11:00 28/04/2008

Thế giới nghèo thêm vì kinh tế suy thoái và “bão giá”

Quốc Trung

Biến đổi khí hậu liên tục gây mất mùa, kinh tế toàn cầu ảm đạm, giá lương thực tăng vọt... làm gia tăng số người nghèo trên thế giới

Tình trạng mất mùa đang xảy ra tại nhiều nơi trên thế giới.
Tình trạng mất mùa đang xảy ra tại nhiều nơi trên thế giới.
Biến đổi khí hậu liên tục gây mất mùa, kinh tế toàn cầu ảm đạm, giá lương thực tăng vọt... làm gia tăng số người nghèo trên thế giới. Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki Moon vừa cảnh báo, có thể mục tiêu xóa đói nghèo do Liên hiệp quốc đặt ra vào năm 2015 sẽ bị chậm lại.

Tại Hội nghị Liên hiệp quốc về Thương mại và Phát triển vừa diễn ra ở Ghana, các quan chức và các nhà ngoại giao thế giới đều cho rằng, việc các nước đặt ra các mục tiêu thiên niên kỷ hồi tháng 9/2000 có thể là quá mức. Khi đó nền kinh tế thế giới đang trên đà phát triển mạnh, những tác động của tình trạng biến đổi khí hậu chưa nghiêm trọng và lan rộng như hiện nay.

Khó khăn chồng chất khó khăn

Ở thời điểm này, tiến trình giảm đói nghèo không thể tiến nhanh, do kinh tế ảm đạm, giá năng lượng và thực phẩm tăng cao, dự trữ lương thực ở mức thấp lịch sử, thời tiết khắc nghiệt gắn với tình trạng biến đổi khí hậu.

Bão tuyết ở Trung Quốc, hạn hán và những đợt nóng cao bất ngờ ở Nam Á, lụt lội, thiên tai phá hoại mùa màng ở nhiều nơi... đã làm giảm đáng kể sản lượng lúa gạo, lương thực. Giá gạo Thái Lan - được làm chuẩn cho quốc tế - đã tăng lên 1.000 USD/tấn. Trong 6 tháng gần đây, giá lúa mỳ tăng 120%, đậu tương tăng 75% và ngô tăng 60%.

Giám đốc điều hành Chương trình lương thực thế giới (WFP) Josette Sheeran cảnh báo, đã có những dấu hiệu cho thấy “Chúng ta đang bước vào một kỷ nguyên đói mới”. Tháng 3/2008, WFP đã kêu gọi cộng đồng quốc tế quyên góp thêm 500 triệu USD để đáp ứng nhu cầu cứu đói năm 2008 do giá lương thực và nhiên liệu tăng cao.

Đánh giá về chặng đường thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ thời gian qua, Chủ tịch Đại hội đồng Liên hiệp quốc, Srgjian Kerim, nói: “Chúng ta hiện còn chậm và nhìn chung đã làm được quá ít. Liệu đã đi được một nửa chặng đường hay chưa còn tuỳ thuộc vào lăng kính tiếp cận theo góc độ nào”. Ông Kerim cũng chỉ rõ sự tụt hậu do tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại, các chính phủ quản lý yếu kém, tình trạng “thắt cổ chai” trong hợp tác chống đói nghèo giữa các quốc gia.

Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Robert Zoellick cũng thừa nhận rằng tiến độ thực hiện các mục tiêu của Liên hiệp quốc đang trở nên chậm chạp hơn do giá thực phẩm và năng lượng tăng cao.

Mục tiêu “thiên niên kỷ” vẫn xa vời

Ông cho biết, các nước đang phải chịu những tác động đan xen. Một số nước được hưởng lợi như Nigeria, Angola nhờ giá năng lượng cao hơn, nhưng lại tạo ra các thách thức khác là vấn đề sử dụng tài nguyên đó ra sao. Một số nước khác có khoáng sản để bù đắp như Zambia có đồng, nhưng nhiều nước lại không có.

Trong khi đó, Đại sứ Anh tại Liên hiệp quốc, John Sawers cho rằng không phải các nước không có khả năng thực hiện được mục tiêu xoá đói, nghèo, song trên phạm vi toàn cầu, chúng ta chưa làm đủ. Mỗi năm chúng ta đã cứu được hơn 3 triệu trẻ em, nhưng vẫn còn 72 triệu trẻ không được đến trường. Chúng ta đã giúp 2 triệu người nhận được thuốc chữa trị AIDS, nhưng vẫn còn một nửa thế giới đang phát triển chưa được tiếp cận với các điều kiện vệ sinh cơ bản - nguồn gốc dẫn đến bệnh tật.

Những con số thống kê cho thấy, các mục tiêu của Liên hiệp quốc là giảm một nửa vào năm 2015 vẫn còn xa vời. Khoảng 41% số người sống ở vùng Nam sa mạc Sahara châu Phi vẫn chỉ sống dưới ngưỡng 1 USD/ngày. Các mục tiêu khác bao gồm phổ cập giáo dục cho toàn bộ bé trai cũng như bé gái; giảm thêm 2/3 tỷ lệ tử vong của trẻ em dưới 5 tuổi; ngăn chặn và giữ gìn tránh lây lan bệnh sốt rét và HIV/AIDS... tuy có đạt một số kết quả, song tình trạng thất học, bệnh tật vẫn nghiêm trọng.

Mặc dù có khoảng 570 triệu trẻ em cấp tiểu học cắp sách đến trường, nhưng vẫn còn tới 72 triệu trẻ em khác với hơn một nửa là bé gái sống ở các nước cận sa mạc Sahara, Nam và Tây Á, không được đi học. Chỉ có 4 trong số 46 nước cận sa mạc Sahara đang trên đường giảm tỷ lệ tử vong trẻ em từ mức hiện nay là 160/1.000. Ở Nam Á, tỷ lệ này đã giảm xuống 83/1.000 và 29/1.000 ở Đông Á; 27/1.000 ở Mỹ Latin.

Số các trường hợp bị lao ở khu vực châu Phi cận sa mạc Sahara đã tăng lên 490/1.000 người vào năm 2005, so với con số 331 vào năm 1990. Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki Moon khẳng định, Nam Sahara châu Phi là khu vực khó đạt được mục tiêu giảm nghèo nhất, đặc biệt trong nỗ lực giảm tỷ lệ tử vong khi sinh. Các chuyên gia cho rằng, để đạt được toàn bộ 8 mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hiệp quốc, tốc độ thực hiện cần phải được đẩy mạnh nhanh chóng.