09:13 17/12/2020

"Thực túc, binh cường": Thời hoàng kim của nông nghiệp

Nguyên Mẫn

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thường nói rằng, muốn biết có thuận thiên, nhìn vào sự phát triển của nền nông nghiệp.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định năm 2020, năm thành công nhất của nhiệm kỳ 2016- 2020 về tinh thần và ý chí vươn lên. Góp sức lớn cho thành công là sự quật cường của nông nghiệp. Cả dịch bệnh lẫn thiên tai đều không thể bẻ gãy đà phát triển của ngành này.

Dẫn lại lời trong "Thư gửi nông dân thi đua canh tác" vào tháng 2/1951, Bác Hồ viết "Thực túc thì binh cường", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận sự đóng góp của nông nghiệp, nông dân và nông thôn đối với sự phát triển của đất nước là vô cùng lớn, không chỉ bao trùm mà còn rất bền bỉ, không ồn ào mà thầm lặng, góp phần to lớn cho quốc phú dân cường.

Ông cũng cho hay Chính phủ quan tâm thường xuyên, liên tục, toàn diện với lĩnh vực này, lo cả đầu vào, đầu ra cho sản xuất nông nghiệp, giải quyết đến nơi đến chốn tình trạng "được mùa rớt giá". Trong suốt cả nhiệm kỳ, các lãnh đạo Chính phủ đều tranh thủ mọi thời điểm, như lời của Thủ tướng là "tiếp thị" cho nông dân. Thực tế, như phản ánh của đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) về ý kiến của cử tri Đồng bằng sông Cửu Long, "Nông dân cứ gặp khó là có ngay Chính phủ"

Nhiệm kỳ 2016- 2020 thực sự là thời kỳ hoàng kim cho phát triển nông nghiệp khi để trả lời cho câu hỏi: làm thế nào thuận thiên trong phát triển đất nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thường nói rõ rằng, muốn biết có thuận thiên, nhìn vào sự phát triển của nền nông nghiệp.

Từ đầu nhiệm kỳ, (tháng 4/2016) đến nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần chủ trì các hội nghị về thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn như hội nghị xây dựng nền công nghiệp nông nghiệp Việt Nam (2016); giải pháp phát triển bền vững ngành hàng lúa gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long (2017); hội nghị phát triển ngành tôm Việt Nam (2017); diễn đàn phát triển thị trường cho ngành rau-củ-quả và giải pháp phát triển hệ thống logistics phục vụ nông nghiệp-nông thôn (2017); liên tiếp đối thoại với nông dân Việt Nam về các vấn đề nông nghiệp, nông thôn trong 3 năm 2018, 2019, 2020; đặc biệt là năm 2020, giữa bối cảnh căng mình chiến đấu với đại dịch Covid- 19, Thủ tướng vẫn không để lỡ cuộc đối thoại này. Hàng năm, Thủ tướng trực tiếp chủ trì từ 15 đến 17 hội nghị của ngành nông nghiệp...

Chính phủ cũng đã trình Quốc hội khóa XIV thông qua 6 luật liên quan về lĩnh vực nông nghiệp, trong khi trong cả 13 nhiệm kỳ Quốc hội trước, số luật được thông qua cho ngành nông nghiệp chỉ là 9 luật. Có thời điểm, chỉ trong một tháng, Chính phủ ban hành 3 nghị định đồng loạt triển khai nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích đào tạo nghề, phát triển thủy sản, bảo hiểm nông nghiệp, thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào nông thôn, nhất là doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao... Đó là các Nghị định số 52, 57 và 58/2018 của Chính phủ.

Đến nay, Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới với kim ngạch xuất khẩu nông lâm, thủy sản năm 2020 ước đạt trên 41 tỷ USD và có hàng chục ngành hàng có doanh số xuất khẩu trên 1 tỷ USD/năm. Hiện nông sản Việt Nam đã có mặt tại 200 nước và vùng lãnh thổ, trong đó, một số mặt hàng chiếm thị phần khá lớn trên thị trường thế giới như gạo, cà phê, hồ tiêu, hạt điều, tôm, cá tra... Tăng trưởng xuất khẩu nông sản tại nhiều thị trường đạt 2 con số như xuất khẩu sang Chile tăng 3,6 lần sau 5 năm, tăng bình quân 28,9%/năm; Ấn Độ tăng 15,6 lần sau 9 năm, Hàn Quốc tăng bình quân hơn 29%/năm, Trung Quốc tăng gần 30%/năm...

Tăng trưởng chung của ngành nông nghiệp cả năm 2020 ước đạt khoảng 2,6% (cao hơn mức 2,01% của năm 2019). Nhiều nhà máy chế biến nông sản được xây dựng và đi vào hoạt động. Xây dựng nông thôn mới tăng tốc, đến cuối năm 2020 dự kiến có trên 63% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong khi mục tiêu đề ra là 50%.


MỘT SỰ CHUYỂN DẤU NGOẠN MỤC

Bước vào năm đầu tiên của nhiệm kỳ, năm 2016, hạn hán, xâm nhập mặn khốc liệt nhất lịch sử tấn công Đồng bằng sông Cửu Long, nơi chiếm 95% sản lượng lúa xuất khẩu, 65% sản lượng rau quả, 70% thủy sản. Lần đầu tiên vùng đất "Chín rồng" giảm 1 triệu tấn lương thực, 1 triệu người thiếu nước sinh hoạt, 402.000ha lúa bị ảnh hưởng giảm năng suất do hạn mặn nghiêm trọng...

Kết quả là lần đầu tiên ngành nông nghiệp tăng trưởng âm 0,18% trong 6 tháng đầu năm 2016. Tính cả năm 2016 cũng chỉ tăng trưởng được 1,2%, mức thấp nhất trong vòng 30 năm qua. Thế nhưng, chỉ trong một thời gian rất ngắn, tăng trưởng không chỉ chuyển dấu từ âm sang dương mà còn chuyển dấu ngoạn mục. Đến quý I năm 2017, giá trị tăng thêm ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản (khu vực I) đã đạt 2,03% so cùng kỳ năm trước, đặc biệt, ngành thủy sản đạt được mức tăng khá tốt so với cùng kỳ, với mức tăng lên tới 3,5%. Đến năm 2018, tăng trưởng nông nghiệp đạt mức tăng cao nhất trong vòng 2 thập kỷ qua và duy trì kết quả cao từ đó tới nay.

THAM VỌNG ĐỨNG ĐẦU THẾ GIỚI

Vào tháng 7/2019, Chính phủ đã ban hành riêng một Nghị quyết về giải pháp khuyến khích, thúc đẩy dDN đầu tư vào nông nghiệp hiệu quả, an toàn và bền vững, trong đó thể hiện rõ tham vọng đưa ngành nông nghiệp Việt là trung tâm chế biến sâu của nông nghiệp thế giới, là một trong 15 nước phát triển nhất thế giới vào năm 2030, trong đó ngành chế biến nông sản đứng trong số 10 nước hàng đầu thế giới

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc luôn đặt kỳ vọng rất lớn vào sự phát triển của ngành nông nghiệp. Vì vậy, ông luôn tạo điều kiện tối đa cho ngành này phát triển, đi cùng với đó, là tạo sức ép để ngành phải vượt lên chính mình. Như vào thời điểm năm 2018, nông nghiệp đạt được con số xuất khẩu ấn tượng chưa từng có là là 40 tỷ USD, nhưng Thủ tướng yêu cầu năm 2019, ngành phải tiếp tục phấn đấu xuất khẩu tối thiểu 43 tỷ USD. Đáng lưu ý, tối thiểu là 43 tỷ USD, chứ không phải tối đa.

3 năm trước, năm 2017 khởi đầu với hàng loạt các sự kiện nổi bật nhất đều thuộc về nông nghiệp. Ngay trong ngày đầu năm mới, Thủ tướng nhấn nút khởi động sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại Hà Nam. Vài ngày sau, ông trực tiếp chủ trì hội nghị phát triển lớn chưa từng có về ngành tôm tại Cà Mau. Tiếp đó, là hội nghị phát triển ngành lúa gạo tại An Giang...

Lựa chọn cho hội nghị xúc tiến đầu tư vào quê lúa Thái Bình ngày 9/4/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thể hiện một quyết tâm cao nhất từ trước đến nay của Chính phủ trong việc mở ra thời kỳ phát triển mới cho lĩnh vực nông nghiệp. Khí thế phát triển nông nghiệp theo đó sôi sục suốt cả nhiệm kỳ 2016- 2020 và cho cả đến tận phút chót, ngày 19/12/2020, Việt Nam khánh thành một nhà máy chế biến thịt gà lớn nhất thế giới.

Chia sẻ mỗi khi nghĩ về lĩnh vực nông nghiệp là như luôn nghe được câu hát "mà trong nắng trong mưa, lúa vẫn lên xanh tốt", Thủ tướng khẳng định không chỉ đưa nền nông nghiệp phát triển mạnh mẽ mà cả nền kinh tế tăng trưởng để đời sống người dân ngày càng được cải thiện và đất nước ngày càng thịnh vượng. "Có một điều làm tôi hết sức phấn khởi và cảm động", Thủ tướng nói, "Đó là bất chấp diễn biến đầy khó khăn, bất lợi cho sự phát triển của ngành nông nghiệp như thiên tai, xâm nhập mặn, cạnh tranh gay gắt từ các quốc gia tác động đến Việt Nam...Tất cả các hội nghị nông nghiệp mà tôi và một số đồng chí lãnh đạo khác cùng chủ trì đều có không khí vô cùng sôi nổi, lạc quan, ai ai cũng tràn đầy nhiệt huyết".