Thấy gì từ việc Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc vào cuộc đàm phán với Mỹ?
Câu hỏi đặt ra lúc này là sự tham gia của ông Chung Sơn sẽ ảnh hưởng như thế nào đến lập trường của Trung Quốc
Trên bàn đàm phán thương mại Mỹ-Trung, bất đồng trong những vấn đề chính vẫn ngổn ngang. Tuy nhiên, một câu hỏi lớn về vòng đàm phán chuẩn bị diễn ra ở Thượng Hải là sự tham gia của Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc, ông Chung Sơn.
Trong hơn một năm qua, ông Chung xuất hiện rất hạn chế trong các cuộc thương thảo giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, gần đây, ông đã tham gia vào hai cuộc điện đàm với các nhà đàm phán thương mại cấp cao nhất của Mỹ là Đại diện thương mại (USTR) Robert Lighthizer và Bộ trưởng Bộ Tài chính Steven Mnuchin.
Vào ngày thứ Ba tuần tới, khi các nhà đàm phán hai nước gặp nhau tại Thượng Hải, ông Chung có thể là một trong những quan chức dẫn đầu đoàn Trung Quốc. Việc ông Chung nắm vai trò ngày càng lớn trong cuộc đàm phán nhằm kết thúc cuộc chiến thương mại đang phủ bóng lên tăng trưởng kinh tế toàn cầu khiến nhiều người tò mò về ông.
Theo hãng tin Bloomberg, ông Chung thực ra không phải là một nhân vật xa lạ với nhiều quan chức Mỹ, trong đó có ông Lighthizer. Đại diện thương mại Mỹ đã nhiều lần tiếp xúc với vị Bộ trưởng Trung Quốc tại các hội nghị thượng đỉnh quốc tế trong 2 năm qua.
Theo một quan chức cấp cao chính quyền Tổng thống Donald Trump, ông Chung được phía Mỹ đánh giá là một nhà đàm phán có năng lực và chuyên nghiệp.
Vị này cũng nói không rõ đâu là lý do Bắc Kinh đưa ông Chung tới bàn đàm phán thương mại với Mỹ. Câu hỏi đặt ra lúc này là sự tham gia của ông sẽ ảnh hưởng như thế nào đến lập trường của Trung Quốc. Ông Chung là một người có quan điểm cứng rắn, rất có thể sẽ khiến các cuộc thảo luận trở nên căng thẳng hơn từ chỗ vốn dĩ đã căng thẳng hiện nay.
Dù không đề cập trực tiếp đến ông Chung, cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow gần đây đã nhiều lần cảnh báo rằng sự tham gia của "những nhân vật có đường lối cứng rắn" vào đội ngũ đàm phán thương mại của Trung Quốc có thể cản trở nỗ lực đạt thỏa thuận, theo đó có thể dẫn tới việc ông Trump áp thêm thuế lên hàng hóa Trung Quốc như đã cảnh báo.
Một số chuyên gia không tỏ ra bi quan như vậy. Ông Clete Willems, người cho tới tháng 4 năm nay vẫn còn giữ cương vị Phó giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Nhà Trắng, nói rằng việc đưa ông Chung vào cuộc đàm phán có thể không phải là tín hiệu tồi cho một thỏa thuận cuối cùng.
"Có thể xảy ra một số gián đoạn trong ngắn hạn do hai bên phải điều chỉnh cho phù hợp với sự xuất hiện của nhân vật mới trên bàn đàm phán, nhưng sự xuất hiện đó có thể giúp ích bởi sẽ mang lại sự thống nhất quan điểm trong toàn bộ hệ thống chính trị Trung Quốc", ông Willems nói.
Tuy nhiên, kể từ khi đàm phán thương mại Mỹ-Trung lâm vào bế tắc từ đầu tháng 5, ông Chung có những phát biểu có phần gay gắt hơn.
"Mỹ đã châm ngòi xung đột thương mại với Trung Quốc. Họ vi phạm các quy tắc của WTO và là điển hình của chủ nghĩa đa phương và chủ nghĩa bảo hộ", ông Chung nói trên tờ Nhân dân Nhật báo mới đây. "Chúng ta cần giữ vững tinh thần đấu tranh và bảo vệ vững chắc lợi ích của đất nước và nhân dân, chúng như hệ thống thương mại đa phương".
Ông Chung vốn là một người có quan hệ gắn bó lâu năm trong công việc với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ông từng là Phó chủ tịch tỉnh Chiết Giang vào năm 2003 và làm việc dưới quyền ông Tập - người khi đó giữ cương vị Bí thư tỉnh ủy. Năm 2008, ông Chung về Bắc Kinh đảm nhiệm cương vị Thứ trưởng Bộ Thương mại. Năm 2013, ông được bổ nhiệm là đại diện thương mại quốc tế của Trung Quốc và tham gia đàm hán nhiều thỏa thuận tự do mậu dịch đa phương.
Cho dù sự tham gia của ông Chung có thể thay đổi cục diện đàm phán thương mại Mỹ-Trung ra sao, giới chuyên gia đặt kỳ vọng thấp vào vòng đàm phán tuần tới.
"Hai bên đã không gặp trực tiếp suốt hai tháng rưỡi qua, và họ sẽ phải một một thời gian để lấy lại đà đàm phán đã mất trong khoảng thời gian đó", ông Willems nhận xét.