11:00 04/01/2019

Tàu thăm dò Trung Quốc hạ cánh xuống vùng khuất của Mặt Trăng

Thăng Điệp

Một bước tiến quan trọng trong chương trình vũ trụ đầy tham vọng của Bắc Kinh

Những hình ảnh từ vùng khuất của Mặt Trăng được tàu thăm dò Hằng Nga 4 gửi về Trái Đất ngày 3/1 - Ảnh: Tân Hoa Xã.
Những hình ảnh từ vùng khuất của Mặt Trăng được tàu thăm dò Hằng Nga 4 gửi về Trái Đất ngày 3/1 - Ảnh: Tân Hoa Xã.

Tàu thăm dò mang tên Hằng Nga 4 (Chang’e-4) của Trung Quốc ngày 3/11 đã hạ cánh thành công xuống trở thành tàu vũ trụ đầu tiên đáp xuống vùng đất không bao giờ hướng về phía Trái Đất trên Mặt Trăng, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong chương trình vũ trụ đầy tham vọng của Bắc Kinh.

Hằng Nga 4 đáp xuống vùng khuất của Mặt Trăng vào lúc 10h26 sáng ngày thứ Năm theo giờ Bắc Kinh và chụp ảnh gửi về Trái Đất.

Thành công này đạt được sau một loạt sứ mệnh Mặt Trăng mà Trung Quốc đã thực hiện trong mấy năm trở lại đây - một phần trong kế hoạch của nước này nhằm lọt vào top 3 cường quốc vũ trụ vào năm 2030. Bắc Kinh hiện dành khoảng 8 tỷ USD mỗi năm cho hàng không vũ trụ, chỉ sau mức chi cho lĩnh vực này của Mỹ.

Việc Trung Quốc trở thành quốc gia đầu tiên đưa tàu thăm dò lên vùng khuất của Mặt Trăng diễn ra giữa lúc căng thẳng Mỹ-Trung đang ở mức cao chưa từng thấy, khi hai bên có sự cạnh tranh mạnh mẽ về kinh tế, công nghệ và quân sự.

Hàng không vũ trụ là một trong những lĩnh vực mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình xem là chủ chốt trong chiến lược hiện đại hóa nền kinh tế Trung Quốc. Vì vậy, Trung Quốc ưu tiên việc tự phát triển công nghệ về máy bay, tên lửa, vệ tinh và tàu vũ trụ.

Năm 2017, Trung Quốc đã bay thử nghiệm thành công máy bay chở khách đầu tiên do nước này sản xuất. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đã triển khai một hệ thống thay thế cho hệ thống định vị toàn cầu (GPS) của Mỹ. Các công ty khởi nghiệp (start-up) của Trung Quốc đang trong một cuộc đua mạnh mẽ về phóng tên lửa và tiểu vệ tinh.

Hạ cánh xuống khu vực chưa từng được thăm dò của Mặt Trăng sẽ cho phép Hằng Nga 4 nghiên cứu kỹ hơn về Mặt Trăng, bởi ở khu vực này, tàu thăm dò sẽ không phải chịu tác động điện từ của Trái Đất.

Theo hãng thông tấn Tân Hoa Xã, Hằng Nga 4 được trang bị quang phổ kế vô tuyến tần số thấp để giúp các nhà khoa học hiểu được "những ngôi sao lâu năm nhất xuất hiện như thế nào, và vũ trụ đã ra đời ra sao sau vụ nổ Big Bang". 

Ngoài ra, các nhà khoa học Trung Quốc cũng sẽ kiểm tra xem liệu thực vật có thể sinh trưởng khi được đưa lên Mặt Trăng.

Vào năm 2013, Trung Quốc từng phóng thành công tàu thăm dò Hằng Nga 3 và xe thám hiểm Thỏ Ngọc lên Mặt Trăng, và các thiết bị này đã thực hiện nghiên cứu địa chất và tài nguyên trên hành tinh này.

Tháng 5 năm nay, Trung Quốc phóng vệ tinh chuyển tiếp có tên Queqiao và hiện vệ tinh này đang di chuyển trong quỹ đạo cách Trái Đất khoảng 450.000 km, nơi cân bằng trọng lực có thể được duy trì, giúp vệ tinh này giữ đúng quỹ đạo để chuyển dữ liệu từ xe thám hiểu Mặt Trăng về Trái Đất.

Theo một cuốn sách trắng về vũ trụ công bố năm 2016, Trung Quốc có kế hoạch thăm dò Sao Hỏa vào cuối thập niên này. Ngoài ra, theo Tân Hoa Xã, Trung Quốc còn đặt mục tiêu xây dựng trạm vũ trụ riêng vào năm 2022.

Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) thì đang theo đuổi kế hoạch xây dựng một trạm không gian ở vùng gần Mặt Trăng và đưa các nhà du hành trở lại Mặt Trăng vào giữa thập niên 2020, tiến tới đưa con người lên Sao Hỏa. 

Hôm 26/11/2018, tàu vũ trụ Mars InSight của Mỹ đã hạ cánh xuống Sao Hỏa để nghiên cứu phần bên trong của hành tinh này, nhằm tìm ra câu trả lời về những ngày đầu tiên của hệ Mặt Trời.