Tập trung thanh tra tình trạng báo hóa tạp chí, mạng xã hội…
Bộ chỉ đạo các sở Thông tin và Truyền thông tập trung thanh tra tình trạng sách nhiễu doanh nghiệp, tình trạng báo hóa tạp chí, trang thông tin điện tử, mạng xã hội
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng vừa ký văn bản số 4074 gửi Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về định hướng công tác thanh tra chuyên ngành năm 2020.
Văn bản của Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, nhằm triển khai công tác thanh tra chuyên ngành có trọng tâm, trọng điểm, hạn chế chồng chéo, trùng lặp, đảm bảo hiệu quả cao, do vậy Bộ đề nghị các Sở Thông tin và Truyền thông căn cứ vào nguồn lực hiện có, tình hình, đặc điểm cụ thể của mỗi địa phương để xác định số lượng cuộc thanh tra có thể thực hiện trong năm, lĩnh vực cần chú trọng để xây dựng kế hoạch thanh tra, đảm bảo tỷ trọng số cuộc thanh tra theo kế hoạch chiếm 65% và cần nắm bắt thông tin để thực hiện khoảng 35% số cuộc thanh tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm.
Trong đó, Bộ chỉ đạo các sở tập trung thanh tra đối với các vấn đề đang gây bức xúc trong xã hội, như buôn lậu, vận chuyển hàng cấm qua đường bưu chính; văn phòng đại diện và phóng viên thường trú của cơ quan báo chí, tình trạng sách nhiễu doanh nghiệp; tình trạng báo hóa tạp chí, trang thông tin điện tử, mạng xã hội; hoạt động liên kết sản xuất chương trình phát thanh, truyền hình, xuất bản; quảng cáo lừa đảo, sai sự thật; cuộc gọi rác, tin nhắn rác, SIM rác; công tác đảm bảo an toàn thông tin cho người sử dụng của các mạng xã hội.
Bộ cũng yêu cầu các sở Thông tin và Truyền thôngc tuân thủ các tiêu chuẩn, kỹ thuật về an toàn cho các hệ thống thông tin; đảm bảo kết nối trục liên thông văn bản quốc gia từ tỉnh, thành phố xuống quận, huyện; chủ động trao đổi, phối hợp với các Cục chuyên ngành thuộc Bộ để triển khai hoạt động thanh tra, xử lý vi phạm.
Về cách thức triển khai nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, Bộ yêu cầu các sở Thông tin và Truyền thông cần tăng cường đẩy mạnh hoạt động giám sát, tận dụng các nguồn lực, phương tiện trang thiết bị kỹ thuật của các Cục thuộc Bộ nhằm phát hiện các dấu hiệu vi phạm để chấn chỉnh, nhắc nhở kịp thời. Xử lý nghiêm đối với những trường hợp đã được nhắc nhở, cảnh báo đến lần thứ hai nhưng vẫn cố tình tiếp tục vi phạm.
Ngoài ra, các sở Thông tin và Truyền thông cần phối hợp với các cơ quan công an để điều tra, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm có tác động, ảnh hưởng tiêu cực lớn đối với xã hội, gây thiệt hại cho người dân; thực hiện nghiêm túc công tác theo dõi việc thực hiện kết luận thanh tra của các tổ chức, cá nhân, đảm bảo các sai sót, vi phạm đã được chỉ ra tại kết luận phải được tuân thủ và khắc phục triệt để.
Bộ Thông tin và Truyền thông cũng yêu cầu các kết luận thanh tra cần gửi đầy đủ về Thanh tra Bộ để tổng hợp. Đồng thời thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng định kỳ theo tháng, quí, năm… Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc cần kịp thời phản ánh về Bộ Thông tin và Truyền thông để kịp thời được hướng dẫn.