12:54 25/10/2007

Thép: Thừa công suất mà vẫn khan hiếm

Nghịch lý của ngành thép Việt Nam hiện nay là đang thừa công suất rất lớn nhưng vẫn xảy ra tình trạng khan hiếm hàng

Giá thép thời gian qua biến động không nhiều, nhưng người tiêu dùng vẫn khó mua vì không có hàng.
Giá thép thời gian qua biến động không nhiều, nhưng người tiêu dùng vẫn khó mua vì không có hàng.
Tình trạng khan hiếm hàng đã làm giá bán lẻ thép xây dựng trên thị trường có lúc lên đến 15 triệu đồng/tấn. Đây là điều nghịch lý vì ngành thép Việt Nam vẫn đang thừa công suất rất lớn. Vì sao vậy?

>>“Giảm thuế nhập khẩu thép có thể là con dao hai lưỡi”

Hơn một tháng qua, Chính phủ đã thực hiện nhiều biện pháp hành chính và kinh tế nhằm kìm hãm tốc độ tăng giá thép trên thị trường, như giảm thuế nhập khẩu, tiến hành kiểm tra các cơ sở sản xuất, khống chế giá bán ra tại các doanh nghiệp thép của Nhà nước.

Nhưng bất chấp mọi nỗ lực đó, thị trường thép vẫn không hạ nhiệt, mà trái lại còn lên cơn sốt. Tại khu vực Tp.HCM, trong những tuần lễ đầu tháng 10/2007 vừa qua, đã có lúc giá bán lẻ thép xây dựng vọt lên gần 15 triệu đồng tấn.

Ông Phước, một nhà thầu xây dựng, cho biết: “Giá thép tại các nhà máy thời gian qua biến động không nhiều, chỉ khoảng 10,5 - 11 triệu đồng/tấn, nhưng chúng tôi không mua được, vì họ không đủ hàng”.

Đây là nguyên nhân chính khiến cho thép bị đầu cơ và đẩy giá lên rất cao. Đến nay, thị trường thép xây dựng đã hạ nhiệt, nhưng giá bán lẻ vẫn còn ở mức trên 13 triệu đồng/tấn.

Ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, nói: “Nhu cầu thép xây dựng của Việt Nam trong năm 2007 vào khoảng 4,2 triệu tấn, tăng tới 20% so với năm trước. Đây là mức tăng bất ngờ, vì đầu năm hiệp hội chỉ dự báo nhu cầu tăng tối đa cho năm nay là 15%”.

Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh đây không phải yếu tố gây nên sự khan hiếm thép xây dựng ở thị trường Tp.HCM, vì ngành thép Việt Nam chỉ mới khai thác được khoảng một nửa công suất thiết kế và không khó để tăng sản lượng trong thời gian ngắn. Nhưng đã có một số bất ngờ xảy ra ngoài dự đoán.

Ông Cường nói: “Thép cuộn của Trung Quốc nhập về Việt Nam đột ngột giảm mạnh mà không rõ nguyên nhân, làm cho nguồn cung trên thị trường bị thiếu hụt trong thời gian ngắn”.

Thêm vào đó, tin từ Công ty Thép miền Nam cho biết, lò nấu thép lớn nhất Việt Nam, chiếm gần một phần mười sản lượng thép của cả nước, của công ty ở Phú Mỹ bị hỏng, phải chờ chuyên gia Ý đến sửa chữa mất một tháng, làm lượng thép xuất xưởng của doanh nghiệp này giảm đáng kể.

Những sự cố trên rơi vào đúng thời điểm mức tiêu thụ thép ở khu vực tăng vọt, do có nhiều cao ốc và công trình xây dựng lớn đồng loạt khởi công.

Bên cạnh đó, thị trường thép xây dựng lớn nhất nước là ở phía Nam, tập trung chủ yếu quanh khu vực Tp.HCM, nhưng phần lớn năng lực sản xuất thép lại tập trung ở miền Bắc. Do vậy, trong thời gian ngắn, các công ty không kịp chuyển hàng vào để bù đắp lỗ hổng cung - cầu.

Giá phôi thép trên thị trường thế giới tăng cũng là nguyên nhân chính gây nên cơn sốt giá vừa qua. Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, trong tháng 9/2007 đã có lúc phôi nhập khẩu lên đến 618 USD/tấn, tăng gần 100 USD so với một tháng trước đó.

Trong khi đó, các doanh nghiệp nhà nước lại bị khống chế về giá bán, khiến cho họ càng sản xuất càng lỗ. Riêng Công ty Thép miền Nam, có tháng bị lỗ trên 20 tỉ đồng. Theo tính toán của ông Phạm Chí Cường, với giá phôi khoảng 600 USD/tấn, thì giá thành thành phẩm phải đến 11,4 triệu đồng/tấn.

Việc Chính phủ cho tiến hành kiểm tra các doanh nghiệp sản xuất thời gian qua cũng có thể làm cho nhiều công ty tư nhân không dám tăng giá, nhưng họ lại phản ứng bằng cách hạn chế tăng sản lượng nhằm giảm thiệt hại. Tốc độ tăng sản lượng thép xây dựng sản xuất ra trong những tháng gần đây giảm mạnh là một minh chứng. Như vậy, biện pháp hành chính của Nhà nước đã gây tác dụng ngược.

Việc để cho thị trường bị khan hiếm, dù chỉ là khan hiếm cục bộ và diễn ra trong thời gian ngắn, khiến cho giá cả leo thang, trong khi năng lực sản xuất của ngành thép còn dư thừa, là điều không thể chấp nhận. Điều đó cho thấy công tác quản lý vĩ mô và dự báo thị trường của Việt Nam còn kém cỏi.

Ngoài ra, áp dụng các biện pháp hành chính mà chưa cân nhắc kỹ, gây nên tác dụng ngược, là kinh nghiệm cần được đúc kết để tránh xảy ra tình trạng tương tự trong tương lai.

Cơn sốt giá thép vừa qua đã gây thiệt hại không ít cho cả Nhà nước và người dân. Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), trong chín tháng đầu năm nay Nhà nước đã phải điều chỉnh tăng 1.800 tỉ đồng chi phí cho các dự án xây dựng do giá vật tư tăng.

Hiện nay, diễn biến giá phôi thép trên thị trường thế giới đang có chiều hướng hạ nhiệt. Ở thời điểm cuối tháng 10/2007, giá phôi nhập khẩu đã giảm còn 570 - 580 USD/tấn. Tại thị trường nội địa, giá thép xây dựng bán tại xưởng khoảng 10,6 triệu đồng/tấn.

Tuy nhiên, do giá dầu thế giới tăng cao, nên nhiều khả năng các nhà máy sẽ lại tăng giá bán, cho dù phôi thép đã giảm đôi chút. Giám đốc một công ty thép cho biết, dự kiến đến đầu tháng 11 tới một loạt công ty sẽ điều chỉnh tăng giá sản phẩm của họ.