Thủ tướng: Cải cách hành chính cần cầu thị lắng nghe người dân và doanh nghiệp, không "nghe xong để đấy"
Thủ tướng nêu rõ việc thực hiện cải cách hành chính, lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực trên tinh thần "của dân, do dân, vì dân",
Chủ trì Phiên họp lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ sáng nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính - trưởng Ban Chỉ đạo nhấn mạnh công tác cải cách hành chính phải lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, làm chủ thể, mục tiêu và là động lực, đồng thời lắng nghe và cầu thị các góp ý để nhanh chóng sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện.
NHỮNG CON SỐ TÍCH CỰC
Theo báo cáo tại phiên họp, năm 2021, Chính phủ họp 3 phiên chuyên đề về xây dựng pháp luật, trình Quốc hội thông qua 2 luật và xem xét, cho ý kiến 6 dự án Luật. Chính phủ xem xét, cho ý kiến, thông qua đối với 23 đề nghị xây dựng luật; ban hành 200 nghị quyết, 139 nghị định. Thủ tướng Chính phủ ban hành 41 quyết định quy phạm pháp luật; 36 chỉ thị.
Cải cách thủ tục hành chính được thúc đẩy mạnh mẽ dù trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp. Trong năm, cả nước đã cắt giảm, đơn giản hóa 1.101 quy định kinh doanh; đã phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa 924 quy định và sửa đổi, bổ sung 166 văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi quản lý nhà nước của 7 bộ.
Việc giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại Bộ phận Một cửa các cấp ngày càng được cải thiện theo hướng chuyên nghiệp, công khai, minh bạch, dân chủ và hiện đại.
Đáng chú ý, công tác chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số đạt nhiều bước tiến như hoàn thành và đưa vào vận hành Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Hệ thống sản xuất, cấp và quản lý Căn cước công dân, sử dụng thẻ căn cước công dân có gắn chíp điện tử phục vụ hiệu quả công tác quản lý xã hội nhất là phục vụ bầu cử và phòng, chống dịch Covid-19...
Tại cuộc họp, các đại biểu đã thảo luận, làm rõ những thuận lợi, khó khăn, thách thức đặt ra cho công tác cải cách hành chính; đã đi sâu phân tích, đánh giá và chỉ rõ những nội dung mới, cấp bách mà các bộ, ngành, địa phương phải triển khai thực hiện trong thời gian tới và đã đề xuất nhiều ý kiến hay, thiết thực, giải pháp cần thiết để đẩy mạnh cải cách hành chính trong năm 2022 và thời gian tới…
THỐNG NHẤT QUAN ĐIỂM "ĐÃ NÓI PHẢI LÀM"
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính Thủ tướng biểu dương các bộ, ngành, cơ quan, địa phương đã có nhiều cố gắng với nhiều điểm sáng trong công tác cải cách hành chính năm 2021.
Tuy nhiên, ông đánh giá công tác cải cách hành chính vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới và mong muốn của người dân, doanh nghiệp; vẫn còn những băn khoăn về "giấy phép con"; việc đầu tư cho lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện và bố trí nguồn lực cho cải cách hành chính có nơi, có lúc còn hạn chế, thiếu quan tâm.
"Điều này có nguyên nhân cả chủ quan và khách quan, nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu, xuất phát từ nhận thức, sự quyết liệt, cố gắng, quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện của người đứng đầu các cấp hành chính. Đây là nguyên nhân rất cơ bản vì cải cách hành chính liên quan tới thể chế, tổ chức, bộ máy, con người và việc vận hành, nguồn lực đầu tư, quy trình, thủ tục hành chính", Thủ tướng nói.
Người đứng đầu Chính phủ nêu rõ mục tiêu trong năm 2022 là phải tạo ra bước đột phá trong cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính liên quan tới người dân và doanh nghiệp để khơi dậy và huy động mọi nguồn lực phát triển đất nước, nâng cao hiệu quả, hiệu lực điều hành của các bộ, ngành, địa phương.
Thủ tướng yêu cầu thống nhất quan điểm là đầu tư cho cải cách hành chính là đầu tư cho sự phát triển và việc đầu tư này phải tập trung, không dàn trải, làm việc nào dứt việc đó. Phương châm là "đã nói phải làm", thực chất, không hình thức, lấy sản phẩm, hiệu quả phục vụ người dân, doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả, hiệu lực điều hành của các cơ quan làm thước đo.
Về nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng yêu cầu, trước hết, phải nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác cải cách hành chính; đẩy mạnh phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với phân bổ nguồn lực hợp lý; tăng cường kiểm tra, giám sát và tổ chức thực hiện nhất quán từ Trung ương tới địa phương.
Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh rà soát, hoàn thiện thể chế về cải cách hành chính, thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cấp nào, bộ, ngành, địa phương nào thì cấp đó, bộ ngành, địa phương đó chủ động giải quyết, nếu vượt quá thẩm quyền thì mạnh dạn đề xuất cấp có thẩm quyền quyết định, kiên trì vì mục tiêu chung.
"Tinh thần bám rất sát thực tiễn, cái gì thực sự cần thì đưa vào quy định, quy trình, tiêu chuẩn, cái gì không cần thì dứt khoát bỏ", ông nói.
Thủ tướng cũng yêu cầu đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả mô hình cung cấp dịch vụ trực tuyến, nhất là 25 thủ tục hành chính thiết yếu ưu tiên tích hợp, chia sẻ dữ liệu dân cư của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Cổng Dịch vụ công quốc gia, kết hợp hiệu quả giữa hình thức làm việc trực tuyến và trực tiếp.
Đồng thời, tiếp tục rà soát chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, đơn vị, địa phương theo tinh thần Nghị quyết 18, 19 của Trung ương khóa XII để vừa tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, vừa nâng cao năng lực hiệu quả, điều hành, xác định một việc chỉ giao một cơ quan, một người làm, chịu trách nhiệm và ai làm tốt nhất thì giao việc, tránh giao thoa, không để trùng lắp nhiệm vụ, giảm khâu trung gian, làm tốt công tác xác định vị trí việc làm, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…
Thủ tướng yêu cầu đầu tư thỏa đáng, đẩy mạnh việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số; hoàn thiện bộ tiêu chí đánh giá về cải cách hành chính phù hợp với điều kiện, hệ thống chính trị của Việt Nam và tham khảo kinh nghiệm quốc tế để vận dụng sáng tạo, bao đảm việc đánh giá dân chủ, chính xác, khách quan, công bằng.
Ông nhấn mạnh cần huy động sự đóng góp của xã hội, người dân và doanh nghiệp trong việc thực hiện cải cách hành chính, lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực trên tinh thần "của dân, do dân, vì dân", mọi chính sách phải hướng tới người dân, doanh nghiệp và có cơ chế khuyến khích họ đóng góp, xây dựng thẳng thắn, chân thành.
"Các cơ quan cần khiêm tốn, cầu thị lắng nghe người dân và doanh nghiệp bằng nhiều hình thức, đừng 'nghe xong để đấy', nội dung nào tiếp thu được thì tiếp thu, nội dung nào không tiếp thu được thì nói rõ, giải trình'", Thủ tướng quán triệt.