16:10 22/09/2010

Thiếu chỗ vui chơi cho trẻ em: Không hẳn do thiếu tiền!

Thúy Hằng

Nhiều cơ sở văn hóa, vui chơi, giải trí cho trẻ em phải thay đổi địa điểm hoặc phải nhường đất để chuyển mục đích sử dụng

Không chỉ thành thị mới thiếu chỗ vui chơi, giải trí cho trẻ em.
Không chỉ thành thị mới thiếu chỗ vui chơi, giải trí cho trẻ em.
Không hẳn do thiếu đất, thiếu tiền, mà lớn hơn là thiếu trách nhiệm, chế tài, kiểm tra, giám sát… nên hiệu quả đầu tư xây dựng khu vui chơi, giải trí cho trẻ em chưa đạt yêu cầu.

Bởi vậy, nhiều câu hỏi về trách nhiệm đã được đưa ra tại phiên giải trình của Chính phủ với Ủy ban Văn hóa Giáo dục thanh thiếu niên nhi đồng của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư xây dựng, quản lý và sử dụng các cơ sở văn hóa, vui chơi, giải trí cho trẻ em giai đoạn 2007 – 2009, sáng 22/9.

Theo Chủ nhiệm Đào Trọng Thi, cho đến nay, trên phạm vi cả nước và nhiều địa phương vẫn chưa xây dựng được quy hoạch tổng thể về phát triển các cơ sở văn hóa, vui chơi, giải trí cho trẻ em mà chủ yếu chỉ được lồng ghép trong quy hoạch các thiết chế văn hóa, vui chơi, giải trí phục vụ cộng đồng.

Đặc biệt, nhiều địa phương ở cả thành thị lẫn nông thôn không còn quỹ đất để bố trí xây dựng các cơ sở văn hóa, vui chơi, giải trí cho trẻ em, nhất là ở cấp xã. Trong khi đó, Chính phủ đã có quy định trách nhiệm các bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Tài nguyên và Môi trường cũng như UBND các tỉnh khá rõ ràng về vấn đề này.

Thậm chí, có không ít cơ sở văn hóa, vui chơi, giải trí cho trẻ em phải thay đổi địa điểm hoặc phải nhường đất để chuyển sang sử dụng vào mục đích khác.

Thiếu, nhưng lại đi kèm lãng phí. “Do sự đầu tư thiếu đồng bộ nên không ít cơ sở văn hóa, vui chơi, giải trí cho trẻ em tại nhiều địa phương mới được xây khang trang nhưng không có kinh phí để mua sắm trang thiết bị, gây lãng phí lớn”, báo cáo nhấn mạnh.

Kết quả giám sát cho thấy trong dự toán xây dựng các thiết chế văn hóa, trường học, trung tâm văn hóa, thể thao ở nhiều nơi hầu như không có mục chi cho nội dung đầu tư vui chơi, giải trí cho trẻ em.

“Rất hiếm tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định tỷ trọng ngân sách hàng năm đầu tư cho lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em nói chung và lĩnh vực đầu tư xây dựng, quản lý, sử dụng các cơ sở văn hóa, vui chơi, giải trí cho trẻ em nói riêng”, Chủ nhiệm Thi cho biết.

Đáng chú ý, không những không phát triển mới được nhiều khu vui chơi, giải trí cho trẻ em mà nhiều cơ sở cùng với trang thiết bị được đầu tư, mua sắm trước đây cũng đã và đang xuống cấp, hư hỏng nhưng không có nguồn kinh phí để sửa chữa (có địa phương chỉ còn khoảng 30% số cơ sở đã đầu tư còn sử dụng được).

Nguyên nhân dẫn tới tình trạng nói trên có nhiều nhưng theo cơ quan giám sát thì căn bản nhất vẫn là nhận thức về vai trò, trách nhiệm của một số bộ, ngành Trung ương và chính quyền địa phương trong công tác quy hoạch, đầu tư, quản lý và sử dụng các cơ sở văn hóa, vui chơi, giải trí cho trẻ em còn chưa đầy đủ, toàn diện; sự chỉ đạo của Chính phủ còn thiếu sát sao, kiên quyết; công tác giám sát, thanh kiểm tra của cơ quan Nhà nước còn chưa thường xuyên…

Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết đã đề nghị làm rõ trách nhiệm của các bộ liên quan trong thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao, đồng thời giải trình lộ trình, giải pháp khắc phục thời gian tới xem đích thực hiện đến đâu? Còn đại biểu Lê Minh Hồng cho rằng cần quy định rõ tỷ lệ phần trăm kinh phí dành riêng cho vui chơi giải trí trẻ em.

Phó chủ nhiệm Nguyễn Minh Thuyết cũng “truy” Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung về trách nhiệm của bộ này trong hướng dẫn phân bổ ngân sách dành cho các nội dung được giám sát.

Thứ trưởng Trung giải trình, bố trí ngân sách Nhà nước cho lĩnh vực vui chơi giải trí cho trẻ em không nằm riêng, mà chung trong lĩnh vực văn hóa thông tin. “Nguồn chung là có nhưng đưa vào ngõ nào, ngách nào thì cái gốc là đã phân cấp cho địa phương”, thứ trưởng Chung nói.

Về  trách nhiệm của Bộ, theo Thứ trưởng thì do “đã thực hiện phân cấp rồi nên cũng chưa thường xuyên thanh kiểm tra tại các địa phương xem chi cho trẻ em như thế nào. Trong thanh tra của Bộ Tài chính thì vấn đề này chưa được chú trọng”.

Thừa nhận những yếu kém đã được nêu tại báo cáo giám sát, Bộ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh khẳng định tới đây sẽ tiến hành điều tra khảo sát thực trạng các nhà văn hóa, vui chơi, giải trí cho trẻ em trên toàn quốc. Trên cơ sở đó sẽ lập quy hoạch tổng thể cấp trung ương và tỉnh, thành về xây dựng cơ sở văn hóa, vui chơi giải trí cho trẻ em.

Bộ trưởng cũng đề nghị Đoàn giám sát đề xuất với Quốc hội cho lồng ghép nội dung này vào chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa hoặc giáo dục, hoặc trong chương trình nông thôn mới ở giai đoạn tới để tính tới việc bổ sung ngân sách, cơ chế cho hoạt động này.