15:47 11/05/2023

Tiền bảo hiểm vi mô bảo vệ sức khỏe, tài sản cho người có thu nhập thấp lên tới 120 triệu đồng

Trâm Anh

Nghị định 21 về bảo hiểm vi mô ra đời với kỳ vọng tạo ra khuôn khổ pháp lý ổn định, minh bạch, rõ ràng, tạo điều kiện giúp hoạt động bảo hiểm vi mô phát triển, từ đó, bảo vệ cá nhân, hộ gia đình có thu nhập thấp trước những rủi ro về tính mạng, sức khỏe và tài sản...

Theo tính toán, phí bảo hiểm vi mô chỉ khoảng 100 nghìn đồng/tháng nhưng tiền bảo hiểm bảo vệ sức khỏe, tài sản lên tới 120 triệu đồng.
Theo tính toán, phí bảo hiểm vi mô chỉ khoảng 100 nghìn đồng/tháng nhưng tiền bảo hiểm bảo vệ sức khỏe, tài sản lên tới 120 triệu đồng.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 21/2023/NĐ-CP ngày 5/5/2023 quy định về bảo hiểm vi mô (Nghị định 21) với 4 chương, 46 điều và 11 phụ lục.

TỔ CHỨC NÀO ĐƯỢC CUNG CẤP BẢO HIỂM VI MÔ?

Theo Bộ Tài chính, việc ban hành Nghị định quy định về bảo hiểm vi mô nhằm khuyến khích các doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài tại Việt Nam cung cấp sản phẩm bảo hiểm vi mô. Từ đó, tạo điều kiện tham gia bảo hiểm cho người dân có thu nhập thấp, ít có điều kiện tiếp xúc với các sản phẩm bảo hiểm thương mại thông thường của các doanh nghiệp bảo hiểm, góp phần thực hiện chính sách bảo đảm an sinh xã hội.

Nghị định cũng nhằm mục tiêu xây dựng khung khổ pháp lý cho các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội, nghề nghiệp, các hợp tác xã thành lập các tổ chức tương hỗ để cung cấp bảo hiểm vi mô cho các thành viên.

Theo đó, bảo hiểm vi mô là các sản phẩm bảo hiểm được thiết kế và cung cấp hướng tới người nghèo, người có thu nhập thấp và những người yếu thế trong xã hội, với đặc điểm phí bảo hiểm thấp, số tiền bảo hiểm nhỏ, sản phẩm bảo hiểm đơn giản, dễ hiểu. 

Khi tham gia các sản phẩm bảo hiểm này, người nghèo, người có thu nhập thấp được tiếp cận với các giải pháp tài chính đối phó với rủi ro, thiệt hại trong cuộc sống.

Ngoài các điều khoản về quy định chung, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng và điều khoản thi hành, Nghị định bao gồm các điều khoản quy định cụ thể về sản phẩm bảo hiểm vi mô, quy định về thành lập, tổ chức và hoạt động của tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô.

Cũng theo quy định tại Nghị định này, tổ chức tương hỗ chỉ được cung cấp sản phẩm bảo hiểm vi mô có thời hạn ngắn (từ 1 năm trở xuống) để bảo vệ rủi ro cơ bản, bao gồm tử vong hoặc thương tật toàn bộ vĩnh viễn, chăm sóc sức khỏe, tai nạn, thiệt hại về tài sản.

Để được cấp phép thành lập và hoạt động của tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô phải đáp ứng các điều kiện về vốn, nhân sự quy định tại Điều 149 Luật Kinh doanh bảo hiểm, trong đó đảm bảo có vốn thành lập bằng đồng Việt Nam không thấp hơn 10 tỷ đồng.

Nguồn vốn thành lập tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô bao gồm vốn góp của cá nhân là thành viên sáng lập.

Thành viên sáng lập không được sử dụng vốn vay, nguồn vốn ủy thác đầu tư của tổ chức, cá nhân khác để tham gia góp vốn; hỗ trợ của tổ chức đại diện thành viên; tài trợ từ các nhà tài trợ, các tổ chức quốc tế, các chương trình, dự án; các nguồn hợp pháp khác theo quy định pháp luật.

Nội dung hoạt động của tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô gồm: cung cấp sản phẩm bảo hiểm vi mô; đầu tư vốn hoạt động, quỹ dự trữ bắt buộc và vốn nhàn rỗi từ dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm.

PHÍ BẢO HIỂM TỐI ĐA CHỈ KHOẢNG 100 NGHÌN ĐỒNG/THÁNG

Theo quy định tại Nghị định 21, phí bảo hiểm tối đa của sản phẩm bảo hiểm vi mô bằng 5% thu nhập bình quân đầu người hàng năm của chuẩn hộ cận nghèo ở khu vực thành thị. Số tiền bảo hiểm tối đa của sản phẩm bảo hiểm vi mô bằng 5 lần thu nhập bình quân đầu người hàng năm của chuẩn hộ cận nghèo ở khu vực thành thị.

Theo quy định tại Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ngày 27/1/2021 quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025, thu nhập bình quân đầu người của hộ cận nghèo khu vực thành thị là 2 triệu đồng/tháng, tương đương với thu nhập đầu người hàng năm là 24 triệu đồng.

 

Như vậy, "phí bảo hiểm tối đa của sản phẩm bảo hiểm vi mô khoảng 100 nghìn đồng/tháng, số tiền bảo hiểm tối đa là 120 triệu đồng, phù hợp với các sản phẩm bảo hiểm vi mô đã được triển khai thí điểm trong thời gian qua", Bộ Tài chính tính toán.

Theo báo cáo triển vọng việc làm và xã hội châu Á – Thái Bình Dương của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), có khoảng 22 - 25 triệu người trong khu vực có thể rơi vào tình trạng nghèo đói do tác động của đại dịch Covid-19.

Đây là các chủ thể yếu thế trong xã hội, nhạy cảm trước những rủi ro rất cần được bảo hiểm nhưng lại không có điều kiện tiếp cận với các sản phẩm bảo hiểm thương mại thông thường.

Bên cạnh đó, tại các quốc gia đang phát triển, tỷ lệ dân cư thu nhập thấp chiếm tỷ trọng cao, nhất là khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, trong trường hợp này, bảo hiểm vi mô sẽ là giải pháp "cứu cánh" hữu hiệu cho công tác an sinh, góp phần xoá đói, giảm nghèo và ổn định xã hội.