Từng giàu nhất Trung Quốc, nhà sáng lập Evergrande không còn là tỷ phú
Từng có 42 tỷ USD cách đây 5 năm, ông Hứa Gia Ấn hiện chỉ còn số tài sản ròng chưa đầy 1 tỷ USD...
Không chỉ bị quản thúc, ông Hứa Gia Ấn - nhà sáng lập công ty bất động sản China Evergrande Group - còn đang chứng kiến khối tài sản ròng cá nhân “bốc hơi” chóng mặt. Từng là người giàu nhất Trung Quốc, ông Hứa hiện không còn là một tỷ phú USD - hãng tin Bloomberg cho hay.
Theo số liệu từ xếp hạng tỷ phú Bloomberg Billionaires Index, giá trị tài sản ròng của ông Hứa hiện còn 979 triệu USD, khi giá cổ phiếu của Evergrande - doanh nghiệp bất động sản nợ nhiều nhất thế giới - chỉ còn 0,24 đôla Hồng Kông (0,03 USD)/cổ phiếu. Kể từ khi được giao dịch trở lại ở Sở giao dịch chứng khoán Hồng Kông (HSE) vào cuối tháng 8 tới nay, giá cổ phiếu này đã giảm 86%.
Việc ông Hứa còn bao nhiêu tài sản có vẻ không còn là điều quan trọng trong bối cảnh nhà chức trách mở một cuộc điều tra để làm sáng tỏ nghi vấn ông có hành vi phạm pháp. Tuy nhiên, mức tài sản của vị doanh nhân này là mối quan tâm lớn của các chủ nợ đang xoay đủ mọi cách để hạn chế thiệt hại từ một trong những vụ sụp đổ doanh nghiệp lớn nhất trong lịch sử Trung Quốc.
Việc ông Hứa không còn là tỷ phú cũng minh hoạ rõ nét cho “cú ngã” sau khi ông phất lên “như diều gặp gió” trong suốt hơn 1 thập kỷ phát triển bùng nổ của thị trường bất động sản Trung Quốc. Ở giai đoạn đỉnh cao vào năm 2017, ông Hứa sở hữu khối tài sản ròng 42 tỷ USD, không chỉ giàu nhất ở Trung Quốc mà còn giàu thứ hai ở châu Á.
So với thời điểm đó, tài sản của ông Hứa hiện đã giảm 98% - theo số liệu của Bloomberg. Hiện tại, ông đang chịu sự giám sát của cảnh sát, khiến Evergrande - công ty đã vỡ nợ vào năm 2021 và xin bảo hộ phá sản ở Mỹ hồi tháng 8 năm nay - không thể đưa ra một kế hoạch tái cơ cấu nợ rõ ràng và khả thi.
Một “bài kiểm tra” lớn đối với Evergrande sẽ đến vào cuối tháng này, thậm chí có thể khiến ông Hứa gần như mất trắng tài sản. Đó là khi Evergrande phải ra hầu toà ở Hồng Kông trong một vụ kiện mà các chủ nợi đòi thanh lý tài sản công ty.
Nếu toà án đưa ra phán quyết Evergrande phải giải thể, nhà chức trách sẽ tiến hành bán tài sản của công ty và thu về tiền mặt để trả cho nhà đầu tư - theo luật sư Jonathan Leitch của công ty luật Hogan Lovells ở Hồng Kông.
“Có thể chủ nợ sẽ giành lấy Evergrande và cổ đông sẽ mất trắng”, ông Leitch nói. Tuy nhiên, vị luật sư cũng nói rằng nếu ông Hứa giữ được chức vụ trong Evergrande và công ty triển khai được việc tái cơ cấu nợ, ông vẫn sẽ còn một chút vốn cổ phần.
Trong một diễn biến bất lợi khác đối với ông Hứa, Chủ tịch Evergrande, vợ ông là bà Ding Yumei được xác định là bên thứ ba độc lập trong một công bố thông tin hồi tháng 8. Đây là dấu hiệu của một vụ ly hôn và chia tài sản.
Bà Ding sở hữu cổ phần 6% trong Evergrande, trị giá khoảng 24 triệu USD, thông qua một công ty đặt ở British Virgin Islands, thành lập năm 2009,v niêm yết tại thị trường chứng khoán Hồng Kông, và do bà nắm kiểm soát 100%. Trước đây, trong các công bố thông tin của Evergrande, cổ phần của bà Ding được ghi là cổ phần của vợ ông Hứa. Giờ đây, bà Ding trở thành một người hưởng lợi không có liên quan tới ông Hứa.
Với mức cổ phần như trên, bà Ding được cho là đã thu được hơn 500 triệu USD cổ tức qua các năm. Hiện chưa rõ tài sản của ông Hứa và bà Ding sẽ được phân chia như thế nào.
Sau khi nhà chức trách kêu gọi, ông Hứa đã cam kết sẽ dùng tài sản cá nhân để trả bớt nợ công ty. Một dinh thự ở Hồng Kông của ông đã được giao cho chủ nợ và đang được rao bán với giá 880 triệu đôla Hồng Kông.