13:50 26/11/2009

Thương mại Việt - Trung: Hai rào cản vô hình

Y Nhung

Cán cân thương mại Việt- Trung đang nghiêng hẳn về phía bạn, nhưng không nên "quá lo lắng" về điều này

"Nếu nhìn vào cơ cấu hàng nhập khẩu của nước ta từ Trung Quốc thì 90% kim ngạch nhập khẩu là vật tư, nguyên liệu, chứ không phải là những hàng tiêu dùng xa xỉ".
"Nếu nhìn vào cơ cấu hàng nhập khẩu của nước ta từ Trung Quốc thì 90% kim ngạch nhập khẩu là vật tư, nguyên liệu, chứ không phải là những hàng tiêu dùng xa xỉ".
Cán cân thương mại Việt- Trung đang nghiêng hẳn về phía bạn, nhưng không nên "quá lo lắng" về điều này.

Đó là ý kiến của ông Đào Ngọc Chương, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - Thái Bình Dương (Bộ Công Thương), trước nhiều quan ngại về tình trạng nhập siêu của nước ta từ nước láng giềng Trung Quốc.

Theo ông Chương, đúng là cán cân thương mại hai nước ngày càng mất cân đối, tỷ lệ nhập siêu của Việt Nam ngày càng tăng. Năm 2001, mức nhập siêu từ Trung Quốc là 200 triệu USD, đến năm 2008 đã tăng lên 11,1 tỷ USD, gấp 55 lần so với năm 2001.

Tuy nhiên, nếu nhìn vào cơ cấu hàng nhập khẩu của nước ta từ thị trường này thì 90% kim ngạch nhập khẩu là vật tư, nguyên liệu sản xuất như: sắt, thép sử dụng cho xây dựng và đóng tàu; máy móc thiết bị; phân bón, vật tư nông nghiệp; hóa chất; nguyên, phụ liệu dệt may… chứ không phải là những hàng tiêu dùng xa xỉ.

Vẫn cần nhập nguyên liệu đầu vào

Phải chăng việc cán cân thương mại giữa nước ta và Trung Quốc mất cân đối một phần là do hàng hóa của Việt Nam xuất sang thị trường này thường ở dạng nguyên liệu thô, thưa ông?

Hiện nay, bạn hàng lớn của Việt Nam trên thế giới là Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc.

Hàng năm, nước ta xuất khẩu hàng dệt may, giày dép sang các thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản mang về kim ngạch khoảng 5-6 tỷ USD. Nhưng do chưa có ngành công nghiệp phụ trợ nên 2/3 trong số kim ngạch này đã phải dùng để nhập khẩu nguyên liệu. Vì vậy, nếu tính ngoại tệ thực thu thì không phải là lớn. Xuất khẩu chủ yếu giải quyết vấn đề lao động và an sinh xã hội.

Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu từ thị trường Trung Quốc chủ yếu là từ nông sản, thủy sản nên con số hơn 4 tỷ USD thu về trong năm 2008 ít bị “hao hụt”.

Còn về việc Việt Nam xuất khẩu chủ yếu là nguyên liệu thô? Có một thực tế không ai có thể phủ nhận đó là ngành công nghiệp chế biến của nước ta chưa phát triển đủ mạnh để tạo thêm giá trị gia tăng cho các hàng hóa xuất khẩu sang các nước, trong đó có Trung Quốc.

Do vậy, muốn thay đổi cơ cấu hàng xuất khẩu theo hướng tăng giá trị của hàng nông sản, thuỷ hải sản phải cần có thời gian và phụ thuộc vào tốc độ công nghiệp hoá cũng như chính sách và dòng vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) vào Việt Nam

Thêm nữa, về mặt lịch sử, Trung Quốc bắt đầu cải cách mở cửa từ năm 1976. Khi đó bản thân quốc gia này đã có một nền công nghiệp hoàn chỉnh. Trong đó, ngành công nghiệp phụ trợ cũng rất phát triển, không chỉ cung cấp đủ cho yêu cầu sản xuất phục vụ xuất khẩu, mà còn dành phần đáng kể cho xuất khẩu.

Còn vào năm 1986, nước ta mới chính thức đổi mới và phải đến năm 1991, nền kinh tế mới có nhiều khởi sắc. Giai đoạn đầu, nền kinh tế mới chỉ hướng tới đáp ứng đủ các nhu cầu sản xuất và tiêu dùng trong nước, chứ chưa có quy mô hướng tới xuất khẩu lớn như hiện nay.

Sau này, do tận dụng được các lợi thế như lao động khéo léo, giá nhân công thấp nên một số ngành gia công như dệt may, da giày ở nước ta mới phát triển mạnh. Nhưng hầu hết nguyên liệu vẫn phải nhập khẩu.

Hiện nay, quy mô sản xuất ngày càng mở rộng, vì vậy nhu cầu đối với các loại nguyên liệu đều tăng cao. Dòng vốn đầu tư từ nước ngoài nước ta thu hút vào lĩnh vực này hàng năm vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của sự phát triển, dẫn tới nước ta vẫn phải nhập khẩu các nguyên liệu đầu vào của sản xuất.

Như ông nói, dường ta đang tranh thủ khai thác nguồn nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc?

Đúng là như vậy.

Nguyên nhân chính khiến nước ta nhập khẩu nguyên liệu chủ yếu từ Trung Quốc là do vị trí địa lý gần. Điều này đã giúp tiết kiệm đáng kể chi phí và thời gian giao hàng. Thêm vào đó, giá cả của các loại hàng hóa từ thị trường này có tính cạnh tranh cao. Mẫu mã lại phong phú đáp ứng được các yêu cầu của nước ta.

Còn những cái lợi khác cũng có thể nhìn thấy là: việc nhập khẩu vật tư nguyên liệu từ thị trường này đã tạo điều kiện để nhanh chóng điều chỉnh mối quan hệ cung cầu  trong thị trường nội địa. Ngoài ra, điều này còn tạo ra sức hút đối với các nhà đầu tư nước ngoài vào sản xuất các nguyên liệu mà nước ta đang phải nhập khẩu.

Tiếp nữa, nhập khẩu từ Trung Quốc cũng là cách khai thác một cách có hiệu quả những tiềm năng, thế mạnh của nước bạn để bổ sung cho những gì chúng ta còn thiếu. Đây cũng chính là cơ sở cho việc hợp tác lâu dài trong tương lai.

Tuy nhiên, nếu cứ để cán cân thương mại nghiêng hẳn về phía bạn trong thời gian quá dài cũng không phải là điều tốt. Theo ông cần làm gì để cải thiện điều này?

Trước mắt cũng như lâu dài, để giải được bài toán này, nước ta cần phải có các chính sách hợp lý để thu hút nguồn vốn FDI đầu tư vào các  ngành sản xuất tạo ra những sản phẩm thay thế hàng nhập khẩu.

Một yếu tố quan trọng khác giúp giảm nhập siêu từ Trung Quốc đó là Việt Nam phải tăng cường đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này. Tuy nhiên, thay vì xuất nguyên liệu thô, sản phẩm sơ chế như trước đây, cần phải chú trọng tới việc phát triển ngành công nghiệp chế biến.

Đặc biệt, cần tạo điều kiện để thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp lớn có uy tín, có thực lực của Trung Quốc vào Việt Nam cùng hợp tác, liên doanh, đầu tư  vào những nhóm hàng mà nước ta có tiềm năng và Trung Quốc có nhu cầu để nâng cao giá trị gia tăng hàng xuất khẩu và ổn định thị trường tiêu thụ.

Hai loại rào cản vô hình

Nhưng hiện nay có một số ý kiến cho rằng phía bạn đã đưa ra một số hàng rào kỹ thuật để gây khó khăn cho việc xuất khẩu hàng hóa của nước ta vào thị trường này?

Cho tới thời điểm hiện tại, các cơ quan chức năng quản lý của Việt Nam chưa phát hiện thấy phía Trung Quốc áp dụng các rào cản đối với hàng hóa của nước ta khi xuất khẩu vào thị trường này.

Việc mới đây, phía bạn yêu cầu ta khi xuất khẩu 5 loại trái cây là dưa hấu, nhãn, chuối, thanh long, vải vào thị trường Trung Quốc phải có đăng ký, kê khai nguồn gốc. Ngược lại họ cũng phải cung cấp các thông tin tương ứng về các sản phẩm hoa quả như  lê táo, đào khi xuất sang nước ta.

Còn các quy định khác Trung Quốc đưa ra về dư lượng hóa chất trong thủy sản cũng không vượt quá các quy định của WTO. Hơn nữa, khi yêu cầu đối với hàng nhập khẩu thì hàng xuất khẩu của phía họ cũng phải đảm bảo được các tiêu chuẩn đó.  

Tuy nhiên, qua gần 20 năm khôi phục và phát triển quan hệ thương mại giữa hai nước, có thể thấy vẫn còn có hai loại rào cản vô hình đang cản trở việc đẩy mạnh xuất khẩu của Việt Nam vào Trung Quốc.

Loại rào cản thứ nhất là tâm lý và thói quen buôn bán qua biên giới được hình thành qua nhiều năm đã thành nếp của nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ. Doanh nghiệp chỉ tính tới cái lợi ngay trước mắt, chưa có bài bản, chiến lược lâu dài cũng như ý định vươn sâu vào các tỉnh, thành nằm trong nội địa nước này.

Loại rào cản thứ hai là việc gần đây Trung Quốc cho phép hình thành hàng loạt các công ty buôn bán tiểu ngạch ở khu vực biên giới. Lực lượng doanh nghiệp nhỏ, nhưng đông đảo này cùng với việc cư dân biên giới Trung Quốc tranh thủ khai thác các ưu đãi về chính sách thuế biên mậu và chính sách miễn thuế trong trao đổi hàng hoá giữa cư dân biên giới hai nước, đã tạo nên sự “hứng khởi” cho các doanh nghiệp nước ta khi buôn bán ở các cửa khẩu mà không quyết tâm tiếp cận với các tập đoàn, công ty lớn nằm sâu trong nội địa của nước này.

Do đó, đã đến lúc doanh nghiệp nước ta phải thay đổi cách thức nhận diện, tiếp cận và thâm nhập vào thị trường Trung Quốc. Hay nói cách khác, doanh nghiệp ta cần mạnh dạn và có quyết tâm vượt “rào”, nếu muốn làm ăn lâu dài và ổn định trên thị trường láng giềng rộng lớn và còn nhiều tiềm năng này.