10:41 02/03/2009

Tây Âu chi 31 tỷ USD cứu các ngân hàng Đông Âu

Mai Phương

Ba ngân hàng nhất trí bơm số tiền 31 tỷ USD vào các ngân hàng của khu vực Trung và Đông Âu trong thời gian 2 năm

Những đồng 50 Zloty của Ba Lan tại nhà máy in tiền ở Thủ đô Warsaw. Đồng tiền của nước này đã mất giá 48% so với đồng Euro từ mức đỉnh ở mùa hè năm ngoái - Ảnh: Reuters.
Những đồng 50 Zloty của Ba Lan tại nhà máy in tiền ở Thủ đô Warsaw. Đồng tiền của nước này đã mất giá 48% so với đồng Euro từ mức đỉnh ở mùa hè năm ngoái - Ảnh: Reuters.
Ngày 27/2, Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Đông Âu (EBRD), Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB), và Ngân hàng Thế giới (WB) đã nhất trí sẽ bơm số tiền 24,5 tỷ Euro, tương đương 31 tỷ USD vào các ngân hàng của khu vực Trung và Đông Âu trong thời gian 2 năm.

Quyết định giải cứu này được đưa ra trong bối cảnh các ngân hàng tại các nền kinh tế Liên Xô cũ vật lộn với lượng nợ xấu khổng lồ và tình trạng tín dụng thắt chặt, trong khi các nền kinh tế Tây Âu đã nằm gọn trong gọng kìm suy thoái.

Lãnh đạo EBRD, EIB và WB cho hay, quyết định bơm vốn cho các ngân hàng ở khu vực Trung và Đông Âu là để “triển khai sự hỗ trợ tài chính phối hợp nhanh chóng và trên quy mô lớn”, nhằm  hỗ trợ hoạt động cho vay “đặc biệt là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ” ở khu vực này.

Ông Thomas Mirow, người đứng đầu EBRD cho hay: “Trong nhiều năm qua, sự hội nhập gia tăng trong khu vực châu Âu đã trở thành nguồn gốc của sự thịnh vượng, lợi ích chung, và chúng ta cần ngăn chặn sự đảo ngược của quy trình này”.

Kế hoạch được công bố ngay trước thềm một hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp của Liên minh châu Âu (EU) diễn ra vào ngày 1/3 này nhằm bàn các giải pháp giúp các ngân hàng của châu lục vượt khủng hoảng.

Ngành ngân hàng châu Âu đang đối diện với những diễn biến xấu đi. Tập đoàn ngân hàng Lloyds Banking Group của Anh ngày 27/2 đã báo lỗ 14 tỷ USD trong năm 2008. Trước đó, Ngân hàng Royal Bank of Scotland đã thiết lập kỷ lục thua lỗ trong lịch sử doanh nghiệp Anh.

Ông Robert Zoelick, người đứng đầu WB, tuyên bố: “Đây là lúc châu Âu cần hợp sức để đảm bảo rằng thành tựu đã đạt được trong 20 năm qua không bị mất đi bởi cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay”.

Đối với các nước Trung và Đông Âu, tình trạng thắt chặt tín dụng ở Tây Âu càng khiến những thách thức kinh tế mà họ đang phải đối mặt thêm phần nghiêm trọng, do Tây Âu và là thị trường chính, vừa là nguồn cung cấp vốn lớn cho các quốc gia này.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của các nước Trung và Đông Âu năm 2008 chỉ còn 3,2% so với mức 5,4% năm 2007. Dự báo, năm nay, khu vực này tăng trưởng âm ít nhất 0,4%.

Đồng tiền của nhiều quốc gia ở đây vì thế đã sụt giảm mạnh tỷ giá so với Euro, khiến lượng nợ Euro mà các nước này đang mang càng thêm khổng lồ. Chẳng hạn, đồng Zloty của Ba Lan đã mất giá 48% so với đồng Euro từ mức đỉnh ở mùa hè năm ngoái.

Bất ổn xã hội tại Trung và Đông Âu vì thế cũng leo thang mạnh mẽ. Cuộc khủng hoảng buộc các chính phủ phải cắt giảm các dịch vụ công cộng, khiến sự bất mãn trong xã hội gia tăng theo.

Trong mấy tháng gần đây, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã đồng ý cho vay khẩn cấp tổng số tiền 50 tỷ USD cho các quốc gia gồm Iceland, Hungary, Latvia, Ukraine, Serbia và Belarus. Tuy nhiên, những khoản vay này không thể ngăn chặn được sự sụp đổ của các chính phủ Iceland và Latvia.

Việc các nước Tây Âu chi tiền cứu ngân hàng Trung và Đông Âu cũng được coi là để cứu chính mình, một phần vì khu vực Trung và Đông Âu là thị trường tiêu thụ hàng hóa cho Đông Âu.

Mặt khác, các ngân hàng Tây Âu đã cho các ngân hàng Trung và Đông Âu vay rất nhiều tiền. Nếu các ngân hàng “con nợ” này đổ vỡ, tác động tới các ngân hàng Tây Âu là rất lớn. Thời gian qua, nhiều tổ chức xếp hạng tín nhiệm lớn đã lên tiếng cảnh báo đánh tụt hạng tín nhiệm nhiều ngân hàng Tây Âu vì những bất ổn gia tăng ở Trung và Đông Âu.

Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, nếu xét tới khoản nợ 1.700 tỷ USD mà các ngân hàng ở Trung và Đông Âu đang mang, khoản hỗ trợ 31 tỷ USD lần này chỉ như “muối bỏ bể”.

(Theo IHT)