02:18 13/04/2009

Thêm hai ngân hàng Mỹ “sập tiệm”

Kiều Oanh

Một trong hai ngân hàng “sập tiệm” lần này đã đánh dấu vụ đổ vỡ ngân hàng lớn nhất tại Mỹ từ đầu năm tới nay

Các nhà chức trách Mỹ vừa làm thủ tục đóng cửa thêm hai ngân hàng của nước này, nâng con số ngân hàng bị giải thể tại Mỹ từ đầu năm tới nay lên 23.

Đáng chú ý, một trong hai ngân hàng “sập tiệm” lần này đã đánh dấu vụ đổ vỡ ngân hàng lớn nhất tại Mỹ từ đầu năm tới nay.

Cơ quan Bảo hiểm tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC) cho biết, vào ngày 10/4 họ đã tiếp quản Ngân hàng Cap Fear Bank ở bang North Carolina và Ngân hàng New Frontier Bank of Greeley ở bang Colorado. Cap Fear là ngân hàng đầu tiên đổ vỡ ở North Carolina trong vòng gần 16 năm qua, trong khi New Frontier là ngân hàng thứ hai bị đóng cửa ở Colorado trong năm 2009 này.

New Frontier có tổng tài sản 2 tỷ USD và nắm giữ lượng tiền gửi của khác là 1,5 tỷ USD, trong đó khoảng 4 triệu USD có thể vượt quá mức trần bảo hiểm tiền gửi 250.000 USD mỗi tài khoản mà FDIC hiện đang áp dụng. Với số tài sản trên, New Frontier là ngân hàng lớn nhất bị đóng cửa ở Mỹ từ đầu năm tới nay. Trước đó, vị trí này thuộc về ngân hàng County Bank of Merced ở bang California với tài sản 1,7 tỷ USD.

FDIC không tìm được khách mua lại New Frontier Bank và phải chuyển đổi ngân hàng này thành một tổ chức có tên Deposit Insurance National Bank of Greeley và giao cho ngân hàng Bank of the West ở bang California quản lý tổ chức này. Deposit Insurance National Bank of Greeley sẽ mở cửa trong vòng 30 ngày để các khách hàng của ngân hàng New Frontier có thời gian để mở tài khoản tại các ngân hàng được FDIC bảo hiểm khác.

Tuy nhiên, ngân hàng Cape Fear đã được ngân hàng First Federal Savings and Loan Association of Charlesto ở South Carolina mua lại. Toàn bộ 8 chi nhánh của Cape Fear sẽ mở cửa trở lại vào đầu tuần tới với tư cách là chi nhánh của First Federal.

Cape Fear có 492 triệu USD tài sản và 403 triệu USD tiền gửi của khách. First Federal sẽ tiếp quản toàn bộ lượng tiền gửi này và mua lại khoảng 468 triệu USD tài sản. FDIC sẽ giữ lại phần tài sản còn lại để tìm khách mua nốt.

Như vậy, từ đầu năm tới nay, nước Mỹ đã có 23 ngân hàng bị đóng cửa, gần bằng mức 25 ngân hàng bị giải thể trong năm 2008. Đây là kết quả của tỷ lệ khách hàng cá nhân và doanh nghiệp của các ngân hàng không ngừng gia tăng do giá nhà lao dốc và tỷ lệ thất nghiệp tăng giữa lúc kinh tế Mỹ suy thoái sâu.

FDIC dự tính, vụ đóng cửa Cape Fear sẽ khiến quỹ bảo hiểm tiền gửi hao hụt 131 triệu USD, trong khi vụ giải thể New Frontier sẽ khiến quỹ này mất thêm 670 triệu USD. Tính tới cuối năm 2008, quỹ của FDIC chỉ còn 18,9 tỷ USD, thấp nhất trong vòng 25 năm, so với mức 52,4 tỷ USD ở cuối năm 2007.

Cũng ở thời điểm cuối năm ngoái, FDIC liệt 252 ngân hàng vào danh sách ngân hàng có nguy cơ đổ vỡ, tăng gần gấp rưỡi so với mức 171 ngân hàng ở thời điểm cuối quý 3/2008. FDIC cho biết, từ năm nay tới năm 2013, các vụ đổ vỡ ngân hàng có thể khiến quỹ của cơ quan này thiệt hại 65 tỷ USD.

Nguồn quỹ của FDIC là phí bảo hiểm do các ngân hàng được cơ quan này bảo hiểm đóng góp. Quỹ bảo hiểm này không dùng tới ngân sách của Chính phủ liên bang. Thời gian gần đây, FDIC đã tăng phí bảo hiểm trong nỗ lực làm đầy quỹ.

(Theo AP, AFP)