng, từ đó tạo ra cực tăng trưởng trong vùng đồng bằng sông Hồng”, ông Công nhấn mạnh.
Trong năm 2022 và 2023, các hoạt động chính sẽ tập trung vào liên kết, hợp tác trong một số lĩnh vực như: Xúc tiến thương mại, đầu tư; giao thông và logistics; phát triển chuỗi cung ứng sản xuất; phát triển du lịch, dịch vụ; nông nghiệp công nghệ cao và chế biến nông sản; cải thiện môi trường kinh doanh; chuyển đổi số và kết nối số;…
Việc triển khai sẽ ưu tiên các hoạt động cụ thể, đem lại hiệu quả thiết thực, bắt đầu từ các việc đơn giản, dễ thống nhất, phối hợp, rồi mới mở rộng tới các hoạt động phức tạp hơn, đòi hỏi sự phối hợp có chiều sâu về chính sách và cơ chế hợp tác.