14:23 18/05/2021

Thu phí các tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư: Lợi bất cập hại?

Anh Tú

Phương án thu phí sử dụng đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư dễ vấp phải phản ứng trái chiều vì hiện tất cả xe ô tô đã đăng ký lưu hành đều phải đóng phí bảo trì đường bộ...

8/11 đoạn cao tốc Bắc - Nam đầu tư công sẽ thu phí sau khi hoàn thành
8/11 đoạn cao tốc Bắc - Nam đầu tư công sẽ thu phí sau khi hoàn thành

Để phát triển hệ thống 5.000km đường cao tốc theo quy hoạch đến năm 2030, với suất đầu tư lớn lên đến 190 tỷ đồng/km, nhu cầu về vốn đầu tư nói chung, trong đó có vốn ngân sách nhà nước là rất lớn.

Vì vậy, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thu phí sử dụng đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư, gồm các đoạn TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương; La Sơn - Túy Loan, Thừa Thiên Huế; Nội Bài - Nhật Tân, Hà Nội và 8 đoạn cao tốc Bắc - Nam đang thi công.

LO NGẠI PHÍ CHỒNG PHÍ

Hiện nay, Luật phí, lệ phí và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan mới chỉ có quy định về phí sử dụng đường bộ thu hàng năm trên đầu phương tiện, chưa có quy định về thu phí sử dụng đường bộ thu qua trạm thu phí trên đường cao tốc do Nhà nước đầu tư.

Vì vậy, nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận cho rằng, hiện các khoản thuế, phí như thuế tiêu thụ đặc biệt, các khoản phí bảo trì đường bộ, thuế bảo vệ môi trường qua xăng dầu, lệ phí trước bạ... đã tính và thu theo phương tiện. Do đó, việc thu phí các tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư liệu có phí chồng phí, đảm bảo hài hòa lợi ích người dân.

Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, hàng loạt doanh nghiệp phá sản, người dân gặp khó khăn, thì việc đề xuất một vấn đề cụ thể, nhạy cảm tác động đến người dân và nền kinh tế thì cần cân nhắc kỹ lưỡng.

Số liệu thống kê cho thấy, kinh phí bảo trì bình quân hàng năm đối với các tuyến đường cao tốc do Tổng cục Đường bộ Việt Nam quản lý ước tính là 830 triệu đồng/km, cao hơn nhiều so với kinh phí bảo trì bình quân hàng năm dành cho đường quốc lộ thông thường, khoảng 450 triệu đồng/km.

 

"Hàng năm, ngân sách nhà nước vẫn còn phải cấp bổ sung từ 3.000 – 4.000 tỷ đồng cho công tác bảo trì hệ thống đường bộ do nhà nước quản lý. Vì vậy, cần phải nghiên cứu để có các cơ chế phù hợp nhằm bổ sung nguồn thu để đáp ứng nhu cầu bảo trì đường bộ, phát triển hệ thống đường cao tốc", Bộ Tài chính cho biết.

Theo thông tin mới đây Bộ Tài chính cung cấp, hiện nay số thu từ phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện rất thấp, chỉ đáp ứng khoảng 35-40% nhu cầu tối thiểu cho hoạt động bảo trì đường bộ. Tỷ lệ chi cho bảo trì hạ tầng còn thấp so với chi đầu tư phát triển do áp lực phát triển nhanh, ảnh hưởng lớn đến chất lượng của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông và giảm năng lực khai thác, tăng chi phí sửa chữa.

Do đó, “dẫn đến tình trạng chất lượng đường xuống cấp nhanh chóng, ảnh hưởng đến hoạt động đi lại của người dân và gây mất an toàn cho người tham gia giao thông”, Bộ Tài chính nhấn mạnh.

“Mục đích, quan điểm xây dựng Nghị quyết nêu trên nhằm huy động kịp thời, hợp lý nguồn lực từ người sử dụng đường cao tốc nhằm có thêm nguồn lực tài chính để đầu tư xây dựng mới và bảo trì các tuyến đường cao tốc do Nhà nước đầu tư”, Bộ Tài chính chỉ rõ.

Trước thông tin này, PGS.TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài chính lưu ý việc thu phí sử dụng đường cao tốc do Nhà nước đầu tư cần xem xét thận trọng. Nguồn chính thu ngân sách là do người dân nộp thuế, phí và lệ phí. Hiện tất cả xe ô tô đã đăng ký lưu hành đều phải đóng phí bảo trì đường bộ, để bảo trì, nâng cấp đường bộ phục vụ các phương tiện đã đóng phí lưu thông.

“Người dân đã đóng thuế rồi, Nhà nước sử dụng tiền thuế đó để xây dựng đường cao tốc, giờ lại tiếp tục thu phí đường cao tốc, liệu có bất hợp lý”, ông Long quả quyết. Nếu lấy lý do thiếu nguồn để bảo trì đường bộ và đầu tư cao tốc mới, Bộ Tài chính cần xem lại việc sử dụng ngân sách đã hiệu quả hay chưa, cần cắt giảm triệt để những nguồn chi bất hợp lý, lãng phí.

CƠ CHẾ THU PHÍ SẼ ĐƯỢC CÔNG BỐ TRONG DỰ THẢO LUẬT SỬA ĐỔI

Để hiện thực hóa mục tiêu theo kế hoạch đặt ra trong phiên họp Thường trực Chính phủ diễn ra tại Hà Nội vào ngày 26/4 vừa qua, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các bộ, cơ quan dự họp để hoàn thiện tờ trình Bộ Chính trị chủ trương triển khai thực hiện mục tiêu “Đến năm 2030, phấn đấu cả nước có khoảng 5.000km đường bộ cao tốc” và chủ trương đầu tư dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021-2025.

Được biết, nhu cầu vốn để thực hiện các dự án cao tốc giai đoạn 2021 - 2025 cần khoảng 350.936 tỷ đồng, trong đó ngân sách Nhà nước khoảng 219.523 tỷ đồng, vốn huy động ngoài ngân sách khoảng 131.413 tỷ đồng. Đối với giai đoạn 2026 - 2030 cần khoảng 395.670 tỷ đồng, gồm 209.164 tỷ đồng Ngân sách Nhà nước và huy động ngoài ngân sách 186.506 tỷ đồng.

Theo Vụ Đối tác Công tư, Bộ Giao thông vận tải thông tin, để thực hiện chủ trương có 5.000km đường cao tốc vào năm 2030 cần áp dụng linh hoạt các phương thức đầu tư công, đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Ông Nguyễn Viết Huy, Phó Vụ trưởng Vụ PPP cho rằng, để thực hiện chủ trương có 5.000km đường cao tốc vào năm 2030, cần áp dụng linh hoạt các phương thức đầu tư công và đầu tư theo hình thức đối tác công tư.

“Chúng ta cần tập trung huy động các nguồn lực xã hội đầu tư theo hình thức PPP, chỉ triển khai đầu tư công đối với một số dự án không thể triển khai theo phương thức PPP, hoặc không hấp dẫn các nhà đầu tư. Đặc biệt, đối với các dự án cao tốc đầu tư công, sau khi hoàn thành cần thiết phải thu phí để hoàn vốn Nhà nước, tạo nguồn lực tiếp tục đầu tư phát triển các dự án hạ tầng giao thông”, ông Huy chia sẻ.

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, việc đề xuất thu phí sử dụng đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư, để huy động nguồn lực của xã hội nhằm phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, toàn diện là cần thiết và có cơ sở pháp lý. Qua đó, tạo thêm nguồn lực cho nhà nước tiếp tục đầu tư các dự án đường cao tốc, đảm bảo nguyên tắc bù đắp các chi phí cần thiết như trả nợ vốn vay, duy tu, bảo dưỡng.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính hiện đang nghiên cứu và phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải để đề xuất cơ chế thu phí dịch vụ sử dụng đường cao tốc vào dự thảo Luật Giao thông đường bộ. Trong đó, có nội dung về cơ chế thu phí dịch vụ sử dụng đường cao tốc thông qua trạm thu phí trên đường cao tốc do Nhà nước đầu tư, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ và phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành.

 
Thu phí các tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư: Lợi bất cập hại? - Ảnh 1

"Theo quan điểm của tôi, thu phí các tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư “lợi bất cập hại”. Lý do là, thứ nhất, trong bối cảnh hiện nay, nhà nước đang khoan sức dân, tạo điều kiện phục hồi sức dân trong giai đoạn dịch bệnh diễn biến căng thẳng. Thứ hai, làm tăng chi phí đầu vào của doanh nghiệp, dẫn đến tăng giá thành, doanh nghiệp sẽ bị lỗ nếu không điều chỉnh giá bán. Nếu điều chỉnh giá bán, người tiêu dùng lại chịu ảnh hưởng, tạo áp lực lên lạm phát. Thứ ba, thuế chồng thuế. Nên chăng, Nhà nước phải tận dụng nguồn thu, đối với những nguồn dễ thất thoát, cấp bách về giải pháp chống thất thu”, PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài chính.

 

 
Thu phí các tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư: Lợi bất cập hại? - Ảnh 2

Nhà nước đầu tư đường cao tốc mới, chất lượng, tốc độ cao thì cũng phải thu hồi lại vốn. Tuy nhiên, thu phí tuyến đường cao tốc do Nhà nước đầu tư phải cân nhắc kỹ lưỡng, phải đảm bảo công bằng vì nhà nước bỏ tiền ra đầu tư, nhưng tuyến này thu phí, tuyến khác lại không. Công tác tổ chức thu cũng cần đảm bảo minh bạch, mức thu hợp lý”, ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Thành phố Hà Nội.