07:00 09/08/2022

Thúc đẩy Đồng bằng sông Cửu Long thoát nhanh khỏi “ba vòng xoáy”

Song Hà

Mô hình phát triển của Đồng bằng sông Cửu Long hiện đã chạm ngưỡng, cần có mô hình phát triển mới. Việc tăng trưởng và phát triển của vùng phải được nâng cấp, thay đổi phù hợp với thời đại mới, cần tháo gỡ những nút thắt kìm hãm sự phát triển…

Kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) còn nhiều thách thức.
Kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) còn nhiều thách thức.

Đó là nhận định của TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và quản lý Fulbright, trưởng nhóm nghiên cứu Báo cáo Kinh tế thường niên Đồng bằng sông Cửu Long năm 2022 với chủ đề "Chuyển đổi mô hình phát triển và quy hoạch tích hợp" vừa được công bố mới đây.

NÔNG NGHIỆP KHÔNG ĐỦ SỨC VỰC DẬY

Bức tranh kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long còn nhiều thách thức đã được báo cáo lần thứ 2 phác họa ra một cách chi tiết, rõ ràng. Báo cáo phân tích, vốn đã tăng trưởng chậm lại từ trước 2019, kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long phải chịu thêm cú sốc nặng nề từ đại dịch Covid-19.

Do đó, tốc độ tăng trưởng giảm sâu từ 7,14% trong năm 2019 xuống chỉ còn 2,42% trong năm 2020 - thấp hơn đáng kể so với bình quân 2,9% của cả nước.

Đến năm 2021 lại rơi tiếp xuống -0,43%, trong khi cả nước vẫn duy trì được mức tăng trưởng +2,26%. Như vậy, về tăng trưởng kinh tế, Đồng bằng sông Cửu Long chịu tác động của đại dịch Covid-19 nghiêm trọng hơn so mặt bằng chung của cả nước.

Trong năm 2021, cả nước có 9 địa phương tăng trưởng âm, riêng Đồng bằng sông Cửu Long chiếm tới 6. 

Theo nhận định từ báo cáo, nguyên nhân chính của tình trạng suy giảm kinh tế khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là do giãn cách xã hội kéo dài trong quý 3/2021 ở miền Nam, đặc biệt do sự thiếu linh hoạt và đồng bộ về các biện pháp phòng, chống dịch và giãn cách xã hội giữa các địa phương đã gây ra sự đứt gãy chuỗi cung ứng, cản trở khả năng tiếp cận của hàng hóa đối với TP. Hồ Chí Minh, khiến gia tăng chi phí vận chuyển và logistics.

Điều này cho thấy công nghiệp và dịch vụ của Đồng bằng sông Cửu Long có sức chống chịu và khả năng hồi phục trước khủng hoảng tương đối thấp.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, điểm sáng lớn nhất của Đồng bằng sông Cửu Long trong hai năm 2020-2021 là nông nghiệp. Bất chấp dịch bệnh trong năm 2021, khu vực nông nghiệp của ĐBSCL vẫn tăng trưởng mạnh (3,4%), cao hơn hẳn so với mặt bằng chung của cả nước.

Xuất khẩu nông thủy sản của vùng đóng vai trò then chốt trong việc duy trì thặng dư thương mại cho Việt Nam. Tuy nhiên, một mình ngành nông nghiệp không đủ sức vực dậy nền kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long vì khu vực công nghiệp và dịch vụ cùng chiếm tới hơn 70% GRDP của vùng – đều tăng trưởng âm, ước tính lần lượt là –0,8% và –1,8%.

Công nghiệp và dịch vụ của vùng này chưa đủ vững chắc để trở thành trụ cột kinh tế bền vững cho vùng. Hơn nữa, chất lượng cơ sở hạ tầng, nguồn lao động và sự phát triển của các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh là hạn chế cơ bản khiến Đồng bằng sông Cửu Long thiếu sức hút với các nhà đầu tư.

Trong giai đoạn 2017-2021, Đồng bằng sông Cửu Long có tốc độ tăng doanh nghiệp trung bình thấp nhất cả nước, chỉ ở mức 4,1%/ năm. Báo cáo nhận định, nếu giữ tốc độ tăng hiện tại, trong khoảng 20 năm nữa, Đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị Tây Nguyên, Trung du và miền núi phía Bắc vượt qua để trở thành vùng có số lượng doanh nghiệp thấp nhất cả nước.

Điều đáng lưu ý, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Đồng bằng sông Cửu Long có một số khởi sắc, song vẫn chưa thực sự hấp dẫn. Lũy kế đến năm 2021, Đồng bằng sông Cửu Long chỉ chiếm 5% số dự án và 8% số vốn đăng ký FDI so với cả nước.

Cần nhấn mạnh là, sự khởi sắc về thu hút FDI trong mấy năm gần đây không phải nhờ khắc phục được những vấn đề cố hữu liên quan đến cơ sở hạ tầng hay nguồn nhân lực... mà chủ yếu nhờ vào việc khai thác một lĩnh vực tiềm năng mới là năng lượng.

Ngành nông nghiệp vốn là thế mạnh của Đồng bằng sông Cửu Long nhưng chỉ thu hút được 1,7% số dự án và chưa đến 0,3% vốn FDI đăng ký của toàn vùng.

ĐỐI DIỆN VỚI BA “VÒNG XOÁY ’’ ĐI XUỐNG

Báo cáo cũng chỉ ra rằng Đồng bằng sông Cửu Long đang đứng trước thử thách của ba vòng xoáy: vòng xoáy ngân sách, vòng xoáy lao động và vòng xoáy cấu trúc kinh tế.

“Vòng xoáy ngân sách” phản ánh tình trạng thiếu đầu tư trầm trọng ở Đồng bằng sông Cửu Long. Do thiếu đầu tư của Nhà nước, cơ sở hạ tầng, đặc biệt là giao thông của vùng vừa thiếu, vừa yếu, vừa xuống cấp nên không thu hút được nhiều dự án đầu tư hiệu quả. Đây cũng chính là điểm khởi đầu của vòng xoáy thứ hai về lao động.

“Vòng xoáy lao động” xuất phát từ tình trạng thiếu cơ hội việc làm nên lao động trẻ di cư từ Đồng bằng sông Cửu Long đến các khu vực đô thị và công nghiệp ở Đông Nam Bộ, làm suy giảm cả số lượng, chất lượng lao động của vùng. Điều này làm trầm trọng thêm vòng xoáy đi xuống về đầu tư do lợi thế lao động dồi dào không còn là lợi thế giá rẻ lại đi đôi với chất lượng thấp.

Theo báo cáo, “vòng xoáy cơ cấu kinh tế” là căn nguyên của hai vòng xoáy trên. Với sứ mệnh “an ninh lương thực”, Đồng bằng sông Cửu Long phải ưu tiên thâm canh, tăng vụ lúa.

Mặc dù chính sách này đã giúp Việt Nam xóa đói, trở thành quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu nhưng lại không giúp Đồng bằng sông Cửu Long trở nên thịnh vượng. Không những thế, chính sách này còn kìm giữ Đồng bằng sông Cửu Long trong các hoạt động nông nghiệp có năng suất, giá trị gia tăng thấp, cấu trúc chậm chuyển đổi.

“Điều này, lại khiến Đồng bằng sông Cửu Long thiếu nguồn lực, cơ sở hạ tầng yếu, không hấp dẫn các nhà đầu tư, lao động tiếp tục di cư vì mức sống thấp và thiếu cơ hội việc làm... Các vòng xoáy đi xuống cứ thế xoắn quện vào nhau và tiếp tục trôi”, báo cáo phân tích.

 
Bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam.
Bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam.

Đầu tư công cho cơ sở hạ tầng ở Đồng bằng sông Cửu Long chưa theo kịp với nhu cầu, do đó đầu tư công bổ sung là cần thiết và phải đi kèm với hiệu quả trong quy hoạch, tránh trùng lặp, chậm trễ… làm kìm hãm sự phát triển cơ sở hạ tầng trong khu vực. Ngoài ra, các hạn chế về quy định cũng đã làm tăng chi phí logistics do tạo ra các rào cản trong phân phối, kho bãi và vận chuyển. Vì vậy, các tỉnh trong khu vực cần hợp tác với nhau hiệu quả hơn để khuyến khích tạo ra lợi thế quy mô trong lĩnh vực hậu cần.

Khu vực này cần xây dựng các cơ chế tài chính xanh và các cơ chế tài chính khí hậu, để đẩy nhanh và thu hút tài chính xanh cho nông nghiệp cũng như các dự án liên quan. Tài chính nước ngoài rất quan trọng, đặc biệt là khi đi kèm với công nghệ tiên tiến và thiết bị chính chưa sản xuất được ở Việt Nam.

Tuy nhiên, phần lớn nguồn tài chính cho thích ứng với biến đổi khí hậu sẽ đến từ các nguồn trong nước. Chính phủ có thể đóng vai trò tích cực hơn trong thúc đẩy sự phát triển sâu rộng của thị trường vốn trong nước, đặc biệt là thị trường thứ cấp cho trái phiếu trong nước và các công cụ tài chính khác.

Khuyến khích các mô hình chuyển đổi nông nghiệp mới. Nông nghiệp ngày càng thâm dụng vốn và công nghệ. Đồng bằng sông Mekong sẽ tiếp tục là nơi sản xuất gạo lớn, nhưng sẽ chuyển dần sang các mặt hàng có giá trị gia tăng cao hơn, bao gồm cá, động vật có vỏ, sản phẩm tươi sống… Chính phủ sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc kích thích đổi mới, khuyến khích cách làm bền vững, chỉnh đốn việc sử dụng thuốc trừ sâu và lạm dụng phân bón hóa học, xây dựng cơ sở hạ tầng công cộng, giảm chi phí hậu cần.

Cuối cùng, các tỉnh cần hợp tác cùng hành động. Các thách thức về xã hội, kinh tế, môi trường và biến đổi khí hậu không thể được giải quyết bởi một tỉnh riêng lẻ. Các tỉnh cần hợp tác, cùng hành động để đạt được lợi thế quy mô trong đầu tư công, hậu cần, bảo tồn nguồn nước, kiểm soát lũ lụt, phát triển hệ thống sản xuất nông nghiệp.

 
 
Bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam.
Bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam.

Khu vực tư nhân có vai trò quan trọng trong việc huy động các nguồn lực để thực hiện Quy hoạch tổng thể vùng. Ước tính từ nay đến năm 2030, cần ít nhất 57 tỷ USD để tài trợ cho các khoản đầu tư cần thiết cho khu vực được xác định trong quy hoạch tổng thể. Với nhu cầu tài chính khổng lồ này, nguồn vốn công chỉ có thể đáp ứng được 21%, còn 79% sẽ phải đến từ các nguồn khác và tài chính tư nhân phải là nguồn đóng góp chính.

VCCI cần phát huy vai trò trở thành cầu nối quan trọng giữa các nhà hoạch định chính sách và cộng đồng doanh nghiệp, phối hợp với các cơ quan nghiên cứu quan trọng và các tổ chức tư vấn, WB sẵn sàng tham gia hỗ trợ kỹ thuật, tư vấn tài chính.