Thống đốc: Đã quy định tương đối chặt chẽ đối với các giao dịch chuyển tiền ra nước ngoài
Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong thời gian tới sẽ tăng cường truyền thông chính sách, pháp luật để người dân nắm rõ các quy định, tránh bị lợi dụng, gây nguy cơ thất thoát tài sản...
Theo phản ánh của cử tri Thái Nguyên, hiện nay, tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao có diễn biến phức tạp, các đối tượng là người Việt Nam liên kết, móc nối với các đối tượng ở nước ngoài sử dụng nhiều thủ đoạn để lừa đảo. Sau khi chiếm được tiền của người bị hại qua tài khoản ngân hàng, các đối tượng đã chuyển tiền qua nhiều tài khoản ngân hàng khác nhau để mua, bán tiền ảo trên các sàn giao dịch tiền ảo (Huobi, Biance) rồi rút tiền ở nước ngoài để chiếm đoạt.
Do chưa có quy định chặt chẽ trong việc đăng ký, quản lý, sử dụng tài khoản ngân hàng, nên một người có thể lập nhiều tài khoản ngân hàng khác nhau để lợi dụng thực hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật như tham ô, nhận hối lộ, tổ chức đánh bạc… gây khó khăn cho công tác điều tra, truy vết và xử lý tội phạm.
Vì vậy, cử tri Thái Nguyên đề nghị Ngân hàng Nhà nước có quy định chặt chẽ đối với việc đăng ký, quản lý, sử dụng tài khoản ngân hàng, nhất là đối với việc đăng ký, quản lý, sử dụng tài khoản ngân hàng có giao dịch nước ngoài.
Liên quan đến vấn đề trên, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước khẳng định, hiện nay đã có rất nhiều quy định liên quan đến việc mở và sử dụng tài khoản ngân hàng để thực hiện các giao dịch thanh toán, chuyển tiền xuyên biên giới ra nước ngoài.
Cụ thể gồm: Nghị định 101/2012/NĐ-CP ngày 22/11/2012 về thanh toán không dùng tiền mặt, Pháp lệnh ngoại hối và Nghị định hướng dẫn; Thông tư số 16/2014/TT-NHNN ngày 01/8/2014 hướng dẫn sử dụng tài khoản ngoại tệ, tài khoản đồng Việt Nam của người cư trú, người không cư trú tại ngân hàng được phép.
"Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước đã quy định tương đối chặt chẽ cơ chế kiểm tra, giám sát đối với các giao dịch chuyển tiền ra nước ngoài", Thống đốc nêu rõ tại văn bản trả lời.
Theo đó, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm xuất trình chứng từ theo quy định của tổ chức tín dụng và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của các loại giấy tờ, chứng từ đã xuất trình.
Mặt khác, tổ chức tín dụng được phép hoạt động ngoại hối khi thực hiện các giao dịch ngoại hối cho khách hàng có trách nhiệm kiểm tra, lưu giữ các giấy tờ và các chứng từ phù hợp với các giao dịch thực tế để đảm bảo việc cung ứng dịch vụ ngoại hối được thực hiện đúng mục đích và phù hợp với quy định của pháp luật.
Hiện tại, Luật Phòng, chống rửa tiền và các văn bản hướng dẫn có liên quan quy định, khi khách hàng mở tài khoản ngân hàng, ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải thực hiện các biện pháp nhận biết khách hàng và cập nhật thông tin khách hàng. Vì vậy, ngân hàng phải thu thập và xác minh thông tin nhận biết khách hàng, thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi và mục đích của khách hàng trong mối quan hệ với đối tượng báo cáo. Trong quá trình nhận biết, xác minh và giám sát, khi có nghi ngờ hoặc có cơ sở hợp lý để nghi ngờ tài sản trong giao dịch có nguồn gốc do phạm tội mà có hoặc liên quan tới rửa tiền, ngân hàng có trách nhiệm báo cáo giao dịch đáng ngờ cho Ngân hàng Nhà nước.
Ngân hàng phải thực hiện phân loại khách hàng trên cơ sở rủi ro (theo loại khách hàng, loại sản phẩm, dịch vụ khách hàng sử dụng, nơi cư trú hoặc nơi đặt trụ sở chính của khách hàng) và thực hiện các biện pháp phòng, chống rửa tiền tương ứng với mức độ rủi ro của khách hàng. Đồng thời, báo cáo Ngân hàng Nhà nước các giao dịch có giá trị lớn, giao dịch chuyển tiền điện tử quốc tế ra vào Việt Nam khi đến ngưỡng quy định (có mức giá trị từ 1.000 đô la Mỹ trở lên hoặc bằng ngoại tệ khác có giá trị tương đương), giao dịch liên quan đến hoạt động phạm tội.
Ngoài ra, Điều 291 Bộ Luật hình sự năm 2015 quy định về tội thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng…
Thống đốc cho biết thêm, bên cạnh việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về mở và sử dụng tài khoản, trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo chi nhánh tỉnh, thành phố, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nhằm thông tin, cảnh báo, hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật về mở và sử dụng tài khoản thanh toán, quản lý ngoại hối, thanh toán quốc tế và phòng, chống rửa tiền.
Ngân hàng Nhà nước cũng phối hợp chặt chẽ với các Cơ quan chức năng, Cơ quan điều tra thuộc Bộ Công an trong trao đổi, cung cấp thông tin về hoạt động tội phạm liên quan đến lĩnh vực thanh toán, thông tin báo cáo giao dịch đáng ngờ để xử lý nhiều vụ việc gian lận, phạm tội liên quan mở và sử dụng tài khoản thanh toán.
Như vậy, hiện nay việc mở, sử dụng tài khoản và giao dịch chuyển tiền ra nước ngoài đã có nhiều văn bản pháp luật điều chỉnh. Căn cứ các quy định nêu trên, tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán và chủ tài khoản có trách nhiệm tuân thủ nghiêm các quy định pháp luật về việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán, quản lý ngoại hối (thanh toán, chuyển tiền quốc tế), phòng chống rửa tiền, tài trợ khủng bố; chủ tài khoản không được sử dụng tài khoản thanh toán để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật và chịu trách nhiệm theo quy định pháp luật hiện hành; chỉ các giao dịch chuyển tiền cho các mục đích được phép theo quy định mới được ngân hàng thực hiện chuyển tiền ra nước ngoài.