Thấy gì từ dòng vốn đổ vào các start-up Việt trong quý 1/2021?
Mặc dù số lượng các thương vụ đầu tư vào start-up Việt trong quý 1/2021 giảm nhưng tổng số tiền đầu tư lại tăng so với cùng kỳ năm trước...
Theo báo cáo quý 1 mới được Nextrans- Quỹ đầu tư mạo hiểm đến từ Hàn Quốc công bố, trong 3 tháng đầu năm 2021 ghi nhận có 16 thương vụ đầu tư vào các start-up Việt Nam với tổng giá trị các khoản đầu tư đạt khoảng 150 triệu USD.
GIẢM LƯỢNG, TĂNG CHẤT
Cụ thể, có 16 thương vụ đầu tư thành công. Con số này giảm 20% so với cùng kỳ năm 2020 (20 thương vụ) và giảm gần một nửa so với thành tích 30 thương vụ của Quý I/2019. Bên cạnh đó, tổng giá trị các khoản đầu tư dù vẫn còn thua xa mốc kỷ lục gần 300 triệu USD của cùng kỳ năm 2019 nhưng cũng đã tăng trưởng hơn so với năm 2020.
Tổng giá trị nhận đầu tư trong 3 tháng qua của startup Việt đã tăng 34% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt khoảng 150 triệu USD, tăng 50% so với mức 100 triệu USD trong quý 1/2020.
Nextrans cho biết, các thương vụ đầu tư hầu hết tập trung vào vòng hạt giống và series A, chiếm 69% và cũng vượt trội so với cùng kỳ các năm trước.
Xét theo lĩnh vực, mảng công nghệ tài chính (fintech) được các nhà đầu tư quan tâm nhiều nhất, chiếm tới 4 thương vụ. Các mảng “hot” tiếp theo là giáo dục, logistics, chăm sóc sức khỏe, bất động sản. Fintech đang nổi lên và ghi nhận nhiều thương vụ đầu tư nhất, trong đó, nổi bật là sự kiện MoMo gọi vốn thành công vòng series D với giá trị 100 triệu USD. Số tiền khoảng 50 triệu USD còn lại chia cho 15 thương vụ khác.
Một số thương vụ gọi vốn khác đáng chú ý trong quý 1 như: Dương Minh Logistics gọi 15 triệu USD; GotIt 6 triệu USD, DatBike 2,6 triệu USD, Genetica 2,5 triệu USD, Go2Joy 2,3 triệu USD, GoStream 1 triệu USD…
NHIỀU START-UP TRƯỞNG THÀNH HƠN
Từ những con số tình hình đầu tư vào các start-up trong quý 1 vừa qua, Giám đốc Quỹ đầu tư mạo hiểm Nextrans tại Việt Nam Lê Hàn Tuệ Lâm nhận xét, mỗi năm đều có những "deal" thu hút vốn cao hơn hẳn, át các thương vụ khác. Ví dụ như năm nay có deal của Momo đã thu hút tới 100 triệu USD.
Nếu xét trên quãng đường mà hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam đã đi thì năm 2019 là năm bùng nổ cả về số lượng cũng như giá trị các thương vụ đầu tư lớn. Nhìn thực tế khi hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam bắt đầu tư năm 2015-2016 thì đến nay là thời điểm chín muồi và có nhiều startup trưởng thành hơn. Do đó ở các thương vụ gọi vốn, các startup này sẽ gọi vốn đầu tư lớn hơn từ 5-10 triệu USD; thậm chí những công ty như Momo đã lên đến trăm triệu USD…
Đây là sự trưởng thành tất nhiên của các start-up mà không phải ngẫu nhiên. Và nếu nhìn theo tiến trình phát triển thì trong những năm tiếp theo, giá trị các thương vụ đầu tư sẽ còn tiếp tục cao hơn nữa theo hướng đi lên, bà Lâm nhận định.
Hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam bắt đầu tư năm 2015-2016 thì đến nay là thời điểm chín muồi và có nhiều startup trưởng thành hơn. Do đó ở các thương vụ gọi vốn, các startup này sẽ gọi vốn đầu tư lớn hơn.
Chia sẻ về thực tế này, ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc điều hành Sihub (không gian hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng đang có sự chuyển biến tương đối tích cực. Sau một thời gian đã có một số lượng các công ty khởi nghiệp giai đoạn sớm (Early Stage) có thể phát triển lên các vòng gọi vốn series A, B,… Xu hướng trong gần 2 năm trở lại đây, các start-up đi vào tính thị trường tốt hơn. Các dự án khởi nghiệp mang tính phong trào đã giảm dần và có nhiều dự án đã thất bại. Những start-up nào còn tồn tại được thì sẽ sống khỏe, phát triển và tiếp tục gọi được vốn.
Theo chuyên gia, những startup này đã phát triển và đang dần chuẩn hóa doanh nghiệp và tăng tốc lên một cấp độ cao hơn. Đây cũng là đối tượng rất phù hợp với mục tiêu đầu tư của các quỹ. Các nhà đầu tư cũng có xu hướng thích đầu tư những start-up liên quan đến các lĩnh vực công nghệ tài chính (fintech), internet vạn vật (IoT), công nghệ giáo dục, nền tảng trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn…
Qua thực tế đầu tư hiện nay, bà Lâm phân tích, xét về lĩnh vực thu hút vốn thì Fintech và thương mại điện tử ở Việt Nam đang là 2 lĩnh vực có xuất phát và lịch sử lâu nhất. Ở lĩnh vực fintech có “đàn anh” là Momo, VNPAY và thương mại điện tử có Tiki, Sendo… đã phát triển tạo nền tảng vững chắc để các start-up đi sau có thể thu hút được vốn đầu tư. Do đó, lượng vốn đầu tư vào các start-up lĩnh vực này nhiều hơn cũng là điều hiển nhiên.
Ngoài ra, cũng có một số lĩnh vực bắt đầu thu hút sự quan tâm chú ý của các nhà đầu tư hiện nay như: các start-up liên quan đến người dùng, giáo dục, logistics…
Một chuyên gia hỗ trợ đầu tư khởi nghiệp dự báo, không chỉ năm nay mà trong những năm tiếp theo các mảng này sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư vì đang được đánh giá là có rất nhiều tiềm năng. Việc lựa chọn, chọn lọc đầu tư như thế nào phụ thuộc vào chiến lược của từng nhà đầu tư và từng quỹ.