14:06 12/07/2022

“Khoảng trống” an sinh xã hội: Cần nhanh chóng lấp đầy

Lý Hà

Đến năm 2030, Việt Nam sẽ đối mặt với nguy cơ 12 triệu người cao tuổi không có lương hưu, nếu không nỗ lực mở rộng bao phủ bảo hiểm xã hội. Đây là một nhận định đáng lưu ý và là bài toán cần xem xét để tránh gánh nặng đối với hệ thống an sinh xã hội trong tương lai...

Nhận định này vừa được đưa ra tại hội thảo: “Nhận diện những vấn đề về chính sách xã hội để thúc đẩy phát triển bao trùm, toàn diện, hướng tới bảo đảm an sinh xã hội toàn dân, không bỏ ai lại phía sau”, do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) phối hợp tổ chức.

HƯỚNG TỚI AN SINH XÃ HỘI TOÀN DÂN 

Để bàn về nhận định này, cần nhìn lại 10 năm thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 1/6/2012, một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020. Đây là nghị quyết tập trung vào hai nhóm chính sách: Chính sách ưu đãi người có công và chính sách an sinh xã hội. Mục tiêu mà Nghị quyết đặt ra là đến năm 2020, cơ bản bảo đảm an sinh xã hội toàn dân, bảo đảm mức tối thiểu về thu nhập, giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch và thông tin, truyền thông, góp phần từng bước nâng cao thu nhập, bảo đảm cuộc sống an toàn, bình đẳng và hạnh phúc của nhân dân.

Thực tế thực hiện Nghị quyết 15, Việt Nam đã hoàn thành trước thời hạn nhiều mục tiêu thiên niên kỷ; cải thiện Chỉ số phát triển con người (HDI) Việt Nam, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ môi trường và nâng cao phúc lợi xã hội, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Hệ thống chính sách xã hội cơ bản đồng bộ, toàn diện, bảo đảm quyền an sinh xã hội của người dân. Nhiều chính sách giảm nghèo bền vững thực hiện có hiệu quả, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người yếu thế được Nhà nước và xã hội trợ giúp thường xuyên, kịp thời, hiệu quả. Bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế ngày càng mở rộng và trở thành trụ cột quan trọng của an sinh xã hội. Hệ thống dịch vụ xã hội được cải thiện, cơ bản bảo đảm quyền học tập, y tế, nhà ở, nước sạch và thông tin truyền thông của nhân dân.

Tuy nhiên, trong giai đoạn này đã thấy rõ tốc độ già hóa dân số có vẻ nhanh hơn tốc độ bao phủ bảo hiểm xã hội. Cụ thể, theo thống kê năm 2021, Việt Nam đã có trên 8 triệu người hơn 65 tuổi, chiếm 8,3% dân số và dự kiến đến năm 2036 sẽ có khoảng 15,5 triệu người, chiếm 14,1%. Hiện nay Việt Nam mới có 16,5 triệu người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội, trong tổng số lực lượng lao động hơn 50 triệu người, tức chỉ mới chiếm 33%.

“Khoảng trống” an sinh xã hội: Cần nhanh chóng lấp đầy - Ảnh 1

Trong 11,4 triệu người cao tuổi mới chỉ có 4,3 triệu người đang được hưởng lương hưu (chiếm 38%). Trong đó 2,6 triệu từ bảo hiểm xã hội và 1,7 triệu từ bảo trợ xã hội. Ông Nuno Cunha, chuyên gia cao cấp về an sinh xã hội của ILO đánh giá, diện bao phủ an sinh xã hội cộng với mức hưởng lương hưu thấp, có thể dẫn tới tương lai hàng chục triệu người già không có lương hưu. Chuyên gia này cũng nhận xét, không hẳn người lao động không muốn tham gia bảo hiểm xã hội, mà do không có quan hệ lao động, làm việc tự do, trong khi điều kiện đóng bảo hiểm xã hội là phải có hợp đồng lao động hoặc quan hệ lao động. Ngoài ra, mức chi cho an sinh xã hội của Việt Nam thấp, chỉ khoảng 4% GDP, trong khi mức trung bình khu vực Ðông Nam Á và Thái Bình Dương là 8%, thế giới là 13%.

Còn chuyên gia André Gama (ILO) cảnh báo dân số Việt Nam đang già hóa nhanh sẽ là áp lực lớn lên thế hệ lao động trung niên (40-50 tuổi). Thế hệ này vừa có trách nhiệm phụng dưỡng cha mẹ già ở độ tuổi từ 60 đến 79 tuổi, vừa nuôi con nhỏ và lo cho chính mình. Do gánh nhiều trọng trách, thế hệ 40-50 tuổi sẽ khó bảo đảm năng suất lao động, họ mất đi cơ hội thăng tiến, tích lũy, bảo đảm thu nhập lúc về già. Lúc đó, vòng luẩn quẩn sẽ tiếp tục lặp lại với chính họ: Lúc trẻ không có tích lũy, khi ở độ tuổi 60-79 lại nghèo khó, bệnh tật. Ðiều này sẽ khiến Việt Nam chịu áp lực lớn về chi phí y tế, an sinh xã hội. Với những lập luận trên, các chuyên gia của ILO cho rằng sẽ có những người từ 60 đến 79 tuổi không thuộc diện nghèo nhưng không có lương hưu và chưa đến tuổi được nhận trợ cấp xã hội nên được xem là bị bỏ sót trong thiết kế chính sách hưu trí của Việt Nam. Đây là khoảng trống an sinh xã hội cần nhanh chóng lấp đầy.

CẦN TẬP TRUNG VÀO "MỘT XÂY VÀ BA TĂNG CƯỜNG"

Hiện nay thu nhập của nhóm người này cơ bản từ các công việc từng làm của họ nhưng đa phần có lẽ dựa vào chu cấp từ con cái. Bà Ingrid Christensen, Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam, nhấn mạnh, dù có nhiều tiến triển nhưng nhiều người Việt Nam vẫn chưa được tiếp cận đầy đủ với an sinh xã hội. Việt Nam cần nỗ lực để đảm bảo an sinh xã hội, giải quyết thách thức từ các nhóm chính sách bị bỏ sót, những nhóm người làm việc tự do… thuộc nhóm cấp thiết cần tham gia an sinh xã hội. Vì thế, cần phải có những cải cách mạnh mẽ về an sinh xã hội để nâng diện bao phủ bảo hiểm xã hội, nhằm bớt gánh nặng trong tương lai do những người cao tuổi không được hưởng bất cứ chế độ hưu trí nào.

Cũng cần thấy rằng, những năm gần đây, Việt Nam đã từng bước mở rộng mức độ bao phủ an sinh xã hội theo hướng mọi công dân đều được bảo đảm an sinh xã hội. Những bước tiến này đã được thể hiện trong Nghị quyết 28-NQ/TW về cải cách bảo hiểm xã hội và Đề án đổi mới và phát triển trợ giúp xã hội (theo Quyết định số 488/TTg/2017 của Thủ tướng Chính phủ), cũng như các kế hoạch hành động, chiến lược phát triển liên quan.

Chúng ta cũng nhận thấy rằng các yếu tố như rủi ro toàn cầu, các vấn đề về môi trường và áp lực nhân khẩu học do tốc độ già hóa dân số đang diễn ra nhanh chóng sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến nền kinh tế cũng như thị trường lao động, có tác động mạnh mẽ đến mức sống của mọi người dân. Vì thế, việc cải cách hệ thống an sinh xã hội cần tiếp tục phát triển dựa trên cách tiếp cận vòng đời, bền vững, bao trùm, đáp ứng cú sốc, nhạy cảm về giới và bảo đảm đất nước tiếp tục phát triển kinh tế nhanh chóng, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Các chuyên gia của ILO đã khuyến nghị, để đạt được các mục tiêu, tiêu chuẩn lao động quốc tế và các thông lệ tốt nhất trong lĩnh vực an sinh xã hội, chương trình cải cách an sinh xã hội của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cần tập trung vào các lĩnh vực chính sách “một xây ba tăng cường: Xây dựng hệ thống an sinh xã hội đa tầng hiệu quả; tăng cường sự liên kết và phối hợp giữa các nhánh chính sách trong hệ thống an sinh xã hội ở nhiều cấp; tăng cường sự tập trung và chú trọng phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội bắt buộc; tăng cường đầu tư cho an sinh xã hội, hiện nay mức đầu tư của nước ta đang thấp so với nhiều nước, mới chiếm khoảng 4% GDP…

Trên cơ sở đó, nhiều ý kiến đưa ra rất cụ thể, như tính tới phương án giảm độ tuổi hưởng trợ cấp xã hội so với 80 tuổi hiện hành, tùy vào điều kiện từng địa phương để nâng trợ cấp xã hội so với quy định chung nhằm tăng độ phủ an sinh xã hội. Không nên xây dựng hay triển khai các chính sách an sinh xã hội tách biệt với các lĩnh vực chính sách công khác. Khuyến khích bảo hiểm xã hội bắt buộc, và xem lại chính sách rút bảo hiểm xã hội một lần gắn với đặc điểm thị trường lao động Việt Nam, theo hướng thúc đẩy sự phối hợp và liên kết các chính sách an sinh xã hội với các khuôn khổ pháp lý, chính sách việc làm như Luật Việc làm và Bộ luật Lao động. An sinh xã hội có thể được thực hiện bền vững hơn và tài chính của an sinh xã hội công bằng hơn khi công nhận an sinh xã hội có liên kết với việc làm.

 

"Không hẳn người lao động không muốn tham gia bảo hiểm xã hội, mà do không có quan hệ lao động, làm việc tự do, trong khi điều kiện đóng bảo hiểm xã hội là phải có hợp đồng lao động hoặc quan hệ lao động. Ngoài ra, mức chi cho an sinh xã hội của Việt Nam thấp, chỉ khoảng 4% GDP, trong khi mức trung bình khu vực Ðông Nam Á và Thái Bình Dương là 8%, thế giới là 13%" - Ông Nuno Cunha, Chuyên gia cao cấp về an sinh xã hội của ILO.