13:59 13/06/2013

Thống đốc “giải trình thêm” về thị trường vàng

Nguyên Vũ

Thống đốc Nguyễn Văn Bình nhận được một số chất vấn bằng văn bản

Trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước từng xem xét tính toán cụ thể khả năng cơ quan này tổ chức huy động vàng của dân cư, sau khi các tổ chức tín dụng chấm dứt việc huy động vàng.
Trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước từng xem xét tính toán cụ thể khả năng cơ quan này tổ chức huy động vàng của dân cư, sau khi các tổ chức tín dụng chấm dứt việc huy động vàng.
Ngày 12/6, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đã có văn trả lời chất vấn của đại biểu Lê Như Tiến, liên quan đến vấn đề điều hành.

Dẫn đánh giá tại báo cáo của Chính phủ về kinh tế - xã hội trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 về ngành ngân hàng: mặt bằng lãi suất cho vay còn cao, tăng trưởng tín dụng vẫn còn ở mức thấp, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn còn khó khăn; quản lý thị trường vàng còn nhiều bất cập, chưa huy động được nguồn lực vàng cho phát triển kinh tế, giá vàng trong nước còn cao hơn giá vàng thế giới…, đại biểu Tiến chất vấn Thống đốc về “trách nhiệm cá nhân trước những thiếu sót, bất cập trên”.

Thông điệp được ông Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh tại văn bản trả lời là trong thời gian tới, căn cứ diễn biến kinh tế vĩ mô, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí vay vốn và tạo điều kiện thuận lợi tiếp cận nguồn vốn ngân hàng.

Về quản lý thị trường vàng, bên cạnh báo cáo của Chính phủ về nội dung này đã được gửi đến từng vị đại biểu, ông Bình “xin giải trình thêm” một số vấn đề.

Theo Thống đốc, trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước từng xem xét tính toán cụ thể khả năng cơ quan này tổ chức huy động vàng của dân cư, sau khi các tổ chức tín dụng chấm dứt việc huy động vàng.

Tuy nhiên, các tính toán cho thấy, việc Ngân hàng Nhà nước đứng ra huy động vàng từ dân cư có một số điểm bất lợi: chi phí bỏ ra khá lớn, số vàng huy động được nếu đi đầu tư ở nước ngoài trong thời điểm hiện nay thì Ngân hàng Nhà nước dự kiến sẽ phải chịu lỗ do mất phí chuyển đổi thành vàng tiêu chuẩn quốc tế và tỷ suất sinh lời rất thấp. Ngoài ra, còn phải chịu rủi ro về thanh khoản vàng như các tổ chức tín dụng khi người dân đến rút vàng.

“Qua tìm hiểu kinh nghiệm quốc tế, cũng không có ngân hàng trung ương nào đứng ra huy động vàng từ dân cư trong giai đoạn hiện nay do những rủi ro về giá vàng và vấn đề thanh khoản”,  Thống đốc trả lời đại biểu.

Vẫn theo người đứng đầu ngành ngân hàng thì với việc chấm dứt hoạt động huy động vàng của các tổ chức tín dụng, cách hiệu quả nhất để chuyển hóa nguồn lực vàng trong dân để phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế của đất nước là Ngân hàng Nhà nước mua vàng tăng dự trữ ngoại hối nhà nước.

Và để thực hiện mục tiêu này cần phải có một số điều kiện như: tiếp tục duy trì, củng cố giá trị đồng Việt Nam, chấm dứt hoàn toàn hoạt động huy động vàng và áp dụng các biện pháp kinh tế để khuyến khích người dân bán vàng.

Không đăng đàn trả lời chất vấn trực tiếp tại kỳ họp Quốc hội này, song Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng nhận được một số chất vấn bằng văn bản.

Một vị đại biểu đề nghị Thống đốc giải thích cụ thể hơn về khẳng định “trước đây toàn bộ chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới đều thuộc về giới đầu cơ và kinh doanh vàng, nay thuộc về ngân sách nhà nước để phục vụ quốc kế dân sinh”.

Vị đại biểu này cũng muốn biết vừa qua ngân sách nhà nước thu khoản này được bao nhiêu? Và, đưa vào nguồn thu nào của ngân sách nhà nước?

Liên quan đến trục trặc phiền hà do hệ thống máy rút tiền tự động ATM của các ngân hàng gây ra, một vị đại biểu khác đề nghị Thống đốc cho biết Ngân hàng Nhà nước có giải pháp gì cho vấn đề này? Định hướng phát triển hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt hiện nay ra sao? Bao giờ có thể dùng thẻ để thanh toán thay vì phải rút tiền từ ATM như hiện nay?

Với điều hành lãi suất, đại biểu cho rằng, cơ chế điều hành với trần lãi suất huy động 7,5%/năm và chỉ áp dụng 10%/năm đối với 5 lĩnh vực ưu tiên, còn lại nhiều lĩnh vực vay vẫn ở mức cao sẽ khó kéo mặt bằng lãi suất để đáp ứng yêu cầu vay vốn tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Vị đại biểu này chất vấn: vì sao cơ chế điều hành trần lãi suất lại không áp trần cho vay mà áp trần lãi suất huy động? Giải pháp nào để mặt bằng lãi suất kéo xuống thấp để phục hồi nền kinh tế thông qua kích thích sản xuất phát triển? Giải pháp nào để giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay trong điều kiện tài sản thế chấp của doanh nghiệp đang khó khăn?

Ở phiên chất vấn chiều qua và sáng nay (13/6) với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, Thống đốc Nguyễn Văn Bình luôn sẵn sàng ở hàng ghế dự bị. Sáng nay, ông cũng được mời giải trình thêm một số vấn đề về vốn cho nông nghiệp, nông thôn.