Thích ứng tình hình mới, doanh nghiệp tăng tốc nối lại sản xuất
Nghị quyết 128 quy định hoạt động sản xuất được duy trì trong tất cả các cấp độ dịch khác nhau. Điều này đã mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp tăng tốc sản xuất những tháng cuối năm…
Tuần qua, cộng đồng đồng doanh nghiệp đều bày tỏ vui mừng về Nghị quyết 128 vừa ban hành. Bởi với các quy định mới này, doanh nghiệp sẽ thoát được nỗi lo hoạt động sản xuất có thể bị đứt gãy, ổn định tâm lý để sản xuất kinh doanh, tăng tốc cho kịp những đơn hàng cuối năm và vẫn đảm bảo sản xuất an toàn trong bối cảnh mới.
Để sản xuất kinh doanh trở lại, yếu tố đầu tiên các doanh nghiệp phải tính đến là yếu tố con người. Nghị quyết số 128 như một cú hích cho các địa phương và doanh nghiệp giải quyết một phần quan trọng về nút thắt thiếu lao động, khi giao thông đi lại được thuận tiện thông suốt hơn, các địa phương sẽ tạm thời không áp dụng Chỉ thị 15, 16 và 19, nhân lực tại các nhà máy sẽ đầy đủ hơn.
Tại Hà Nội, gần 100% doanh nghiệp đã ổn định sản xuất, lượng công nhân đạt khoảng 95%. Nhiều doanh nghiệp đã thực hiện ngày làm 3 ca, năng suất lao động hiện nay đã tăng gấp đôi so với tháng trước. "Nghị quyết 128 của Chính phủ mới ban hành sẽ là động lực để doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh. Mảng nguyên liệu chúng tôi cũng đã chuẩn bị rất nhiều; hiện công ty đang tuyển dụng thêm nhân viên cốt cán để phục vụ sản xuất những tháng cuối năm," Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dược phẩm Megapharco Nguyễn Đăng Mạnh chia sẻ.
Tương tự tại Vĩnh Phúc, không khí làm việc tại các khu công nghiệp cũng rất sôi động. Đại diện một doanh nghiệp cho biết, sau Nghị quyết 128 được ban hành, công nhân đã đến nhà máy làm việc nhiều hơn, việc lưu thông hàng hóa thuận tiện hơn. Năng suất lao động cũng cao hơn.
"Bình quân 9 tháng đầu năm của 230 doanh nghiệp Hàn Quốc chúng tôi đã tăng trưởng 9%. Từ nay đến 9 năm, chúng tôi sẽ tích cực và nỗ lực để sản xuất để đạt kết quả tốt hơn. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ lập kế hoạch chuẩn bị cho sản xuất của năm tới với việc phát triển các sản phẩm mới", Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Vĩnh Phúc Han Jung Ho chia sẻ.
Với Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ cùng nhiều giải pháp hỗ trợ của thành phố, các doanh nghiệp ở Đà Nẵng cũng đã bắt đầu trong trạng thái bình thường mới và không còn nỗi lo đứt gãy chuỗi cung ứng trong hoạt động sản xuất.
Bà Trần Thị Uyên Sa - Giám đốc sản xuất của Cty TNHH Đà Nẵng Telala - cho biết: “Hiện không chỉ chúng tôi mà toàn bộ cộng đồng doanh nghiệp Đà Nẵng đều hết sức vui mừng với việc Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 để kịp thời tháo gỡ các vướng mắc. Tới đây, chúng tôi sẽ không còn nỗi lo không hoàn thành đơn hàng cũng như chuỗi cung ứng bị đứt gãy như thời gian qua”.
Tại TP.HCM, đến nay đã có 83% các doanh nghiệp trong khu chế xuất, khu công nghiệp đã trở lại sản xuất với quy mô trên 60%. Số còn lại sản xuất trở lại với quy mô gần 18%.
Theo ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Cơ khí Duy Khanh (TP.HCM), đến nay, đã có hơn 90% người lao động của công ty đi làm trở lại. "Doanh nghiệp đang chuyển dần từ mô hình "3 tại chỗ" sang mô hình “3 xanh”, tức là nhà máy xanh, nhà trọ xanh, người lao động xanh, để phù hợp với tình hình mới. Người lao động rất phấn khởi khi được trở lại nhà máy làm việc," ông Tống cho biêt.
Có thể nói, Nghị quyết 128 đã trao quyền chủ động hơn, linh hoạt hơn cho các cơ sở phòng chống dịch. Các doanh nghiệp cũng đã ý thức được việc này, nên hệ thống y tế tại chỗ cũng đã được kích hoạt, sẵn sàng cho mọi tình huống. Trong các đơn vị sản xuất, các yếu tố về phòng chống dịch như đeo đồ bảo hộ, giữ khoảng cách cũng được các doanh nghiệp thực hiện.
"TP. Hà Nội sẽ tạo mọi điều kiện để các chuyên gia người nước ngoài có thể sớm quay trở lại làm việc, cũng như đảm bảo thích ứng an toàn trong phòng chống dịch," Phó Trưởng ban Quản lý các Khu công nghiệp và Chế xuất thành phố Hà Nội Trần Anh Tuấn nói.
Ông Nguyễn Chánh Phương, Tổng Thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (Hawa) cho rằng việc phân loại cấp độ dịch (4 cấp) là điểm tích cực nhất của Nghị quyết 128. Các nhà mua hàng quốc tế nhìn vào đó có thể dự báo được các kịch bản ứng phó của Việt Nam với diễn biến dịch bệnh có thể xảy ra. Thậm chí ngay cả trong tình huống nguy cơ cao, doanh nghiệp cũng biết rằng không phải dừng sản xuất toàn bộ.
Đồng quan điểm, Luật sư Nguyễn Trọng Hiệp, Giám đốc Công ty Luật HPVN, cho biết việc lưu thông vận chuyển hàng hóa nội tỉnh, liên tỉnh đều được hoạt động ở cả 4 cấp độ, điều này sẽ tạo điều kiện cho các chuỗi cung ứng được hoạt động hiệu quả. Nghị quyết cũng quy định lại các cấp độ dịch cũng như các biện pháp phòng chống dịch, hoạt động sẽ “đóng” hoặc “mở” tùy theo cấp độ dịch từng cấp, từ xã trở lên.
Chính vì vậy, giới chuyên gia cho rằng, đây là bước chuyển hướng đến chiến thắng vì Covid-19 có thể không phải là cuộc khủng hoảng cuối cùng. Việc học cách thay đổi sẽ giúp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp nói riêng thích ứng tốt hơn với những thách thức tiếp theo.