13:54 01/07/2008

“Tháng 7 sẽ không có sốt giá”

Xuân Hương

Nhận định của Cục trưởng Cục Quản lý giá Nguyễn Tiến Thỏa về tình hình giá cả trong tháng 7 này

"Trong bối cảnh hiện nay thì việc điều chỉnh phải tính tới mục tiêu ưu tiên kiềm chế lạm phát, chứ không thể nào tăng đồng loạt được, không cho phép tăng đồng loạt."
"Trong bối cảnh hiện nay thì việc điều chỉnh phải tính tới mục tiêu ưu tiên kiềm chế lạm phát, chứ không thể nào tăng đồng loạt được, không cho phép tăng đồng loạt."
Tốc độ tăng 2,14% của chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 6 đã giảm bớt so với các tháng trước.

Có nhiều nguyên nhân, trong đó có một số nguyên nhân cơ bản là: cung cầu hàng hoá đặc biệt những hàng hoá thiết yếu được đảm bảo, không để xảy ra sốt hàng; các chính sách thắt chặt tiền tệ và dư nợ tín dụng tiến triển tốt...

Nhưng quan trọng hơn cả, theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), là Chính phủ đã tìm ra đúng nguyên nhân và đưa ra được những giải pháp chữa trị đúng nguyên nhân đó. Nói cách khác, 8 nhóm giải pháp của Chính phủ chính là liều thuốc hữu hiệu góp phần kiềm chế tốc độ tăng giá tiêu dùng.

Điều chỉnh giá, nhưng vẫn ưu tiên kiềm chế lạm phát

Theo lệ thường, 6 tháng cuối năm là "thời điểm vàng" của những đợt tăng giá. Theo ông, ở thời điểm đó, các nhóm giải pháp của Chính phủ liệu còn phù hợp và phát huy tác dụng?


Nếu nói xu hướng 6 tháng cuối năm thì theo quy luật hàng năm giá ở quý 2, 3 vẫn dịu nhưng có thế nhích vào quý 4 do nhu cầu tăng chuẩn bị cho những ngày lễ lớn, ngày Tết. Thêm vào đó, khối lượng tiền tệ phải giải ngân ra cũng lớn do sức mua của dân tăng. Đó sẽ là nhân tố gây sức ép tăng giá nhất định.

Nhưng với những giải pháp Chính phủ đã đề ra, nếu chúng ta vẫn tiếp tục triển khai cho tốt thì vẫn có tác dụng kiềm chế tăng giá tiêu dùng, đặc biệt chính sách tài chính, tiền tệ.

Có ý kiến cho rằng chúng ta nên nghiên cứu thêm một số giải pháp cho phù hợp tình hình cuối năm?


Vấn đề ở chỗ là những giải pháp Chính phủ đã đề ra là đúng rồi. Nhưng quan trọng là ở liều luợng thực thi ở từng tháng, từng quý nó xuất hiện. Những tháng cuối năm chúng ta sẽ phải tăng liều lượng.

Ví dụ, hiện tại đang là mùa mưa, nhu cầu xi măng, sắt thép xây dựng có thể chững lại, nhưng tới tháng cuối năm, nhu cầu hàng hoá thiết yếu phục vụ tiêu dùng tăng. Dựa vào đó, chúng ta đưa ra những giải pháp điều chỉnh cung - cầu ở từng thời điểm, từng thời kỳ. Sức mua khác nhau, nên liều lượng áp dụng mỗi giải pháp ở mỗi thời điểm nó phải khác nhau.

Thêm vào đó, hiện mới chỉ có 40 tỉnh báo cáo cắt giảm đầu tư. Từ nay tới cuối năm, những tỉnh chưa làm thì các cơ quan phải đôn đốc, rà soát tiếp, tăng cường kiểm tra mạnh.

Rất nhiều doanh nghiệp cho rằng khoảng thời gian vừa qua là thời điểm khó khăn cho doanh nghiệp. Bởi, việc giữ giá khiến doanh nghiệp không có lãi, không có vốn tái đầu tư sản xuất. Ông nghĩ sao về điều này?


Vừa rồi Chính phủ đã có văn bản nêu rõ sẽ tạm thời giữ giá điện, nước sạch, giá vận chuyển khách bằng xe bus công cộng… tới hết năm 2008.

Còn những mặt hàng trong diện bình ổn giá đợt trước thì lần này cho phép điều chỉnh giá, nhưng không phải họ muốn điều chỉnh giá kiểu gì cũng được.

Vấn đề ở chỗ là trên cơ sở tiết giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất lao động… đến khi doanh nghiệp áp dụng mọi biện pháp đó rồi mà tình hình tài chính vẫn khó khăn, sản xuất vẫn bị lỗ thì cho phép họ điều chỉnh, điều chỉnh làm sao cho tốc độ điều chỉnh không được vượt quá tốc độ tăng giá đầu vào chính.

Rõ ràng quan điểm của Chính phủ là vẫn gỡ cho doanh nghiệp, không để doanh nghiệp lỗ, gây ách tắc dẫn tới việc không có hàng. Nhưng trong bối cảnh hiện nay thì việc điều chỉnh phải tính tới mục tiêu ưu tiên kiềm chế lạm phát, chứ không thể nào tăng đồng loạt được, không cho phép tăng đồng loạt.

Giá xăng dầu: Chưa thể trả lời là sẽ điều chỉnh hay không


Theo thông tin từ các đầu mối cung cấp hàng về các siêu thị thì tính tới thời điểm cuối tháng 6 vẫn không có sự điều chỉnh về giá. Liệu đó có phải là dấu hiệu cho thấy sang tháng 7, giá cả hàng tiêu dùng không có biến động lớn?


Chúng tôi cho rằng tình hình giá tiêu dùng tháng 7 sẽ vẫn tương đối bình ổn.

Lý do là trong rổ hàng hóa để tính chỉ số giá tiêu dùng, hàng ăn uống và dịch vụ ăn uống chiếm tới 42,8% và quyết định tới 80% tốc độ tăng của chỉ số giá tiêu dùng.

Trong khi đó, như chúng ta thấy, tình hình sản xuất nông nghiệp đang rất khả quan. Sản xuất lúa ở miền Bắc được mùa và ở miền Nam cũng hứa hẹn được mùa. Khả năng còn dư trên 4 triệu tấn gạo xuất khẩu.

Về dịch bệnh gây ảnh hưởng đến nguồn cung thực phẩm, chúng ta đã kiểm soát được, chỉ còn lại một số nơi, nhưng không đáng kể. Xu hướng giá thực phẩm cũng sẽ không tăng mạnh, có nhích, nhưng không tăng mạnh.

Trong tháng 7, thiên tai mưa bão có thể xảy ra, cũng có thể gây khó khăn cho công tác vận chuyển, lưu thông hàng hóa giữa các vùng bị thiên tai, nhưng cơ bản sẽ không có mất cân đối cung cầu trên tổng thể, cho nên cũng sẽ không có những cơn sốt giá xảy ra.

Đó là những yếu tố nội tại, còn tác động của các tác nhân bên ngoài thì sao thưa ông, ví dụ như giá dầu thế giới chẳng hạn?


Với giá xăng dầu, theo tinh thần Chính phủ đã báo cáo Quốc hội, trong trường hợp giá thế giới tăng cao quá mà ngân sách Nhà nước không chịu nổi, thì cũng phải tính tới việc chia sẻ giữa người tiêu dùng với Nhà nước và doanh nghiệp.

Nhưng với giá xăng dầu, Nhà nước vẫn là người bù lỗ lớn để giảm thiểu tác động tới sản xuất kinh doanh của cả nền kinh tế, giảm thiểu khó khăn cho sản xuất, người tiêu dùng.

Điều này đồng nghĩa là trong tháng 7 về cơ bản chúng ta cũng sẽ chưa có điều chỉnh giá xăng dầu trong nước?


Bây giờ cũng chưa thể trả lời được là có hay không.

Bởi tình hình thế giới là việc bất khả kháng. Khi giá thế giới tăng cao quá không thể chịu được, các nước đều đã điều chỉnh rồi. Trung Quốc hay các nước có trợ cấp về xăng dầu cũng đã điều chỉnh rồi. Nên nếu Việt Nam có điều chỉnh thì cũng là việc bình thường.

Hiện tại chúng ta cũng không nên nói thời điểm nào sẽ tăng giá xăng dầu. Tất nhiên bây giờ Chính phủ cũng đã nhìn ra giá xăng dầu trong nước càng thấp thì bù càng lớn. Nếu giá dầu như hiện tại thì chúng ta đã phải bù lỗ gấp hai lần năm 2007. Nếu giá dầu thế giới tiếp tục lên cao nữa thì số tiền Nhà nước bù lỗ sẽ phải lên tới 48 đến 50 nghìn tỷ đồng riêng cho dầu, chưa nói về xăng.

Vẫn biết rằng số tiền bù lỗ đang rất lớn, chênh lệch giữa giá xăng dầu Việt Nam với các nước xung quanh đang rất lớn, buôn lậu xăng dầu qua biên giới đang hoành hành. Nhưng chúng ta cũng phải tính tới sức chịu đựng của nền kinh tế, để tới một thời điểm nào đó, thì mình có thể “nhích” thêm một chút, để bớt căng thẳng giữa giá trong nước với giá thế giới.

Việc tăng giá, theo tôi, cũng gây sức ép đến các doanh nghiệp sử dụng xăng dầu, để họ tính toán việc sử dụng sao cho hợp lý hơn.