Thâm hụt thương mại vật tư nông nghiệp
Giá trị nhập khẩu nông, lâm, thủy sản và vật tư nông nghiệp tháng 3/2019 đạt 2,55 tỷ USD, trong đó, nhập khẩu nhiều nhất chủ yếu là các vật tư đầu vào để phục vụ chăn nuôi, trồng trọt, sản xuất nông nghiệp
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trong 3 tháng đầu năm 2019, cả nước ta chi 7,25 tỷ USD để nhập khẩu vật tư nông nghiệp và nông lâm thủy sản, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2018. Do nhập khẩu tăng mạnh, trong khi xuất khẩu suy giảm nên cán cân thương mại ngành nông lâm ngư nghiệp trong quý đầu năm nay chỉ thặng dư 1,552 tỷ USD, giảm 27,6% so với cùng kỳ năm trước
Tuy nhiên, nếu xét từng ngành hàng trong quý 1/2019, nhiều nhóm sản phẩm vẫn đang xuất siêu, như: gỗ và sản phẩm gỗ có thặng dư gần 1,02 tỷ USD (tăng 14,9% so với 3 tháng đầu năm 2018); thủy sản thặng dư 845,3 triệu USD (tăng 6,5%); rau quả thặng dư 303,9 triệu USD (giảm 24,2% so với cùng kỳ năm trước); mặt hàng điều thặng dư 160,5 triệu USD (tăng 22,1%); cao su thặng dư 132,6 triệu USD (tăng 24,2%)...
Trong nhóm các sản phẩm có cán cân thương mại ở trạng thái thâm hụt, nhóm hàng thức ăn gia súc và nguyên liệu có mức chênh lệch giữa giá trị nhập khẩu và giá trị xuất khẩu là 529,3 triệu USD, tăng 7,3% so với thâm hụt thương mại cùng kỳ năm 2018. Ngoài ra, nhóm hàng chăn nuôi cũng có giá trị nhập khẩu vượt giá trị xuất khẩu 344 triệu USD, tăng tới 27,5% so với thâm hụt thương mại cùng kỳ năm 2018.
Giá trị nhập khẩu nông, lâm, thủy sản và vật tư nông nghiệp tháng 3/2019 đạt 2,55 tỷ USD, đưa tổng giá trị nhập khẩu 3 tháng đầu năm đạt 7,25 tỷ USD tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2018.
Trong đó, nhập khẩu nhiều nhất chủ yếu là các vật tư đầu vào để phục vụ chăn nuôi, trồng trọt, sản xuất nông nghiệp. Ước tính khối lượng nhập khẩu phân bón các loại trong tháng 3/2019 đạt 292 nghìn tấn với giá trị 76 triệu USD. Lũy kế 3 tháng, khối lượng và giá trị phân bón nhập khẩu đạt 989 nghìn tấn và 283 triệu USD, tăng 5,9% về khối lượng và tăng 9,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.
Nhóm mặt hàng vật tư nông nghiệp nhập khẩu nhiều nhất vẫn là thức ăn gia súc và nguyên liệu. Trong tháng 3/2019, nước ta chi tới 346 triệu USD để nhập khẩu nhóm này, đưa tổng giá trị thức ăn gia súc và nguyên liệu nhập khẩu 3 tháng đầu năm lên 960 triệu USD, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2018.
Thuốc bảo vệ thực vật cũng là nhóm vật tư nguyên liệu quan trọng, lệ thuộc nhiều vào nguồn nhập khẩu. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, kim ngạch nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật và nguyên liệu trong tháng 3/2019 đạt 70 triệu USD, đưa tổng giá trị nhập khẩu mặt hàng này trong 3 tháng đầu năm 2019 lên 192 triệu USD, giảm 6,1% so với cùng kỳ năm 2018.
Theo Cục Bảo vệ thực vật, trong 5 năm gần đây, mỗi năm Việt Nam nhập khẩu khoảng 500 triệu USD thuốc bảo vệ thực vật và nguyên liệu từ Trung Quốc. Nhập khẩu nguyên liệu thuốc bảo vệ thực vật đang tăng nhanh từ nhiều nguồn như Mỹ, Anh, Malaysia (20%), Ấn Độ...
Nhưng điều khiến nhiều người lo lắng hơn cả là hiện nay, trong số trên 1.700 hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật với khoảng 4.080 tên thương phẩm, tới 80% sản phẩm đang lưu hành trên thị trường Việt Nam có thành phần chính là các chất hóa học độc hại cho môi sinh, cũng như sức khỏe của con người. Bởi vậy, Cục Bảo vệ thực vật phải thường xuyên sàng lọc, để đưa các hóa chất quá độc hại ra khỏi danh mục các chất được phép nhập khẩu và sử dụng.
Trong năm 2017, Cục Bảo vệ thực vật đã tham mưu cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn loại bỏ 6 hoạt chất. Năm 2018, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có quyết định tiếp tục loại bỏ 4 hoạt chất ra khỏi Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam gồm Acephate, Diazinon, Malathion, Zinc phosphide.
Đặc biệt, mới đây, ngày 10/4/2019, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ban hành Quyết định số 1186/QĐ-BNN-BVTV về việc loại bỏ thuốc bảo vệ thực vật chứa hoạt chất Glyphosate ra khỏi Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam. Ngay sau khi Quyết định 1186 được ký, việc nhập khẩu Glyphosate vào Việt Nam sẽ bị cấm hoàn toàn, còn việc sử dụng sẽ được kéo dài thêm 1 năm.
Ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết, Glyphosate là hoạt chất có tác dụng diệt cỏ hiệu quả cao và được sử dụng rộng rãi trên thế giới, nhưng mức độc hại của nó đã được cảnh báo từ lâu.
Để phát triển bền vững, quan điểm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trong tương lai là quản lý cỏ dại chứ không phải diệt trừ cỏ dại để bảo vệ tài nguyên đất nhằm mục đích phát triển nông nghiệp theo hướng an toàn, bền vững. Thực tế cho thấy, việc tiết giảm khối lượng nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật hóa học có vai trò rất lớn từ các doanh nghiệp.
Do đó, bên cạnh quản lý chặt chẽ khâu nhập khẩu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng chiến lược kinh doanh theo hướng tăng dần tỷ trọng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học, thảo mộc, an toàn cho sức khỏe cộng đồng và thân thiện với môi trường.