13:51 05/05/2021

Năm 2025, cơ bản hoàn thành cao tốc Bắc - Nam phía Đông

Tuyết Nhi

Các tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Cần Thơ - Cà Mau, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, vành đai Hà Nội, Tp. HCM... sẽ được ưu tiên triển khai, đưa tổng chiều dài đường cao tốc từ gần 1.200 km hiện nay lên 5.000 km...

Tới năm 2030, Việt Nam sẽ có 5.000 km đường cao tốc
Tới năm 2030, Việt Nam sẽ có 5.000 km đường cao tốc

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 92/TB – VPCP truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp thường trực Chính phủ về Dự án xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.

TĂNG TỐC, BÁM SÁT TIẾN ĐỘ CAO TỐC BẮC-NAM

Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông là dự án trọng điểm Quốc gia và là dự án mẫu mực trong quản lý, giám sát, tổ chức thi công, phòng chống tiêu cực trong quản lý đầu tư xây dựng, đảm bảo chất lượng, tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng lưu ý Bộ Giao thông vận tải căn cứ sự cần thiết, tính cấp bách, tính hiệu quả và khả năng bố trí nguồn lực để lựa chọn các dự án thành phần trên tuyến cần đầu tư trong giai đoạn 2021 - 2025, đáp ứng mục tiêu đến năm 2025, cơ bản hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông những nơi thật cần thiết.

Bộ Giao thông vận tải có nhiệm vụ hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, trình Chính phủ theo hướng cân nhắc giãn tiến độ đoạn từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị vào thời điểm phù hợp.

Đồng thời, lấy ý kiến Đảng đoàn Quốc hội, Ban Kinh tế Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính… trước khi Báo cáo Ban cán sự Đảng Chính phủ xem xét thông qua để trình Bộ Chính trị cho ý kiến làm cơ sở trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV vào tháng 7/2021.

Với chiều dài dự kiến 654km, gồm 11 dự án thành phần, cao tốc Bắc-Nam sẽ kết nối với các trung tâm kinh tế, chính trị, đặc biệt là các vùng kinh tế trọng điểm, các khu kinh tế, khu công nghiệp trọng yếu; từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ...

ĐẶT MỤC TIÊU CÓ 5.000 KM ĐƯỜNG CAO TỐC ĐẾN NĂM 2030

Trong giai đoạn 2011 - 2020, Việt Nam đã hoàn thành khoảng 1.074 km đường bộ cao tốc, đưa tổng chiều dài cao tốc đang khai thác lên 1.163 km. Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các bộ, cơ quan dự họp để hoàn thiện tờ trình chủ trương triển khai thực hiện mục tiêu “Đến năm 2030, phấn đấu cả nước có khoảng 5.000km đường cao tốc”.  

Theo đó, Bộ Giao thông vận tải cần căn cứ tính hiệu quả để tập trung khẩn trương nghiên cứu, đề xuất triển khai ngay các tuyến đường bộ cao tốc khác có nhu cầu cấp thiết được các địa phương, cử tri và đại biểu Quốc hội đề nghị thời gian qua. Đó là tuyến Cần Thơ - Cà Mau, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, tuyến kết nối Nam Trung Bộ với Tây Nguyên...; các tuyến đường Vành đai 3, Vành đai 4 Tp. HCM và Vành đai 4, Vành đai 5 vùng Thủ đô Hà Nội và một số tuyến đường ở khu vực trung du miền núi phía Bắc.  

Bên cạnh đó, trên cơ sở đề xuất của Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố có liên quan, Bộ Giao thông vận tải khẩn trương, tập hợp nhu cầu đầu tư, kết quả nghiên cứu các cơ chế đề xuất nếu có để tổng hợp, đề xuất cụ thể các dự án đường bộ cao tốc nhằm phát huy cao nhất hiệu quả đầu tư.

 
"Nguyên tắc là triển khai đường cao tốc đi qua địa phương nào, địa phương đó phải chịu trách nhiệm giải phóng mặt bằng từ nguồn vốn tự có đã được phân bổ, việc hỗ trợ ngân sách trung ương phải được Chính phủ xem xét cân nhắc kỹ lưỡng và chỉ hỗ trợ một phần".
Thủ tướng
Phạm Minh Chính 

Về phương thức thực hiện xây dựng cơ chế, khuyến khích, Thủ tướng xác định ưu tiên đầu tư theo phương thức PPP, BOT nhằm huy động đa dạng các nguồn lực, bao gồm ngân sách trung ương, địa phương, tư nhân và có cơ chế bảo đảm hài hòa lợi ích của các bên liên quan, gồm nhà nước, người dân, nhà đầu tư.

Bộ Giao thông vận tải được giao khẩn trương tổng kết một số mô hình thành công khi giao cho địa phương là cơ quan có thẩm quyền đã thực hiện tốt để báo cáo Thường trực Chính phủ, để đúc rút kinh nghiệm và triển khai ra diện rộng việc phân cấp ủy, ủy quyền.

Khuyến khích giao Uỷ ban nhân dân các tỉnh có nguồn lực về ngân sách, năng lực, kinh nghiệm trong quản lý đầu tư để thực hiện nhiệm vụ là cơ quan có thẩm quyền triển khai các dự án đường cao tốc qua địa bàn nhằm chủ động huy động, sử dụng các nguồn lực của địa phương, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu, phát huy tính chủ động, tạo điều kiện thuận lợi trong công tác giải phóng mặt bằng và cung cấp nguồn vật liệu xây dựng...

Trên cơ sở nội dung nghiên cứu nêu trên, Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải rà soát quy định của pháp luật để đề xuất các cơ chế, chính sách về nguồn vốn, các giải pháp tổ chức thực hiện nhằm tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi đầu tư các dự án đường bộ cao tốc, kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết. Cần rút kinh nghiệm các đề xuất trước đây làm bế tắc khi triển khai theo phương thức PPP và BOT.

Về tiến độ triển khai, Thủ tướng giao Ban cán sự Đảng Bộ Giao thông vận tải khẩn trương thống nhất, chỉ đạo hoàn thiện Tờ trình, dự thảo Kết luận của Ban Cán sự Đảng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trước ngày 13/5/2021.