13:50 28/02/2023

Tiến tới thành lập Hiệp hội Doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam đầu tư sang Lào

Chu Khôi

“Quy mô thị trường Lào tuy nhỏ, sức mua thấp nhưng đây là cửa ngõ để chúng ta vào thị trường Thái Lan, phía Bắc Trung Quốc. Cần nhìn nhận như vậy để thúc đẩy hợp tác. Trong tháng 4 tới đây sẽ ra mắt Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sang Lào và Lào cũng sẽ thành lập Hiệp hội Doanh nghiệp Lào hợp tác với Việt Nam để cùng nhau phát triển…”

Các doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư mạnh mẽ sang Lào ở lĩnh vực chăn nuôi và trồng trọt.
Các doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư mạnh mẽ sang Lào ở lĩnh vực chăn nuôi và trồng trọt.

Chủ trì hội nghị: "Thúc đẩy hợp tác nông nghiệp Việt Nam – Lào" vào chiều 27/2/2023, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh: "Lào không chỉ đơn thuần là quốc gia láng giềng có mối quan hệ hữu nghị đặc biệt, hiếm có với Việt Nam mà còn là cửa ngõ đi sang thị trường Thái Lan, Trung Quốc".

LỢI THẾ ĐẤT ĐAI VÀ GIAO THÔNG

Tại hội nghị, ông Vũ Văn Chung, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch - Đầu tư) cho biết trong những năm qua, Việt Nam là quốc gia đầu tư mạnh mẽ vào đất nước Lào, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp.

Doanh nghiệp Việt Nam đầu tư nông nghiệp sang Lào có nhiều lợi thế, trước hết là đất đai. Với diện tích tự nhiên vào khoảng 230.000km2, dân số khoảng 6,5 triệu người, diện tích đất nông nghiệp khoảng 7 triệu ha, đất đai rộng lớn trong bối cảnh nền nông nghiệp còn chủ yếu canh tác theo lối thủ công truyền thống chính là cơ hội lớn để các doanh nghiệp Việt Nam sang đầu tư phát triển sản xuất.

 

"Trong số gần 240 dự án của Việt Nam đầu tư tại Lào với tổng số vốn gần 5,4 tỷ USD thì lĩnh vực nông nghiệp có 49 dự án. Các dự án nông nghiệp do Việt Nam đầu tư có hiệu quả và nhiều thành tựu nổi bật. Điển hình có Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, Tập đoàn Trường Hải, Tập đoàn Thành Thành Công, Công ty Cổ phần sữa Việt Nam Vinamilk…"

Ông Vũ Văn Chung, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Lợi thế thứ hai, trong vòng 5 năm trở lại đây đất nước Lào có chiến lược phát triển và đầu tư vượt bậc về hạ tầng giao thông, đặc biệt là tuyến đường sắt cao tốc Viêng Chăn - Côn Minh (Trung Quốc). Cùng với đó là kế hoạch cùng Việt Nam xây dựng đường cao tốc Viêng Chăn - Hà Nội, cao tốc Viêng Chăn - Vũng Áng với khát vọng, mục tiêu trở thành trung tâm logicstic của khu vực Đông Nam Á, kết nối với thị trường Trung Quốc. Phát triển giao thông ở Lào đã mở ra nhiều cơ hội cho nông sản của các quốc gia láng giềng, trong đó có Việt Nam.

Bằng truyền thống hữu nghị, đặc biệt, hiếm có giữa hai quốc gia, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam và Lào đã có chiến lược hợp tác khá toàn diện, trở thành nền tảng để các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sang Lào. Quyết định số 482/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế đối ngoại vùng biên giới Việt Nam - Lào và Việt Nam - Campuchia cũng đã có nhiều cơ chế đặc biệt hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sang Lào.

Tuy nhiên, ông Vũ Văn Chung cho rằng đất đai ở Lào còn rộng lớn, tiềm năng phát triển sản xuất kinh doanh còn nhiều nhưng có những vấn đề khó khăn như đa số diện tích đất đều đã có chủ.

“Chính phủ Lào cũng chưa xây dựng quy hoạch tổng thể đất đai, chưa có các chính sách đặc thù để hỗ trợ, ưu đãi phát triển nông nghiệp quy mô lớn, nông nghiệp công nghệ cao. Hệ thống giao thông, thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp và vận chuyển tiêu thụ nông sản còn rất hạn chế, đầu tư vào khoa học kỹ thuật nông nghiệp còn hạn chế…”, ông Chung nói.

Ông Bùi Văn Quỳ, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cảng biển Việt cho hay hiện Tân cảng Sài Gòn có 16 cảng, chủ yếu ở Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ và đang tiên phong vào thị trường Lào, Đông Bắc Thái Lan, mở tuyến dịch vụ container kết nối các nhà đầu tư. Tân Cảng rất sẵn lòng hỗ trợ cho các doanh nghiệp để tăng cường hợp tác, có chiến lược logistics để thúc đẩy thương mại Việt Nam - Lào phát triển.

“Nhiều người nói Lào là quốc gia không có biển nên sẽ rất khó khăn trong lĩnh vực logicstic. Tuy nhiên hiện nay đất nước Lào đã có 7 cảng cạn, cùng với sự hỗ trợ từ Việt Nam để khai thác cảng Vũng Áng và đặc biệt là chiến lược đột phá giao thông, tới đây Lào sẽ trở thành trung tâm logicstic của khu vực. Điều đó có nghĩa là cơ hội đầu tư, phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp tại đất nước này còn tiềm năng, lợi thế rất lớn”, ông Quỳ chia sẻ.

 CẦN ĐẦU TƯ HẠ TẦNG GIAO THÔNG VÀ THỦY LỢI

Bà Nguyễn Thị Thành Thực, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Công nghệ phần mềm Auto Agri, doanh nghiệp đang có nhiều hợp tác đầu tư tại Lào chia sẻ: Tiềm năng, lợi thế đầu tư nông nghiệp ở Lào hiện đã rõ, chúng tôi đề nghị sớm xây dựng trung tâm logicstic ở Viêng Chăn. Tập trung nguồn lực hỗ trợ các tỉnh khu vực biên giới kết nghĩa với các tỉnh của Lào, con đường tốt nhất là hỗ trợ nông nghiệp, đầu tư các khu nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái để tận dụng lợi thế nông nghiệp sạch của Lào.

Ông Đinh Cao Khuê, Chủ tịch Doveco, doanh nghiệp đang trực tiếp đầu tư phát triển chế biến nông sản tại Lào thông tin: “Cách đây 3 tháng, Đại sứ Lào đặt vấn đề chúng tôi mở rộng đầu tư trồng dứa, trồng ngô tại Xiêng Khoảng, Hủa Phăn, chúng tôi cũng đã nghiên cứu và khẳng định điều kiện khí hậu, đất đai hoàn toàn phù hợp”.

Các doanh nghiệp cho rằng muốn đầu tư vào sản xuất, trước tiên phải có hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng thủy lợi, nhưng thực tế Lào đang gặp khó về vấn đề này. Nguồn nhân lực, dịch vụ công và khoa học kỹ thuật… của đất nước Lào còn nhiều hạn chế.

Các doanh nghiệp mong muốn các bộ, ngành hai nước hỗ trợ phát triển hạ tầng, thủy lợi, ngành hàng nông sản cho Lào. Thời gian tới, ngoài Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thì Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng cần hỗ trợ Lào về đường lối, thủ tục thuận lợi cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tiến tới thành lập Hiệp hội Doanh nghiệp nông nghiệp Việt - Lào.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan chu trì hội nghị Đầu tư nông nghiệp sang Lào.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan chu trì hội nghị Đầu tư nông nghiệp sang Lào.

Chủ trì hội nghị, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ không gian thị trường thời đại ngày nay đã không còn biên giới. Lào không chỉ đơn thuần là quốc gia láng giềng có mối quan hệ hữu nghị đặc biệt, hiếm có với Việt Nam mà còn là cửa ngõ đi sang thị trường Thái Lan, Trung Quốc.

 

"Hợp tác đầu tư nông nghiệp Việt Nam - Lào không chỉ mang ý nghĩa kinh tế mà còn là truyền thống hữu nghị, trên tinh thần chia sẻ lợi ích, cùng nhau phát triển. Hợp tác đầu tư phát triển nông nghiệp Việt Nam - Lào phải bắt đầu từ tư duy “thị trường xa là chúng ta đi bán, thị trường gần là tạo ra vùng nguyên liệu, nguồn hàng để cùng nhau đi bán”.

Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Trước đó, cuối tháng 12/2022, Bộ trưởng Lê Minh Hoan có chuyến thăm và làm việc chính thức tại Lào và ký kết 2 văn kiện quan trọng với Bộ trưởng Nông lâm nghiệp Lào. Trong đó, Việt Nam và Lào nhất trí khuyến khích và tạo cơ chế thuận lợi nhằm thu hút các doanh nghiệp của Việt Nam đầu tư sang Lào trong lĩnh vực nông nghiệp. Đồng thời kết hợp chặt chẽ giữa khâu sản xuất ở Lào với các đầu mối chế biến và xuất khẩu nông sản của Việt Nam, nhằm đưa Lào trở thành một phần vùng nguyên liệu phục vụ chế biến nông sản xuất khẩu của Việt Nam.

Từ tư duy đi cùng nhau Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với Bộ Kế hoạch - Đầu tư sẽ phối hợp xúc tiến thành lập Hiệp hội Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam - Lào.

“Việc thành lập hiệp hội sẽ là kênh kết nối, thông tin để việc hợp tác đầu tư, phát triển, tổ chức hoạt động giao lưu, đầu mối quan trọng để gắn các hoạt động hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực nông nghiệp theo nhu cầu của doanh nghiệp, phục vụ lợi ích của doanh nghiệp và người dân 2 nước. Dự kiến, trong tháng 4 tới sẽ ra mắt Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sang Lào và Lào cũng sẽ thành lập Hiệp hội Doanh nghiệp Lào hợp tác với Việt Nam để cùng nhau  phát triển”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan thông tin.