17:11 25/04/2014

Thiếu đất cho đồng bào thiểu số: “Có kỷ luật tôi cũng chịu”

Nguyễn Lê

Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử thể hiện rõ bức xúc khi giải trình về đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số

Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử.<br>
Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử.<br>
“Tôi có bị thi hành kỷ luật cũng chịu, chứ chả lấy đất đâu cho đồng bào thiểu số được”, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử nói thêm khi đang trình bày báo cáo tại phiên giải trình do Hội đồng Dân tộc và Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức, sáng 25/4.

Sau khi phân tích về sự thiếu khả thi của chính sách giải quyết đất ở, đất sản xuất đối với đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2005 – 2012, ông Phử nói, “thà im còn hơn nói mà không làm được, chúng ta phải thực tế một chút”.

Theo báo cáo của Ủy ban Dân tộc, từ 2005 - 2012 cả nước có 651.571 hộ dân tộc thiểu số nghèo cần hỗ trợ đất ở, đất sản xuất. Kết quả đã hỗ trợ được 231.576 hộ đạt 41,5% so với tổng nhu cầu cần hỗ trợ của cả giai đoạn (theo các quyết định của Thủ tướng). Nếu tính cả số hộ được hỗ trợ theo chương trình tái định cư và khu kinh tế quốc phòng là 93.086 hộ thì tổng số hộ được hỗ trợ đất ở, đất sản xuất là 324.662 hộ, đạt 49,82%.

Trong số 326.909 hộ còn lại cần được tiếp tục hỗ trợ, số hộ cần được hỗ trợ đất sản xuất là 293.394 hộ, số hộ thiếu đất ở là 32.975 hộ, báo cáo cho biết.

Số lượng thiếu đất ở, đất sản xuất còn cao, các giải pháp chưa phát huy hiệu quả hoặc có nội dung khó thực hiện, chưa phù hợp với đặc thù vùng dân tộc thiểu số nên việc thoát nghèo của đồng bào không có đất sản xuất chưa được bền vững, Ủy ban Dân tộc nhận định.

Tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số được hỗ trợ đất chưa đạt 50%, nguyên nhân vì sao và trách nhiệm của Bộ trưởng thế nào cũng là câu hỏi được một số vị đại biểu đặt ra sau đó.

Và, Bộ trưởng Giàng Seo Phử lại tiếp tục bức xúc, khi trả lời.

Khẳng định việc thiếu đất sản xuất diễn ra hàng ngày và đồng bào dân tộc thiểu số là nạn nhân của nạn mua bán đất, ông Phử quả quyết trách nhiệm này trước hết thuộc về cấp ủy, chính quyền địa phương.

Theo ông thì “lẽ ra hôm nay Ủy ban ban Thường vụ Quốc hội phải mời cả chủ tịch và bí thư các tỉnh có vi phạm đến để điều trần, bởi ngân sách giao cho anh mà khi có vấn đề xảy ra anh cứ đổ trách nhiệm cho người khác là không ổn”.

Bộ trưởng Giàng Seo Phử cũng cho rằng câu hỏi địa phương nào có bao nhiêu đất dự trữ để xuất ra cho dân thiếu đất chắc chưa ai trả lời một cách chắc chắn được. “Thà rằng không nói nếu không làm được, nói ra chỉ làm đồng bào phân tâm thêm”, ông Phử nhấn mạnh.

Về giải pháp, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc kiến nghị nếu không còn quỹ đất nữa thì Quốc hội cần có nghị quyết về điều động sắp xếp lại dân cư. Ông đề nghị Quốc hội phải bàn, vì đây là chuyện lớn. Bởi hiện nay theo ông Tây Bắc là hết đất, còn các tỉnh Tây Nguyên bố trí đất không hợp lý.

Ngoài Bộ trưởng Phử, phiên giải trình có cả các vị bộ trưởng các bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động – Thương binh và Xã hội cùng nhiều thứ trưởng các bộ có liên quan.
 
Và, câu chuyện thiếu đất, theo ông Phử là trách nhiệm về quản lý đất đai được giao không rõ ràng, khi trước đó giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sau đó lại giao cho Ủy ban Dân tộc.

"Luật nào quy định Ủy ban Dân tộc có chức năng quản lý đất đai? Không có chức năng, không được bố trí nguồn lực thì Ủy ban Dân tộc lấy cái gì để mà giao đất?", ông Phử căng thẳng.

Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cũng phàn nàn là chưa có chính sách nào ban hành rồi mà được bố trí đủ vốn, cao nhất chỉ đạt 55%. Việc thiếu nguồn lực, theo ông Phử thì có cả trách nhiệm của cả Quốc hội.

“Tôi rất muốn các đồng chí chất vấn tôi để tôi trả lời, nhưng không có ai chất vấn cả”, ông Phử phát biểu.

"Vậy đã bao nhiêu lần Bộ trưởng kiến nghị với Chính phủ và các bộ để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc nêu trên, đã bao giờ kiến nghị Thủ tướng chủ trì cuộc họp Chính phủ để giải quyết việc này chưa?", đại biểu Nguyễn Sỹ Cương hỏi.

"Tôi đã báo cáo nhiều lần còn cụ thể là bao nhiêu lần thì không nhớ được", ông Phử đáp.

Liên quan đến câu hỏi của đại biểu Cương về năng lực quản lý dự án của Ủy ban Dân tộc mà cụ thể là việc báo cáo sai sự thật trong việc triển khai dự án điện mặt trời lên đến tiền tỷ USD cho các xã miền núi đặc biệt khó khăn tại các tỉnh Sơn La Quảng Nam và Quảng Ngãi, ông Phử khẳng định là có sai sót, nhưng không có tham ô tham nhũng.

Bộ trưởng cũng quả quyết là dự án này đã được thanh tra toàn diện, dự án này không đầu tư bằng tiền mặt, không có chuyện thất thoát hàng tỷ USD, nói như thế là rất nguy hiểm, báo chí lại đưa lên là không phù hợp và không có lợi cho báo chí.

"Dân tộc là lĩnh vực khó khăn nhất, rất khó làm, rất nhạy cảm, nếu chưa làm được thì cùng nhau chia sẻ, chúng tôi không bảo thủ cũng không bỏ qua khuyết điểm", Bộ trưởng Giàng Seo Phử khẳng định.