Thủ tướng giao 12 nhiệm vụ trọng tâm cho doanh nghiệp Nhà nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh thông điệp "chung sức, đồng lòng tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức, đẩy mạnh đầu tư phát triển, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng của nền kinh tế năm 2023 và những năm tiếp theo". Đồng thời, nêu 6 quan điểm chỉ đạo, điều hành và 12 nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới…
Sáng 14/9, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với doanh nghiệp Nhà nước trên phạm vi toàn quốc về các giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung đánh giá tình hình hoạt động của các doanh nghiệp Nhà nước; những kết quả, hạn chế, bài học kinh nghiệm; nguyên nhân của hạn chế, yếu kém, gây cản trở quá trình phát triển của doanh nghiệp Nhà nước.
Lãnh đạo Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp; giải đáp các ý kiến, kiến nghị, đề ra nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Nhà nước.
6 QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO ĐIỀU HÀNH
Phát biểu kết luận, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính trân trọng cảm ơn, đánh giá cao kết quả của doanh nghiệp Nhà nước, đóng góp vào kết quả chung của cả nước trong năm 2022 và những tháng vừa qua của năm 2023; đồng thời chia sẻ với những khó khăn, thách thức mà các doanh nghiệp Nhà nước gặp phải từ tình hình trong nước và quốc tế.
Thủ tướng nêu rõ, thông điệp của hội nghị là chung sức, đồng lòng tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức, đẩy mạnh đầu tư phát triển, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng của nền kinh tế năm 2023 và những năm tiếp theo. Tinh thần là hài hòa lợi ích Nhà nước, nhân dân và doanh nghiệp, hài hòa lợi ích, rủi ro chia sẻ; không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm cho doanh nghiệp.
Thủ tướng nhấn mạnh 6 quan điểm chỉ đạo điều hành để tiếp tục để nâng cao hiệu quả hoạt động, đổi mới khu vực doanh nghiệp Nhà nước.
Thứ nhất, cần theo dõi sát tình hình trong và ngoài nước, những vấn đề tích tụ đã nhiều năm, kịp thời đưa ra chính sách, giải pháp sát tình hình, khả thi và hiệu quả cao.
Thứ hai, doanh nghiệp Nhà nước đóng vai trò rất quan trọng trong dẫn dắt, tiên phong, mở đường, phát huy tối đa nguồn lực nắm giữ để tập trung cho đầu tư phát triển trên các lĩnh vực, góp phần thúc đẩy tăng trưởng.
Thứ ba, doanh nghiệp Nhà nước đi đầu trong đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh, tập trung cho chuyển đổi số, chuyển xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, những ngành mới nổi.
Thứ tư, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan đại diện chủ sở hữu phải đồng hành, kề vai sát cánh cùng doanh nghiệp.
Thứ năm, phát huy tinh thần đại đoàn kết dân tộc, bản sắc văn hóa, đạo đức kinh doanh, nâng cao tính tự lực tự cường, tự vươn lên, phát triển bằng nội lực, biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể.
Thứ sáu, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và đóng góp của nhân dân để xây dựng doanh nghiệp Nhà nước tiên phong, dẫn dắt, góp phần thực hiện vai trò chủ đạo của kinh tế Nhà nước. Tập trung tăng cường sự lãnh đạo và đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng với doanh nghiệp Nhà nước, đổi mới công tác đánh giá, sử dụng cán bộ đúng, trúng, phù hợp tình hình.
12 NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM
Thủ tướng Chính phủ cho rằng doanh nghiệp Nhà nước đóng vai trò rất quan trọng, dẫn dắt, tiên phong thúc đẩy tăng trưởng; đi đầu trong đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh để mở đường trong các ngành, lĩnh vực kinh tế quan trọng của đất nước, thu hút nguồn vốn và cùng với khu vực tư nhân trong nước xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, đi lên từ nội lực.
Để nâng cao hiệu quả hoạt động, đổi mới khu vực doanh nghiệp Nhà nước, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển, Thủ tướng nêu rõ 12 nhiệm vụ trọng tâm thời gian.
Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật gồm luật, nghị định, thông tư của các cấp để tháo gõ khó khăn, huy động nguồn lực, phát huy nguồn lực Nhà nước dẫn dắt mọi nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển. Hoàn thiện thể chế phải trên tinh thần phân cấp, phân quyền, đơn giản hóa thủ tục hành chính, góp phần tháo gỡ khó khăn, giảm chi phí đầu vào, chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp.
Thứ hai, các doanh nghiệp Nhà nước phải tăng cường đóng góp cho xây dựng chương trình, kế hoạch để thực hiện các mục tiêu theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (2021-2025), chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm (2021-2030); đồng thời căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình để cụ thể hóa bằng các đề án, dự án cụ thể.
Thứ ba, tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước sát tình hình thực tế, không chỉ tập trung tái có cấu vốn, mà phải nâng cao năng suất lao động, hiệu quả sử dụng vốn, nâng đời sống vật chất và tinh thần của người lao động.
Thứ tư, các doanh nghiệp Nhà nước phải tham gia tích cực, hiệu quả hơn nữa vào các chương trình, dự án lớn của Nhà nước, đặc biệt là 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng, nhân lực, các chương trình, dự án lớn đang triển khai như hệ thống cao tốc, chuyển đổi xanh, ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi số, chương trình xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao ở Đồng bằng sông Cửu Long....
Thứ năm, các cấp chính quyền thực hiện cơ chế định kỳ 3 tháng sẽ tổ chức gặp gỡ, đối thoại để các doanh nghiệp Nhà nước kịp thời chia sẻ các khó khăn, vướng mắc, tâm tư, nguyện vọng, với tinh thần hết sức cầu thị, hết sức lắng nghe, hết sức trách nhiệm, hết sức dân chủ.
Thứ sáu, các doanh nghiệp Nhà nước góp phần xây dựng và hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, các ưu đãi cần thiết với DNNN để phát triển nhanh, bền vững.
Thứ bảy, đề xuất những cơ chế, chính sách khuyến khích, bảo vệ, tạo động lực, truyền cảm hứng cho những người dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, tinh thần xây dựng chính sách là không cầu toàn, không nóng vội.
Thứ tám, đề cao đạo đức doanh nhân và trách nhiệm với xã hội, nhất là với những vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, những người yếu thế, khó khăn, những người gặp hoạn nạn...; chăm lo cải thiện đời sống công nhân, người lao động.
Thứ chín, các doanh nghiệp Nhà nước cùng nhau, cùng các cơ quan Nhà nước đẩy mạnh xây dựng thương hiệu doanh nghiệp, ngành hàng, góp phần xây dựng thương hiệu quốc gia.
Thứ mười, khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) và quan hệ chính trị, ngoại giao rất tốt đẹp giữa Việt Nam với các nước trên thế giới, nhất là Trung Quốc, Mỹ, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản, các nước ASEAN...
Mười một, các doanh nghiệp Nhà nước cùng nhau chia sẻ khó khăn, kinh nghiệm, hỗ trợ, giúp đỡ khi gặp khó khăn thach thức, đoàn kết, thống nhất nhưng cạnh tranh lành mạnh, đúng luật pháp.
Mười hai, tập trung đào tạo nguồn nhân lực trong các ngành mới nổi như chuyển đổi số, ứng phó biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ... góp phần đào tạo nhân lực cho doanh nghiệp, các địa phương và cả nước.
CÁC CƠ QUAN NHÀ NƯỚC CẦN ĐẶT MÌNH VÀO ĐỊA VỊ DOANH NGHIỆP
Với các cơ quan nhà nước, Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng, trưởng ngành, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tập trung chỉ đạo cải cách hành chính, phân cấp, phân quyền, tạo mọi thuận lợi cho doanh nghiệp, đặt mình vào địa vị doanh nghiệp để giải quyết các khó khăn, vượt qua thách thức, thực sự chia sẻ, khích lệ, khuyến khích những người làm đúng, làm tốt và cương quyết xử lý những người vi phạm, nhũng nhiễu, tiêu cực, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm….
Bộ Tài chính sớm hoàn thiện hồ sơ, trình Chính phủ báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định số 10/2019/NĐ-CP về thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu Nhà nước.
Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu sửa đổi quy định về chuyển mục đích sử dụng Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp để tạo điều kiện thực hiện đầu tư trong lĩnh vực liên quan đến khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, đặt hàng các sản phẩm mới, đầu tư cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, ...
Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc, phê duyệt kế hoạch, chương trình, đặc biệt là kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước trực thuộc, thể hiện rõ hơn vai trò dẫn dắt, tạo động lực, mở đường, thúc đẩy các thành phần kinh tế khác phát triển; thực hiện đầy đủ, kịp thời các nhiệm vụ của cơ quan đại diện chủ sở hữu tại các doanh nghiệp theo quy định; chủ động, quyết liệt trong xử lý các vấn đề vướng mắc phát sinh của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước thuộc trách nhiệm, thẩm quyền của cơ quan đại diện chủ sở hữu.
"Tinh thần là phải mạnh dạn hơn nữa để tạo ra đột phá mới, xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái, không để trì trệ; bởi nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân", Thủ tướng phát biểu.
Các cơ quan đại diện chủ sở hữu khác cần tích cực, kịp thời nắm bắt tình hình tốt hơn, nhất là những khó khăn, vướng mắc lớn, là điểm nghẽn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư của doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, khẩn trương giải quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền; phối hợp, kiến nghị các bộ, ngành hoặc tham mưu cho Chính phủ để giải quyết các vấn đề còn tồn đọng, vấn đề phát sinh mới.
Đồng thời, Thủ tướng đề nghị các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp có quan hệ cộng sinh, cần phát huy tinh thần linh hoạt, sáng tạo, "trong tôi có anh, trong anh có tôi", cùng nhau tháo gỡ khó khăn, nút thắt về tín dụng, nguồn vốn.
Ghi nhận, đánh giá cao các ý kiến và đề xuất tâm huyết, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương và các doanh nghiệp nhà nước tại hội nghị, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ tiếp thu, trình Thủ tướng ban hành văn bản phù hợp là sản phẩm của hội nghị để tổ chức thực hiện hiệu quả, với mong muốn sau hội nghị, các doanh nghiệp Nhà nước có thêm nhiều món quà tặng Nhà nước, tặng nhân dân.