10:04 19/11/2007

Than đá sẽ thành "vua năng lượng"

Quốc Trung

Theo báo cáo "Triển vọng Năng lượng thế giới năm 2007", Than đá sẽ là "vua năng lượng" ở các nền kinh tế đang nổi vào năm 2030

Than đá, nguồn năng lượng gây ô nhiễm môi trường.
Than đá, nguồn năng lượng gây ô nhiễm môi trường.
Than đá sẽ là "vua năng lượng" ở các nền kinh tế đang nổi vào năm 2030, Trung Đông và Nga sẽ trở thành những nhà cung cấp dầu mỏ chủ chốt, các nền kinh tế Trung Quốc, Ấn Độ sẽ chiếm phần lớn trong mức tăng nhu cầu năng lượng thế giới.

Báo cáo về "Triển vọng Năng lượng thế giới năm 2007" của IEA vừa công bố, đã chỉ ra các xu hướng thay thế dài hạn, hình thành nên chính sách năng lượng toàn cầu trong giai đoạn từ nay tới năm 2030.

Than đá thành “vua năng lượng”

Nền kinh tế thế giới đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng do giá dầu thô tăng cao. Vì vậy, IEA dự đoán, các nhà máy nhiệt điện sử dụng than đá, được coi là nguyên nhân chính làm gia tăng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trong những năm qua, sẽ tiếp tục là mô hình cung cấp điện chính ở Trung Quốc và Ấn Độ trong tương lai.

IEA nhận định, để đáp ứng với mức tăng trưởng cao trong những năm gần đây, nhu cầu tiêu thụ than đá của thế giới sẽ tăng mạnh tới 75% trong giai đoạn từ nay đến năm 2030. Trung Quốc và Ấn Độ, vốn đã chiếm tới 45% lượng than tiêu thụ của toàn cầu, dự kiến sẽ chiếm 4/5 mức tăng nói trên. Nhu cầu năng lượng của Trung Quốc và Ấn Độ sẽ tăng hơn gấp đôi trong giai đoạn 2005-2030.

Kể từ sau năm 2010, Trung Quốc sẽ vượt Mỹ trở thành nước tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới và các vấn đề ô nhiễm sẽ càng trở nên nghiêm trọng hơn. Báo cáo năm nay đã đem lại ít hy vọng cho những nước tìm kiếm bước đột phá về công nghệ cắt giảm mạnh lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính và sử dụng nguồn nhiên liệu sạch và mới.

IEA đề xuất hai phương án: Thứ nhất là "chính sách thay thế", trong đó các chính phủ áp dụng những giải pháp tăng hiệu quả sử dụng năng lượng và cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Thứ hai là kiềm chế tăng trưởng, trong đó kinh tế Ấn Độ và Trung Quốc chỉ duy trì tăng trưởng ở mức 6%/năm. Tuy nhiên, theo tính toán, hiệu quả của cả hai mô hình trên đều không cao. Nếu theo mô hình "thay thế", đến năm 2030 lượng khí CO2 sẽ vẫn tăng hơn 25% so với hiện nay, trong khi mô hình "tăng trưởng" còn ít khả quan hơn.

Mỹ không còn “thống trị” về tiêu thụ năng lượng

Hiện bốn đối thủ lớn cạnh tranh vị thế cường quốc kinh tế của Mỹ là Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc (gọi chung là BRICs) đã thế chân Mỹ thống trị ngành công nghiệp năng lượng toàn cầu và bắt đầu lan sang các ngành khác như bảo hiểm và tiêu dùng.

Vào cuối cuộc chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất năm 1991, trong số 20 công ty lớn nhất trong ngành năng lượng thì 55% tổng giá trị thị trường thuộc về Mỹ và 45% thuộc về châu Âu. Nhưng trong năm 2007, 35% trong số 20 công ty năng lượng lớn nhất là của các nước BRICs, 35% thuộc về châu Âu và 30% còn lại là của Mỹ. Đồng thời tỉ lệ này cũng đang bắt đầu xuất hiện ở ngành công nghiệp mỏ, nơi 20% trong số 20 công ty hàng đầu là từ các nước BRICs.

Mặc dù Exxon Mobil của Mỹ vẫn là công ty năng lượng đầu bảng tính theo tổng giá trị thị trường nhưng xếp ngay sau nó là những công ty như PetroChina của Trung Quốc, OAO Gazprom của Nga, Petroleo Brasileiro SA hay Petrobras của Brazil,Tập đoàn dầu mỏ và khí đốt của Ấn Độ.

Các chuyên gia cảnh báo, nếu các nhà đầu tư và các doanh nghiệp Mỹ không tính đến quyền lực đang tăng lên của các nước BRICs trong nền kinh tế toàn cầu, họ sẽ đánh mất tốc độ tăng trưởng đầu tư và lợi thế cạnh tranh cho công ty của họ.

Nếu như trước đây, Mỹ, Canada, Na Uy và Anh là những nước sản xuất dầu mỏ truyền thống thì nay 70% khối lượng sản xuất mới đến từ các nước ngoài OECD. Thứ hai, nhiều công ty năng lượng Mỹ đã được mua lại. Và một nhân tố nữa là sự giảm sút số lượng kỹ sư xăng dầu ở Mỹ.