Thấy gì từ khoản phạt 580 triệu USD với Evergrande vì khai khống doanh thu?
Khoản phạt được cho là một tín hiệu cho thấy nhà chức trách Trung Quốc đang có lập trường cứng rắn hơn với thị trường bất động sản. Dự báo sẽ có thêm nhiều khoản phạt nữa...
Theo Nikkei Asia, Uỷ ban Điều tiết chứng khoán Trung Quốc (CSRC) ngày 19/3 ra quyết định phạt Hengda Real Estate – công ty con của tập đoàn bất động sản Evergrande – 4,2 tỷ nhân dân tệ (580 triệu USD) vì khai khống doanh thu trong hai năm 2019-2020.
Là tập đoàn bất động sản nợ nhiều nhất thế giới, Evergrande là tâm điểm của cuộc khủng hoảng bất động sản tại Trung Quốc. Hengda Real Estate, công ty con chủ lực của tập đoàn này tại thị trường Trung Quốc đại lục, bị cáo buộc khai khống tổng cộng 564 tỷ nhân dân tệ (78 tỷ USD) trong năm 2019 và 2020 với mức tăng khống lần lượt là 50% và 78%. Công ty này bị nghi ngờ sử dụng các báo cáo tài chính được “thổi phồng” này để phát hành trái phiếu, huy động 20,8 tỷ nhân dân tệ từ nhà đầu tư.
CSRC cáo buộc Evergrande khai khống doanh thu 2 năm nói trên với việc ghi nhận trước doanh thu từ các hợp đồng chưa hoàn tất. Thậm chí từ trước năm 2021, tập đoàn này được cho là ghi nhận cả doanh thu từ những căn nhà đang được xây dựng. Theo CSRC, chịu trách nhiệm chính cho sai phạm này là ông Hứa Gia Ấn, nhà sáng lập kiêm cựu Chủ tịch Evergrande. Ông bị cho là người đã chỉ đạo cấp dưới làm sai lệch số liệu trong báo cáo tài chính.
“Evergrande nhiều khả năng đã khai tăng doanh thu trong suốt cả một thập kỷ. Tập đoàn này có thể chưa từng có đồng lợi nhuận nào”, công ty nghiên cứu kế toán GMT Research có trụ sở tại Hồng Kông, nhận xét trong một báo cáo công bố vào tháng 12 năm ngoái.
Evergrande cho biết sẽ không phản đối quyết định của CSRC. Tuy nhiên, khoản phạt làm gia tăng áp lực giữa thời điểm quan trọng khi tập đoàn này đang nỗ lực vực dậy hoạt động.
Ông Hứa Gia Ấn hiện bị cấm đảm nhiệm bất kỳ vị trí quản lý nào trong các công ty niêm yết vĩnh viễn, bao gồm vị trí trong hội đồng quản trị. Ông cũng bị một tòa án cấm chi tiêu các khoản tiền lớn cho hàng hóa, dịch vụ xa xỉ, bao gồm bất động sản, máy bay cá nhân hay học phí trường tư cho các con.
PwC, công ty thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính các năm tới năm 2020 của Evergrande dự kiến sẽ đối mặt các cuộc điều tra từ nhà chức trách.
Trước đó, giữa bão khủng hoảng của thị trường bất động sản, vào tháng 12/2021, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Đông, nơi Evergrande đặt trụ sở, cử một đội giám sát tới trụ sở tập đoàn. Đồng thời, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC), Cơ quan quản lý tài chính quốc gia Trung Quốc (NFRA) cũng như Bộ Nhà ở và Phát triển Đô thị – Nông thôn Trung Quốc đồng loạt thông báo sẽ hỗ trợ tỉnh Quảng Đông đảm bảo một cuộc “hạ cánh mềm” cho Evergrande khi đó đang gánh “bom nợ” 300 tỷ USD.
Tuy nhiên, tập đoàn này đã không thể thuyết phục các chủ nợ nhất trí với kế hoạch tái cơ cấu khối nợ trái phiếu quốc tế của mình. Vào ngày 29/1/2024, một tòa án ở Hồng Kông buộc Evergrande thanh lý tài sản để trả nợ.
Trước phán quyết của tòa án Hồng Kông, ông Hứa Gia Ấn được cho là cố gắng bảo vệ tài sản bằng việc ly hôn vợ. Bên cạnh đó, những hình ảnh bị rò rỉ về cuộc sống xa hoa của con trai ông Hứa khiến dư luận bất bình.
Đánh giá khoản phạt của Bắc Kinh với công ty con của Evergrande, luật sư Hiroshige Nakagawa của hãng luật Anderson Mori & Tomotsune, cho rằng đây có thể là một tín hiệu cho thấy nhà chức trách Trung Quốc đang có lập trường cứng rắn hơn với thị trường bất động sản và sẽ có những động thái quyết liệt hơn nhằm quản lý lĩnh vực này.
“Có vẻ chương trình nghị sự mới của Chính phủ sẽ không loại trừ việc phạt hay tái cơ cấu quyết liệt các công ty bất động sản. Sau Evergrande có thể sẽ còn nhiều khoản phạt nữa”, ông Nakagawa dự báo.
Hồi đầu năm, nhà chức trách Trung Quốc công bố một “danh sách trắng” gồm các dự án bất động sản đủ điều kiện nhận hỗ trợ tài chính. Theo đó, tập đoàn bất động sản hàng đầu Country Garden Holdings có 272 dự án nằm trong danh sách này, tính tới ngày 15/3. Tập đoàn này đang hành động quyết liệt nhằm xoa dịu công chúng, trong đó có việc giảm lương thưởng cho chủ tịch Yang Huiyan xuống còn 120.000 nhân dân tệ/năm (khoảng 16.600 USD). Trong khi đó, Evergrande không công bố có bao nhiêu dự án nằm trong danh sách trắng.
"Các công ty phát triển bất động sản mất khả năng thanh toán và không thể hoạt động nên được tuyên bố phá sản hoặc thực hiện tái cơ cấu theo nguyên tắc thị trường”, Bộ trưởng Bộ trưởng Nhà ở và Phát triển Đô thị – Nông thôn Trung Quốc Ni Hong nhấn mạnh bên lề cuộc họp Quốc hội Trung Quốc hồi đầu tháng này. "Những hành vi gây nguy hại cho công chúng phải được điều tra và trừng phạt theo pháp luật, khiến người thực hiện hành vi đó phải trả giá xứng đáng”.
Theo các nhà phân tích, thời gian quan Bắc Kinh chưa thực hiện các biện pháp pháp lý do nhằm tránh gây ra hiệu ứng phá sản dây chuyền trên thị trường bất động sản và gây ảnh hưởng tới hệ thống tài chính. Mặt khác, nhà chức trách cũng thận trọng trước làn sóng phản đối của dư luận với Chính phủ khi hỗ trợ Evergrande, công ty được cho là một trong những nguyên nhân gây ra bong bóng giá nhà ở Trung Quốc.
Chính phủ muốn giải quyết vấn đề một cách từ từ mà không gây hoảng loạn trên thị trường. Bởi vậy, dù để cho một số công ty bất động sản lớn vỡ nợ và phá sản, Bắc Kinh đồng thời cố gắng trợ giá nhà đất và thúc đẩy nhu cầu trên thị trường như giảm lãi suất thế chấp mua nhà, nới lỏng một số điều kiện mua nhà…