Thế giới sẽ có người sở hữu nghìn tỷ USD trong 10 năm tới
Oxfam — tổ chức viện trợ và phát triển toàn cầu có trụ sở tại Anh quốc — đưa ra nhận định này trong báo cáo thường niên về bất bình đẳng mới công bố ngày 14/1...
Theo báo cáo của Oxfam, những năm gần đây, 5 tỷ phú giàu nhất hành tinh ngày càng giàu lên. Từ tháng 3/2020 đến tháng 11/2023, tổng tài sản của các tỷ phú này tăng 114%, lên 896 tỷ USD (đã điều chỉnh theo lạm phát).
Cụ thể, ông Elon Musk, CEO của hãng xe điện Tesla, SpaceX và vài công ty khác, là người kiếm nhiều tiền nhất những năm gần đây. Tính từ tháng 3/2020 đến 30/11/2023, tài sản của tỷ phú này đã tăng 737%, lên 245,5 tỷ USD.
Theo sau ông Musk là tỷ phú Pháp Bernard Arnault, chủ tịch “đế chế” hàng xa xỉ LVMH với tài sản tăng 111% lên 191,3 tỷ USD.
Cũng trong giai đoạn trên, ông Jeff Bezos, người sáng lập công ty thương mại điện tử Amazon, có tài sản tăng thêm 24%, lên 167,4 tỷ USD, tăng 24%. Còn ông Larry Ellison, người sáng lập công ty công nghệ Oracle, sở hữu tài sản 145,5 tỷ USD, tăng 107%. Cũng nằm trong top 5 người giàu nhất hành tinh, ông Warren Buffett, CEO công ty đầu tư Berkshire Hathaway, chứng kiến tài sản tăng thêm 48% lên 119,2 tỷ USD.
Theo báo cáo của Oxfam, từ năm 2020, tổng tài sản của các tỷ phú trên thế giới tăng 34%, lên 3.300 tỷ USD. Trong đó, riêng tài sản của các tỷ phú Mỹ tăng thêm 1.600 tỷ USD.
“Nếu xu hướng này tiếp diễn, thế giới sẽ có người sở hữu nghìn tỷ USD đầu tiên trong một thập kỷ tới”, báo cáo của Oxfam nhận định.
Trong khi đó, có gần 5 tỷ người trên thế giới ngày càng nghèo đi khi phải đối mặt với lạm phát và cuộc khủng hoảng khí hậu. Báo cáo nhận định, theo quỹ đạo hiện tại, thế giới sẽ phải mất gần 230 năm để xóa nghèo.
Báo cáo của Oxfam sử dụng dữ liệu từ Tạp chí Forbes, được đưa ra đúng thời điểm khai mạc sự kiện thường niên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại Davos, Thụy Sỹ — nơi quy tụ các nhà lãnh đạo toàn cầu cũng như lãnh đạo doanh nghiệp, người giàu nhất thế giới.
“Dù tình trạng bất bình đẳng vẫn đang có xu hướng gia tăng, nhưng vẫn có một số điểm sáng. Người lao động đang thể hiện sức mạnh của mình thông qua các cuộc biểu tình và thỏa thuận để có mức lương và điều kiện làm việc tốt hơn. Bên cạnh đó, một số chính phủ cũng đứng về phía họ với việc thúc đẩy các chính sách nhằm gia tăng quyền của người lao động”, ông Nabil Ahmed, giám đốc phụ trách công bằng kinh tế và chủng tộc của Oxfam America, cho biết.
Trở lại với các tỷ phú, lợi nhuận của doanh nghiệp tăng mạnh những năm qua đã giúp tài sản của nhóm này lên nhanh chóng. Theo Oxfam, có 7/10 công ty niêm yết lớn nhất thế giới có tỷ phú là CEO hoặc cổ đông chính.
Đáng chú ý, nhóm 1% người giàu nhất thế giới hiện nắm giữ 43% tài sản tài chính của thế giới - theo dữ liệu từ Wealth X. Tại Mỹ, nhóm này nằm giữ 32% tổng tài sản. Tỷ lệ này ở châu Á là 50%, Trung Đông là 48% còn châu Âu là 47%.
Theo Oxfam, trong giai đoạn từ tháng 6/2022 đến tháng 6/2023, 148 công ty lớn nhất thế giới thu về tổng lợi nhuận gần 1.800 tỷ USD. Con số này cao hơn 52,5% so với mức bình quân trong gia đoạn năm 2018-2021. Trong đó, các doanh nghiệp dầu khí, dược phẩm và tài chính có lợi nhuận 2 năm qua cao hơn so với bình quân những năm trước đó.
Oxfam kêu gọi các chính phủ vào cuộc để phân phối lại của cải, giải quyết vấn đề bất bình đẳng trong xã hội.
“Các chính phủ có thể kiểm soát quyền lực của các doanh nghiệp và sự bất bình đẳng, bằng cách điều chỉnh thị trường theo hướng công bằng hơn và không bị kiểm soát bởi các tỷ phú”, ông Amitabh Behar, quyền giám đốc điều hành tại Oxfam International, nhấn mạnh trong một tuyên bố. “Các chính phủ phải can thiệp để xóa bỏ sự độc quyền, trao quyền cho người lao động, đánh thuế với những khoản lợi nhuận khổng lồ này của doanh nghiệp, và quan trọng hơn là đầu tư vào một kỷ nguyên mới với hàng hóa và dịch vụ công cộng”.