Thêm công cụ đẩy nhanh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước
Quyết định 22/2021/QĐ-TTg quy định tiêu chí phân loại doanh nghiệp có vốn nhà nước được xem là công cụ pháp lý quan trọng để các cơ quan đại diện chủ sở hữu có căn cứ, đề xuất hình thức sắp xếp doanh nghiệp nhà nước trong giai đoạn tới...
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 22/2021/QĐ-TTg quy định tiêu chí phân loại, doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại, thoái vốn giai đoạn 2021 - 2025.
Đây được xem là công cụ pháp lý quan trọng để các cơ quan đại diện chủ sở hữu có căn cứ, đề xuất hình thức sắp xếp và cũng là một công cụ để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh thoái vốn và cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước vẫn “ì ạch” suốt thời gian qua và không đạt mục tiêu đề ra.
Theo đó, “tinh thần” phân cấp, phân quyền trong công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước được thể hiện rất rõ nét trong Quyết định. Cụ thể, đối với doanh nghiệp cấp 1 (các công ty mẹ trong nhóm công ty mẹ - con và công ty độc lập), Thủ tướng Chính phủ sẽ phê duyệt hình thức sắp xếp. Còn đối với doanh nghiệp cấp 2 (công ty con trong nhóm công ty mẹ - con), thì công ty mẹ được quyền chủ động đưa ra phương án sắp xếp căn cứ vào hiệu quả hoạt động và vai trò của doanh nghiệp.
Ngoài ra, Quyết định này chỉ ban hành tiêu chí phân loại, không bao gồm danh sách cụ thể doanh nghiệp nhà nước thực hiện sắp xếp nhằm mục tiêu sớm ban hành tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước tạo khung pháp lý cho các bộ, ngành, địa phương rà soát để có định hướng sắp xếp.
Bên cạnh đó, quyết định cũng bổ sung quy định các bộ ngành trong chức năng, nhiệm vụ được phân công có trách nhiệm chủ động sửa đổi hoặc đề xuất với cơ quan có thẩm quyền sửa đổi các quy định có liên quan nhằm giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình sắp xếp.
“Điều này tạo ra sự linh hoạt trong triển khai thực hiện thông qua việc cơ quan đại diện chủ sở hữu chủ động đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét một số trường hợp”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết.
Cũng theo Thứ trưởng Trần Duy Đông, sau Quyết định số 22, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan trên cơ sở đề xuất của cơ quan đại diện chủ sở hữu của các bộ, ngành địa phương sẽ tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch tổng thể sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước 5 năm tới.
Trong đó, đối với các doanh nghiệp cấp 1 có khoảng 500 doanh nghiệp thực hiện theo các hình thức như duy trì là doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; cổ phần hoá theo tỷ lệ tương ứng (trên 50% đến dưới 65% vốn điều lệ và trên 65% vốn điều lệ); thoái vốn; 7 đề án tái cơ cấu của 6 tập đoàn (VNPT, EVN, PVN, TKV, Vinachem, Viettel) và SCIC trong giai đoạn 2021-2025, trong đó có định hướng sắp xếp các doanh nghiệp cấp 2 của các tập đoàn, tổng công ty này. Các cơ quan đại diện chủ sở hữu, công ty mẹ sẽ được phân cấp phê duyệt hơn 1.000 doanh nghiệp cấp 2, cấp 3 tại các đề án tái cơ cấu doanh nghiệp.
“Việc ban hành và triển khai thực hiện Quyết định 22/2021/QĐ-TTg, hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý với doanh nghiệp nhà nước sẽ tiếp tục được nâng cao về việc tiếp tục tăng cường tính công khai, minh bạch trong quản lý nhà nước với doanh nghiệp nhà nước; tăng cường phân cấp, phân quyền, tạo sự chủ động cho các cơ quan đại diện chủ sở hữu trong công tác sắp xếp”, Thứ trưởng Trần Duy Đông khẳng định.